Đại gia bán lẻ Đức: Đường cùng bán con cưng
Tập đoàn Metro là một trong những tập đoàn bán lẻ quốc tế lớn của Đức với doanh thu năm 2012/2013 xấp xỉ 66 tỷ EUR. Tập đoàn này có 2.200 cửa hàng ở 31 quốc gia, với số lượng nhân viên xấp xỉ 250.000 người. Tập đoàn sở hữu 4 thương hiệu chính là Metro/Makro Cash & Carry (MCC) hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; Media Markt và Saturn hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ thiết bị điện tử; Real và Galeria đại siêu thị và cửa hàng bách hóa.
Tại khu vực châu Á và châu Phi, Metro hoạt động với 2 thương hiệu chính là Metro Cash & Carry ở 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam và Media-Saturn chỉ duy nhất ở Trung Quốc.
Metro sở hữu 5 thương hiệu trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ
Cụ thể:
STT |
MCC khu vực châu Á/Phi |
Doanh thu năm tài chính 2012/2013 (triệu EUR) |
Tỷ trọng |
Số lượng siêu thị (stores) |
Doanh thu trung bình/siêu thị (triệu EUR) |
1 |
Trung Quốc |
2.095 |
57,84% |
69 |
30,36 |
2 |
Việt Nam |
516 |
14,25% |
19 |
27,16 |
3 |
Ấn Độ |
419 |
11,57% |
15 |
27,93 |
4 |
Pakistan |
263 |
7,26% |
9 |
29,22 |
5 |
Nhật Bản |
261 |
7,21% |
9 |
29,00 |
6 |
Ai Cập |
68 |
1,88% |
2 |
34,00 |
Tổng/trung bình |
3.622 |
100% |
123 |
29,45 |
Nguồn: Báo cáo Thường niên 2013 Tập đoàn METRO
Không chỉ đang đóng góp doanh thu lớn cho Metro tại khu vực châu Á/phi, thị trường Việt Nam còn được đánh giá rất tiềm năng, cũng như có môi trường kinh doanh và pháp lý lý tưởng cho Metro. Theo đó, Việt Nam là quốc gia có thuế thu nhập thấp nhất trong 6 nước mà Metro hiện đang hoạt động ở khu vực Á/Phi.
Bên cạnh đó, với chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định, tốc độ mất giá của đồng Việt Nam so với đồng EUR cũng thấp hơn rất nhiều so với Ai Cập, Ấn Độ, Pakistan và Nhật Bản. Cụ thể:
STT |
Tên Quốc gia |
Thuế suất TNDN (%) |
Tốc độ phá giá đồng nội tệ sv đồng EUR (%) |
1 |
Việt Nam |
22,00% |
2,86% |
2 |
Trung Quốc |
25,00% |
0,14% |
3 |
Ai Cập |
25,00% |
16,39% |
4 |
Ấn Độ |
33,99% |
11,17% |
5 |
Pakistan |
34,00% |
11,04% |
6 |
Nhật Bản |
35,64% |
25,17% |
Nguồn: KPMG và Báo cáo Thường niên 2013 Tập đoàn METRO
Với tiềm năng lớn và chính sách thuế, tỷ giá hợp lý, tại sao Tập đoàn Metro lại nỡ bán đi đứa con cưng MCC Việt Nam của mình?
Dù được đánh giá là tiềm năng, nhưng xét về tình hình tổng thể của Tập đoàn, việc Metro bán MCC và rút khỏi thị trường Việt Nam là điều dễ hiểu.
Với sự khó khăn của kinh tế châu Âu, cũng những căng thẳng địa chính trị gần đây khiến tình hình của Metro ngày càng trở nên khó khăn, nhất là thị trường Đông Âu, cụ thể là Ukraine và Nga.
Kết quả kinh doanh của METRO giai đoạn từ 10/2013-6/2014 và so với cùng kỳ
STT |
Thị trường |
Doanh số (triệu EUR) |
Tăng/giảm (%) |
|
2012/2013 |
2013/2014 |
|||
1 |
Đức |
3.667 |
3.651 |
-0,4% |
2 |
Tây Âu |
7.968 |
7.916 |
-0,7% |
3 |
Đông Âu |
9.061 |
8.613 |
-4,9% |
4 |
Châu Á/Phi |
2.703 |
2.739 |
1,3% |
|
Tổng cộng |
23.399 |
22.919 |
-2,1% |
Trong 3 quý của niên độ tài chính 2013/2014, chỉ mỗi thị trường châu Á/Phi tăng trưởng doanh thu. Tuy nhiên, với tỷ trọng 12% thị trường, cùng với ảnh hưởng bất lợi của tỷ giá hối đoái, nên khu vực này cũng không đóng góp nhiều cho hiệu quả kinh doanh của Metro.
Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT)
2012/2013 |
2013/2014 |
Tăng /giảm |
|
916 |
715 |
-21,9% |
|
Biên lợi nhuận |
2,00% |
2,00% |
Ngoài việc doanh thu sụt giảm, tập đoàn này còn chịu áp lực nợ rất lớn. Theo bảng cân đối kế toán của Tập đoàn Metro tính đến 30/6/2014, vốn chủ sở hữu là 5,044 tỷ EUR, tổng nợ là 8,159 tỷ EUR, nợ ròng là 5,8 tỷ EUR (sau khi đã trừ đi tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính). Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) xấp xỉ 1,61.
Như vậy, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Metro phụ thuộc nhiều vào nợ vay và điều này đã gây áp lực lên lợi nhuận của Tập đoàn, do phải trả lãi trái phiếu với mức lợi suất cao. Ước tính, chỉ riêng tiền lãi trái phiếu đã lên đến hàng chục triệu EUR/năm.
Ngày đáo hạn |
Trị giá trái phiếu (triệu euro) |
Lãi suất trái phiếu |
Tiền lãi phải trả hàng năm (triệu euro) |
28/11/2013 |
500 |
9,375% |
46,9 |
14/07/2014 |
600 |
5,750% |
34,5 |
05/03/2015 |
1.000 |
7,625% |
76,3 |
Trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn ra không thuận lợi, thì ở Việt Nam, tình hình kinh doanh cũng không khá hơn. Theo công bố của MCC, trong 12 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, công ty này chỉ có 2 năm có lãi và chưa đóng góp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, theo lộ trình cam kết, thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam sẽ được mở cửa hoàn toàn vào năm 2015. Ngoài việc phải cạnh tranh với các đối thủ lớn như Big C, Lotte, OceanMark, CoopMart…, sắp tới, nhiều đại gia bán lẻ khác cũng sẽ đổ bộ vào thị trường Việt Nam.
Mới đây nhất, Aeon của Nhật Bản với trung tâm đầu tiên được mở tại quận Tân Phú (TP. HCM); nhà bán lẻ Marks & Spencer (M&S) cũng đã công bố kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam... Điều này khiến thị trường bán lẻ Việt Nam có mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn và làm cho hoạt động kinh doanh của MCC Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn.
Trong khi đó, dù đóng góp doanh thu lớn thứ 2 cho Metro ở khu vực châu Á/Phi, nhưng MCC Việt Nam có tỷ suất doanh số bình quân/siêu thị, thấp nhất trong các thị trường và thấp hơn cả mức trung bình của khu vực, chỉ đạt 27,16 triệu EUR/năm thấp hơn so với trung bình khu vực.
Trước những khó khăn đó, Metro buộc phải tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn cầu, trong đó, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh nòng cốt và thị trường chính châu Âu, đồng thời tiết giảm chi phí, tăng cường kỷ luật chi tiêu tài chính.
Thực hiện tái cơ cấu, Metro đã bán nhiều cơ sở kinh doanh của mình, như Makro Cash & Carry tại Anh tháng 7/2012; đóng cửa Media Markt tại Trung Quốc ngày 28/2/2013; thanh lý các siêu thị Real tại Đông Âu, bao gồm Nga, Romania, Áo; xem xét đóng cửa 14 siêu thị Media-Saturn (7 siêu thị ở Trung Quốc) và 44 siêu thị Real (trong đó, thanh lý 39 siêu thị ở Đông Âu).
Như vậy, có thể thấy, việc Tập đoàn Metro thoái lui ở thị trường Việt Nam là nằm trong kế hoạch tổng thể về tái cơ cấu của tập đoàn này.
Đại gia Thái Lan vung tay quá trán?
Quay lại với thương vụ chuyển nhượng MCC Việt Nam. Giá trị của thương vụ là 655 triệu EUR cho 19 siêu thị. Trung bình, mỗi siêu thị có giá trị 34,5 triệu EUR. Câu hỏi đặt ra là, mức giá này có hợp lý? Người viết thử làm một phép tính để đánh giá.
Diện tích theo thiết kế của mỗi siêu thị MCC Việt Nam là 6.000 m2, giả sử giá quyền sử dụng đất trung bình ở các siêu thị này là 1.000 EUR/m2. Như vậy, mỗi siêu thị MCC Việt Nam có giá trị 6 triệu euro, cộng với chi phí cơ sở hạ tầng, giả định 4 triệu EUR, thì giá trị thực tế của mỗi trung tâm ước khoảng 10 triệu EUR. Còn 24,5 triệu EUR/siêu thị còn lại là giá trị vô hình.
Hiện MCC Việt Nam đã hoạt động ở Việt Nam 12 năm, dự kiến có thể hoạt động thêm 38 năm (theo thời gian đầu tư). Với biên lợi nhuận 2%/năm, trung bình mỗi năm 1 siêu thị sẽ mang lại 690.000 EUR (giả định tốc độ tăng trưởng 0%/năm và lạm phát 0%/năm).
Sử dụng lãi suất cho vay euro tại Việt Nam 3%/năm làm suất chiết khẩu để tính giá trị hiện tại của mức sinh lợi, thì mỗi siêu thị mang về trong 38 năm là 15,5 triệu EUR.
Câu hỏi được đặt ra là, với một lão làng trong làng bán lẻ, rõ ràng tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (ông chủ của Tập đoàn BJC) đủ tinh để tính ra bài toán trên. Tuy nhiên, vị tỷ phú gốc Hoa này vẫn quyết tâm mua MCC Việt Nam với mức giá 34,5 triệu EUR/siêu thị sau gần 1 năm theo đuổi.
Xét trên tổng thể, người Thái có lý lẽ riêng của mình cho thương vụ này.
Khác với người Đức, người Thái ở gần Việt Nam hơn và cùng chung một nhà ASEAN. Đây là lợi thế tuyệt vời cho hoạt động kinh doanh trong tương lai của MCC Việt Nam bởi 2 lý do:
Thứ nhất, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan vào Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Thứ hai, từ năm 2015 trở đi, Việt Nam sẽ thực thi đầy đủ các cam kết trong Hiệp định CEPT/AFTA (Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung để thành lập khu vực mậu dịch tự do Asean). Theo đó, mức thuế suất nhập khẩu giữa các nước ASEAN là từ 0% - 5%.
Do vậy, việc mua lại MCC Việt Nam sẽ giúp người Thái mở rộng thị trường nhờ lợi thế cạnh tranh về chi phí và thuế quan giữa các nước ASEAN.
Rõ ràng, đây là một thương vụ mà cả người Thái và người Đức đều hài lòng.
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả Trần Quang Vũ, một chuyên gia kinh tế độc lập, gửi cho Đầu tư Chứng khoán