Bà có bất ngờ không khi Metro Vietnam thua lỗ liên tục, trong khi chủ đầu tư chắc chắn sẽ thu được khoản lợi nhuận khổng lồ nếu thỏa thuận được mức giá chuyển nhượng hệ thống Metro Vietnam với 876 triệu USD?
Doanh nghiệp (DN) thua lỗ còn chủ đầu tư có lãi khi chuyển nhượng một phần hay toàn bộ khoản đầu tư là chuyện bình thường, không có gì bất ngờ, vì DN và chủ đầu tư là hai chủ thể khác nhau.
Nhìn trên thị trường chứng khoán thì thấy rất rõ điều này. Hiện có nhiều DN niêm yết thua lỗ liên tục, nhưng vẫn có không ít cổ đông (chủ đầu tư) khi bán cổ phiếu vẫn có lãi.
Nhưng với trường hợp của Metro Vietnam, nhiều người nghi ngờ DN này có dấu hiệu chuyển giá và đề nghị cơ quan thuế phải tiến hành thanh tra trước khi chủ đầu tư chuyển nhượng?
Nghi ngờ là quyền của mọi người, còn Metro Vietnam có chuyển giá hay không, thì chỉ cơ quan thuế mới có quyền kết luận sau khi thanh tra. Tuy nhiên, không phải cứ “thích” là vào thanh tra DN, mà theo quy định, đối với DN có ngành, nghề kinh doanh đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng, thì cơ quan thuế thanh tra định kỳ một năm không quá một lần.
Đối với các DN còn lại, chỉ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế hoặc để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính, thì cơ quan thuế mới được thanh tra.
Metro Vietnam là DN kinh doanh trên phạm vi rộng, nên cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra định kỳ hàng năm và không kết luận DN này gian lận thuế hay chuyển giá.
Do nghi ngờ Metro Vietnam có hành vi chuyển giá, nên nhiều người lên tiếng đề nghị cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế với mong muốn thu được tiền thuế cho ngân sách, trước khi chủ đầu tư cũ rời khỏi Việt Nam. Tôi xin nhấn mạnh rằng, thanh tra, kiểm tra là hoạt động thường xuyên của cơ quan thuế, không liên quan gì đến hoạt động chuyển nhượng vốn, thay đổi chủ đầu tư. Quyết toán thuế là trách nhiệm của DN và cơ quan thuế được thực hiện hàng năm và cũng không có mối liên hệ gì với chuyển nhượng vốn, thay đổi chủ đầu tư.
Vì thế, việc Metro Cash & Carry chuyển nhượng vốn để rút khỏi Việt Nam không phải là lý do để thanh tra, kiểm tra, quyết toán thuế đối với Metro Vietnam.
Thưa bà, giả sử trong kỳ thanh tra năm nay cơ quan thuế phát hiện Metro Vietnam có hành vi gian lận thuế thông qua chuyển giá thì xử lý thế nào? Liệu DN này có bị xử phạt vi phạm hành chính sau khi đã chuyển sang chủ đầu tư mới?
Theo quy định hiện hành, hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi chậm nộp tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế có thời hiệu xử phạt là 5 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện. Trong thời hiệu xử phạt, ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định, DN có hành vi trốn thuế, gian lận thuế còn bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền gian lận. Quá thời hiệu xử phạt, DN không bị xử phạt, nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền trốn thuế, số tiền thuế gian lận vào ngân sách nhà nước. Như vậy, dù có chuyển chủ đầu tư, thì DN vẫn bị xử phạt nếu vi phạm hành chính thuế.
Có nghĩa là, chủ đầu tư mới sẽ phải chịu trách nhiệm nộp phạt?
Không chủ đầu tư nào phải chịu trách nhiệm, mà chỉ có DN mới phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh cũng như việc chấp hành các quy định về chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán… DN vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy thu số thuế gian lận, đồng thời bị xử phạt vi phạm với số tiền bằng từ 1 đến 3 lần số thuế gian lận, chứ chủ đầu tư không bị phạt.
Ví dụ, DN niêm yết trên thị trường chứng khoán, cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác phát hiện ra DN vi phạm chính sách… và đã xử phạt DN, chứ không bao giờ xử phạt chủ đầu tư là cổ đông. Tuy nhiên, trong trường hợp do DN bị xử phạt vi phạm hành chính khiến cổ phiếu giảm giá thì cổ đông cũng bị thiệt hại.
Vậy nếu chuyển nhượng vốn mà có lãi, thì Metro Cash & Carry có phải nộp thuế trước khi rời khỏi thị trường Việt Nam không, thưa bà?
Như tôi đã nói, DN và chủ đầu tư là 2 chủ thể khác nhau. DN bị lỗ thì không phải nộp thuế, nhưng nếu chuyển nhượng vốn tại DN bị lỗ mà chủ đầu tư có lãi thì vẫn phải nộp thuế chuyển nhượng vốn.
Theo quy định hiện hành, thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn, bao gồm giá bán toàn bộ DN được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ đi giá mua hoặc vốn góp thành lập DN (dựa trên cơ sở sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán đã được xác nhận) và trừ đi chi phí chuyển nhượng.
Đối với DN 100% vốn nước ngoài như Metro Vietnam, thì sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán phải có sự xác nhận của công ty kiểm toán độc lập và do chuyển nhượng vốn gắn với bất động sản, nên chủ đầu tư phải kê khai và nộp thuế theo hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thuế suất 22% và sẽ được giảm xuống còn 20% kể từ ngày 1/1/2016.