Dẫu vậy, các cổ đông nhỏ đang rất cần sự tiếp sức của nhà quản lý để không đơn độc trên con đường không chỉ đơn thuần là bảo vệ họ, mà quan trọng hơn là tăng sức ép cải thiện chất lượng quản trị công ty, qua đó tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, thu hút nhiều hơn các dòng vốn tham gia thị trường.
Cổ đông nhỏ là những người nắm giữ vài trăm hoặc vài ngàn cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu rất nhỏ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại không ít công ty, tổng lượng cổ đông này chiếm tới 20 - 30% trong tổng lượng cổ phần có quyền biểu quyết tại doanh nghiệp. Vì chưa có kênh để họ liên kết với nhau, nên giống như bó đũa bị chia lẻ ra từng chiếc, họ là lực lượng yếu thế, không có tiếng nói tại doanh nghiệp.
Thậm chí, lãnh đạo doanh nghiệp không ngại đưa ra những hành xử chèn ép, tước đi quyền và lợi ích chính đáng của cổ đông nhỏ theo luật định.
Một trong những hành vi vi phạm quyền của cổ đông nhỏ là đặt ra điều kiện tham gia cuộc họp đại hội đồng cổ đông, cụ thể là yêu cầu phải sở hữu hoặc đại diện sở hữu một khối lượng cổ phần nhất định. Trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 18 (Licogi 18), mã chứng khoán L18, niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là một ví dụ.
Tại mục “Quan hệ cổ đông” trên website www.licogi18.com.vn của L18 vẫn còn lưu thông báo về Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2009, do Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Văn Giang công bố (hiện ông Giang vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc).
Trong đó, điều kiện mà các cổ đông phải đáp ứng nếu muốn tham dự đại hội là: “Những cổ đông nắm giữ hoặc được đại diện sở hữu từ 15.000 cổ phần L18 trở lên có quyền tham dự đại hội cổ đông năm 2009. Trường hợp cổ đông không thể trực tiếp tham dự hoặc không đủ điều kiện tham dự thì có thể uỷ quyền hoặc nhận uỷ quyền để đủ điều kiện tham dự đại hội”.
Tương tự, Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Minh Hải đặt ra điều kiện: chỉ cổ đông sở hữu 5.000 cổ phần mới được tham dự cuộc họp đại hội đồng cổ đông, những cổ đông sở hữu ít hơn 5.000 cổ phần sẽ tập hợp lại và cử đại diện tham dự đại hội. Sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu Công ty xem xét lại quy định này để bảo đảm quyền lợi của cổ đông.
Trong khi đó, pháp luật không định ra bất kỳ điều kiện nào mà các cổ đông phải đáp ứng để được tham gia cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Việc doanh nghiệp đặt ra điều kiện mà các cổ đông nhỏ phải đáp ứng thì mới được tham dự cuộc họp đại hội đồng cổ đông không chỉ xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, mà còn làm xấu hình ảnh của chính công ty, cũng như thị trường chứng khoán.
Một hình thức vi phạm phổ biến khác của các doanh nghiệp, tước đi quyền dự họp đại hội đồng cổ đông của các cổ đông nhỏ là “quên” gửi thư mời họp, trong khi yêu cầu cổ đông tham dự phải mang theo thư mời.
Cổ đông của một công ty thi công hạ tầng lớn đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông năm ngoái, khi xem trên website của công ty thì biết lịch họp, nhưng chờ mãi không thấy thư mời họp.
Cổ đông của một công ty khác chia sẻ: “Là cổ đông của một công ty chứng khoán đang niêm yết và nắm giữ cổ phiếu trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ tôi nhận được thư mời họp đại hội đồng cổ đông của công ty. Không biết có bao nhiêu cổ đông nhỏ như tôi bị đối xử như thế này. Có lần, tôi muốn công khai thông tin này ra rộng rãi thị trường, nhưng vì mình mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty, đồng thời đầu tư vào chính cổ phiếu của công ty, e ngại có thể ảnh hưởng đến quyền lợi, nên tôi đành thôi”.