Cienco5, Vinamotor ghi danh trong đợt thoái vốn lớn nhất ngành giao thông cuối năm

Cienco5 và Vinamotor là những cái tên lớn đáng chú ý nhất trong đợt thoái vốn nhà nước từ nay đến cuối năm của Bộ Giao thông - Vận tải.
Cienco5 - đơn vị thi công Dự án Cầu Cửa Đại không phải là hành khách duy nhất trên “con tàu thoái vốn nhà nước” ngành giao thông đang đến ga cuối. Ảnh: Đ.N Cienco5 - đơn vị thi công Dự án Cầu Cửa Đại không phải là hành khách duy nhất trên “con tàu thoái vốn nhà nước” ngành giao thông đang đến ga cuối. Ảnh: Đ.N

Lộ ứng viên duy nhất

Cho đến thời điểm này, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Trí là ứng cử viên duy nhất lộ diện tham vọng thâu tóm Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (Cienco) 5 – CTCP.

Trong đơn gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), ông Thân Đức Nghiêm Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Trí khẳng định muốn mua trọn gói 27.736.020 cổ phần hiện do Nhà nước nắm giữ, tương ứng với 63,18% vốn điều lệ Cienco5 theo giá khởi điểm khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng là 10.000 đồng/cổ phần.

“Chúng tôi muốn được Bộ GTVT áp dụng phương thức mua là chỉ định nhà đầu tưvà nếu giao dịch thành công sẽ thanh toán thành 2 đợt”, ông Thân Đức Nghiêm Huân đề xuất tại văn bản gửi Bộ GTVT vào tháng 6/2015.

Tuy nhiên, Nam Trí có thể sẽ phải cân nhắc lại đề nghị  thâu tóm Cienco5, bởi điều kiện mua số cổ phần Nhà nước tại tổng công ty xây dựng công trình giao thông có quy mô lớn nhất Nam Trung Bộ mà HĐQT Cienco5 vừa trình lên Bộ GTVT có rất nhiều điểm lệch pha.

Cụ thể, tại tờ trình mới nhất được Cienco5 trình Bộ GTVT vào đầu tuần này, phương án thoái vốn theo lô, chỉ định cho nhà đầu tư chiến lược đã được chuyển sang bán đấu giá thoái vốn theo lô.

Cienco5 đề xuất thoái toàn bộ 63,18% vốn điều lệ hiện do Nhà nước nắm giữ với giá khởi điểm là 10.038 đồng/cổ phần theo 3 đợt. Đợt 1: thoái 1 lô với khối lượng 10.176.000 cổ phần (tương đương 23,18% vốn điều lệ); đợt 2: thoái 1 lô với khối lượng 8.780.000 cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ); đợt 3: thoái 1 lô với khối lượng 8.780.000 cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ).

“Giá khởi điểm đợt 2 và 3 có thể căn cứ theo giá đấu thầu thành công đợt 1, nếu như giá đấu thầu thành công đợt này cao hơn giá khởi điểm đề xuất”, ông Bạch Ngọc Du, Chủ tịch HĐQT Cienco5 cho biết.

Cienco5 cũng đưa ra Bộ tiêu chí và điều kiện lựa chọn nhà đầu tư cho đợt bán đấu giá theo lô, trong đó đáng kể nhất là yêu cầu có vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng trở lên và kết quả kinh doanh có lãi, không có lỗ lũy kế; từng tham gia thực hiện các dự án có hợp đồng kinh tế từ 500 tỷ đồng trở lên…

Theo một chuyên gia trong ngành GTVT, điều kiện mà Cienco5 đưa ra sẽ thu hẹp đáng kể danh sách doanh nghiệp trong nước muốn thâu tóm, nhất là tiêu chí “không là cổ đông lớn của các doanh nghiệp khác trong cùng ngành”.

Bên cạnh đó, với số lượng các doanh nghiệp xây dựng cỡ như Cienco5 trên cả nước hiện lên tới con số hàng chục, lo ngại xung đột lợi ích và tạo ra độc quyền mà lãnh đạo Tổng công ty này đưa ra là không thực sự phù hợp.

Ai sẽ cùng lên tàu?

Chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động từ đầu tháng 6/2014, Cienco5 có số vốn điều lệ là 439 tỷ đồng. Ngoài phần vốn nhà nước nắm giữ, Nam Trí chính là một trong số các nhà đầu tư chiến lược của Cienco5, với phần vốn góp là 15,5% vốn điều lệ.

Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), chậm nhất cuối tuần này, phương án thoái vốn sẽ được Bộ phê duyệt, mở đường cho việc chấm dứt sự hiện diện của Nhà nước tại doanh nghiệp xây dựng giao thông, nhưng lại đặc biệt thành công trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản này vào cuối năm nay.

Được biết, thành công trong giai đoạn 2005 - 2010 của Cienco5 gắn liền với tên tuổi của ông Thân Đức Nam, người dù đang là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhưng vẫn hiện diện khá thường xuyên trong các sự kiện của doanh nghiệp này.

Cần phải nói thêm rằng, trên “con tàu thoái vốn nhà nước” đang chạy đến những ga cuối của Bộ GTVT, Cienco5 không phải là hành khách duy nhất.

Thông tin riêng của Báo Đầu tư, Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam - CTCP (Vinamotor); Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP (Vivaso); Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư  GTVT (Vietracimexco) cũng đã trình phương án thoái toàn bộ phần vốn nhà nước lên Bộ GTVT.

Trong khi lượng vốn thoái tại Vivaso chỉ là 22,42% vốn điều lệ (tương đương 73.491 tỷ đồng theo mệnh giá), thì lượng vốn thoái tại Vinamotor lên tới 85.581.223 cổ phần (tương đương 97,7% vốn điều lệ). Với mức giá khởi điểm chào bán trọn lô cổ phần được đề xuất lên tới 1.250,5 tỷ đồng, đây là lô cổ phần có giá trị lớn nhất được thoái trong năm 2015 thuộc lĩnh vực giao thông.

Mặc dù có kết quả kinh doanh chưa thực sự sáng sủa, nhưng với không ít lợi thế, nhất là về đất đai, Vinamotor đang nằm trong tầm ngắm của khá nhiều “đại gia” như Sacom, Vinamco, Thành Công Ninh Bình và Công ty cổ phần Ô tô TMT.

“Vinamotor sẽ tiến hành bán đấu giá trọn gói theo lô lượng cổ phần này cho các nhà đầu tư đủ điều kiện thông qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội”, ông Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinamotor cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục