Theo đó, trong quý II/2014 Metro AG chứng kiến doanh số bán hàng giảm 2,7%, đạt 14,86 tỷ euro. Đây là quý thứ 2 liên tiếp doanh thu của Tập đoàn bị sụt giảm sau lần giảm 3,3% vào quý trước.
Tệ hơn, trong quý II/2014, Metro AG công bố lỗ 63 triệu euro (tương đương 84,4 triệu USD), tăng gấp đôi so với con số 33 triệu euro cùng kỳ năm 2013, đồng thời thấp hơn hẳn so với lợi nhuận ròng kỳ vọng của giới phân tích là 84 triệu euro.
Ngay khi báo cáo quý II được công bố, cổ phiếu Metro lập tức chứng kiến mức giảm 5%.
Kết quả đáng thất vọng trên của Metro AG được cho là do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới chưa hồi phục và xung đột ở Ukraine, gây ra tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
Ảnh hưởng của tình hình căng thẳng ở Ukraine đã tác động tiêu cực lên tất cả các thị trường hoạt động của Metro ngoại trừ Đức. Theo đó, doanh số bán hàng quý II/2014 của hệ thống siêu thị Metro tại Đức chứng kiến mức tăng 2,9% nhờ vào nhu cầu tiêu dùng của khách hàng tăng lên trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh từ tháng 3 đến tháng 4 năm nay.
Ở khu vực Đông Âu, trong quý II/2014, doanh thu của Metro giảm mạnh 14%. Trong đó, doanh số bán hàng ở Ukraine suy giảm mạnh mẽ, khiến công ty phải đóng cửa một cửa hàng ở TP. Donetsk, nơi chiến sự đang nổ ra giữa quân đội Chính phủ và phe ly khai thân Nga.
Tình hình kinh doanh ở khu vực Đông Âu của Metro được cảnh báo sẽ còn tiếp tục đi xuống. Đặc biệt, với tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine, cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế qua lại nhau giữa Nga và phương Tây, đại gia bán lẻ này đang đối diện với nguy cơ rủi ro ngày một tăng.
Mặc dù, hệ thống Metro ở Nga chưa chịu nhiều tác động và vẫn duy trì tầm ảnh hưởng lớn so với nhiều tên tuổi bán lẻ khác, song mới đây, tập đoàn này buộc phải trì hoãn kế hoạch IPO đối với chi nhánh Metro tại Nga vì chịu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây áp vào Nga.
Nga được xem là thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng của Metro khi chiếm 7% tổng doanh số của Tập đoàn năm 2013 và đóng góp đến 89% lợi nhuận ròng của Metro. Giới phân tích đánh giá, nếu căng thẳng địa chính trị không xảy ra, lần IPO này của chi nhánh Metro ở Nga sẽ mang về 1,75 tỷ euro cho Tập đoàn.
Trở lại với thị trường Việt Nam, dù có được môi trường kinh doanh khá thuận lợi, nhưng trong 12 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Metro chỉ báo lãi có 2 năm và chưa năm nào đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy liên tục báo lỗ, nhưng Metro liên tiếp mở rộng chuỗi hoạt động của mình với 19 siêu thị trên toàn quốc.
Thất bại của Metro ở thị trường Việt Nam được cho là do mô hình bán buôn của đại gia này không phù hợp với thị trường Việt Nam, bởi nhiều đại gia bán lẻ quốc tế như Big C, Lotte…, hay các nhà bán lẻ trong nước như CoopMart, Ocean Mart… vẫn sống khỏe.
Mặc dù vậy, với mức giá chuyển nhượng lên tới 876 triệu USD dù Metro Cash & Carry Việt Nam làm ăn bết bát (theo như công bố) được xem là một thành công của Metro AG.
Không chỉ tại thị trường Việt Nam, với những khó khăn hiện nay, Metro AG đang tìm cách rút lui khỏi nhiều thị trường khác. Hiện tập đoàn này đang có kế hoạch bán chuỗi cửa hàng bách hóa Kaufhof. Thương vụ này cũng đang được trong quá trình “thai nghén” và tìm kiếm người mua phù hợp. Bên cạnh đó, cũng có tin đồn rằng, đại gia bán lẻ châu Âu này đang tìm cơ hội chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh bán lẻ Real ở Đông Âu.