Chuyện làm nghề của nhà báo Đức

Chuyến thực tế báo chí Đức mà Viện Konrad Adenauer Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2014 khiến những nhà báo Việt Nam tham gia đoàn hiểu rằng, dù có hoài cổ về một thời hoàng kim của báo giấy, thì Internet và công nghệ đã làm thay đổi toàn bộ thị trường và quan niệm về nghề báo…
Đoàn nhà báo Việt Nam tham gia chuyến đi thực tế báo chí Đức và lãnh đạo Viện Konrad Adenauer tại Berlin (Đức) tháng 10/2014 (tác giả là người thứ nhất bên trái) Đoàn nhà báo Việt Nam tham gia chuyến đi thực tế báo chí Đức và lãnh đạo Viện Konrad Adenauer tại Berlin (Đức) tháng 10/2014 (tác giả là người thứ nhất bên trái)

Những người hoài cổ

Ông Thomas Habicht, Phụ trách vùng Berlin của Báo Shz (một tờ báo địa phương của Đức) có 35 năm làm báo. Cách đây hơn 25 năm, trước khi bức tường Berlin sụp đổ, ông là đại diện một cho tòa báo ở London. Hiện giờ, ông đang nắm giữ chuyên mục  thứ Hai hàng tuần trên tờ báo Shz.

Vậy mà, vị nhà báo kỳ cựu này đành phải ngậm ngùi chia sẻ với những đồng nghiệp đến từ Việt Nam: “Tôi khuyên con tôi không nên chọn nghề này. Dù tôi không ân hận về việc đã trở thành nhà báo, nhưng hiện giờ, điều kiện để làm báo đã khác xa ngày xưa”.

Ngày xưa mà ông Thomas nhắc đến là cái ngày người Đức sau khi lấy vợ xong thì việc đầu tiên phải làm là… ra bưu điện để đặt báo dài hạn. Khi đó, báo chí là một quyền lực. Thậm chí, ông Geogr Streiter, phát ngôn viên thứ hai của Chính phủ còn kể rằng, các nghị sỹ có thể chùn tay khi đặt bút ký vào những dự thảo luật lệ hay quyết định bãi nhiệm một ai đó nếu báo chí lên tiếng phản đối.

Nhưng hiện giờ mọi việc đã thay đổi. Ông Thomas rất buồn khi nhắc tới thống kê cứ mỗi tháng, lại có một tòa soạn của Đức đóng cửa. Trong năm 2014, đã có vài đợt sáp nhập, mua lại trong làng báo. Nghĩa là, hàng loạt nhà báo cơ hữu như ông Thomas gia nhập đội ngũ nhà báo tự do ngày càng đông ở Đức. “Chưa bao giờ, nhà báo chúng tôi lại lo vấn đề kinh tế như bây giờ”, ông Thomas nói.

Ông Geogr Streiter, vốn là “một con khủng long” trong làng báo của Đức trước khi làm ở vị trí hiện tại, cũng phải thừa nhận, có lẽ con ông sẽ là người cuối cùng trong gia đình mua báo giấy. “Sau đó, những đứa cháu của tôi có thể mua, nhưng là để sưu tầm. Đó là xu hướng không thể đảo ngược và chúng ta buộc phải sống với xu hướng đó”, ông Geogr Streiter chia sẻ quan điểm khi được hỏi về cuộc chiến báo giấy - báo online đang lan rộng trên thị trường báo chí toàn cầu mà Đức không phải là ngoại lệ.

Nhưng viễn cảnh buồn mà ông Geogr Streiter nhắc tới đã đến sớm hơn với Tòa báo Financial Times Deutschland. Trên trang bìa toàn một màu đen của ấn phẩm cuối cùng ra ngày 7/12/2012, tên tờ báo đã được xử lý thành Final Times với nhiều ẩn ý. Chắc hẳn, tờ báo này đã có mặt trong bộ sưu tập báo giấy của nhà sưu tầm nào đó.

Ông Georg Farion, hiện đang làm cho Tạp chí Capital (Đức), từng là phóng viên cơ hữu của Financial Times Deutschland trong những năm cuối cùng kể lại, tờ báo đóng cửa vì nhiều lẽ, vì giả định sai về thị trường, về tính cạnh tranh của thị trường báo chí…

“Nhưng mấu chốt có lẽ ở chỗ, xu hướng đọc thay đổi, trong khi những người viết như chúng tôi vẫn cũ”, Georg Farion nói và tâm sự rằng, cho đến giờ, cũng như nhiều nhà báo truyền thống, anh vẫn thích đọc tên mình dưới những bài viết trên báo giấy.

Nhưng khi độc giả Đức đang dành trung bình 110 phút để online, 180 phút nghe đài, mà chỉ dành 40 phút đọc báo giấy, 40 phút xem tivi, Georg Farion đang rơi vào tình thế không có quyền chọn nếu muốn tồn tại.

Chuyện làm nghề của nhà báo Đức ảnh 1

Phòng tác nghiệp của sinh viên Học viện Axel-Springer
 

Cuộc đua tốc độ

Cuộc làm việc của chúng tôi với ông Stefan Braun - phóng viên tờ Sueddeutsche Zeitung, một trong những nhật báo hàng đầu của Đức diễn ra vào lúc 7 giờ tối. Tòa soạn ở Berlin vẫn sáng đèn cho dù tổng hành dinh của Tòa báo ở Munich.

Làm ở đây, nhà báo có thể hiểu, hay bắt buộc hiểu, mình như là cầu thủ đang đầu quân cho CLB Bayern Munich danh tiếng của Bundesliga. Stefan nói, họ không được phép xuống hạng.

“Một ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu từ… tối hôm trước, bằng việc báo cáo nội dung với Munich. 9h45 sáng hôm sau trao đổi nội dung cập nhật qua điện thoại. 10h họp qua video, thống nhất nội dung. 11h, các bài về văn hóa, kinh tế đã phải chuyển về ban biên tập để in các trang trong. 12h là hạn chót của các bài bình luận, các bài nội chính. Từ giờ phút này đến 20h là thời điểm cập nhật thông tin”, Stefan nói về một ngày làm việc bình thường của mình.

Nhưng tình hình đang thay đổi. Internet khiến Stefan và đồng nghiệp không còn thời gian để uống với nhau một cốc bia. “Trước kia, tôi có thể viết một bài trong 5 tiếng, giờ thì chỉ được phép hoàn tất trong một giờ. Bây giờ không được làm tin thông thường vì không cạnh tranh được với báo mạng, chỉ làm tin bình hoặc bài phân tích. Nhiều khi, tôi đứng trước gương tự hỏi, mình có còn nắm vững các vấn đề mà mình theo đuổi nữa không”, Stefan tâm sự.

10 năm trước, Sueddeutsche Zeitung đã có ban biên tập online, nhưng cuộc tranh luận có thống nhất với biên tập báo giấy không đã kéo dài bằng đó năm. Nghe Stefan nói, thời điểm phải chốt đã đến khi người đọc bắt đầu hỏi, tại sao họ phải bỏ tiền mua báo giấy khi có thể đọc trên online, dù các phóng viên của Sueddeutsche Zeitung tin vào giá trị của tờ báo hàng đầu vẫn đang kéo độc giả đến với mình.

Ngay cả phóng viên truyền hình, bà Winnie Heescher, biên tập viên Đài Truyền hình ZDF, một trong hai kênh truyền hình công của Đức, cũng đang lo lắng về tác động của Internet tới công việc của mình.

ZDF đã có 2 kênh trên

Internet và báo online bên cạnh truyền hình truyền thống. “Chúng tôi phải tăng tốc với nhiều áp lực rất lớn từ đòi hỏi của báo chí đa phương tiện. Hiện giờ, phóng viên viết và gửi về ban biên tập, họ sẽ phân chia phần nào cho truyền hình truyền thống, phần nào cho kênh trên online, phần nào cho báo mạng. Nhưng về lâu dài, phóng viên sẽ phải chủ động làm việc này. Không dễ để phóng viên truyền hình viết đúng chính tả trong bài viết online”, biên tập viên Winnie dí dỏm.

Nhưng Winnie thừa nhận, những nhà báo lớn tuổi, lâu năm của ZDF đang đối mặt với thách thức phải thay đổi và tăng tốc.

Thế hệ “cá thấy nước là bơi”

Chỉ bức ảnh to, choán gần hết bức tường lớn trong phòng khách của Học viện Axel Springer, ông Rudolf Posh, Phó giám đốc Học viện nói với chúng tôi, đây là điều mà những người đào tạo phóng viên trẻ của Học viện muốn hướng tới.

Bức ảnh này chụp một phòng làm việc khá lộn xộn của chính Nhà xuất bản Axel Springer vào những năm 50. Ở đó, những phóng viên, biên tập viên đang thể hiện mình một cách thoải mái nhất. Đây là một trong những nhà xuất bản lớn nhất châu Âu, được nhà báo Axel Springer thành lập vào năm 1946/1947, đang nắm giữ những đầu báo lớn nhất của Đức như Bild, Welt… “Chúng tôi muốn đào tạo phóng viên sẵn sàng sáng tạo, có thương hiệu cá nhân và không được phép sợ hãi trước bất cứ thông tin hay cách thức thể hiện nào”, ông Posh lý giải.

Hiện tại, Học viện Axel Springer đang dạy các phóng viên theo 4 kênh: báo in, iPhone, online và truyền hình. Nhưng, ai chắc được, công nghệ sẽ đưa cách thể hiện báo chí đi đến đâu. Chính vì vậy, giáo trình đào tạo của Học viện được xây dựng cho mỗi 2 năm. Mỗi lần nhập học, sẽ có 40 sinh viên. 6 tháng đầu, họ học các ngón nghề cơ bản, như thông tin là gì, săn tin ra sao, điều tra thế nào, thậm chí phải học cả cách bóc băng ghi âm… 6 tháng sau, họ là các phóng viên của tờ nhật báo của Học viện. Họ phải viết lại những bài viết từ tờ báo khổ to (Bild, Welt) cho những tờ báo khổ nhỏ - tờ báo dành cho những người trẻ. Sang năm thứ hai, các phóng viên này được lựa chọn các ngành họ mong muốn. Hai tuần cuối của năm đào tạo thứ hai, những người vượt qua các kỳ sàng lọc sẽ được đài thọ toàn bộ chi phí để sang New York tham gia các khóa học tại các trường đại học mà Axel Spinger có hợp đồng hợp tác…

 “Cứ mỗi lần thi, 1/4 số sinh viên bị loại. Những sinh viên xuất sắc nhất sẽ trở thành phóng viên chính thức của Nhà xuất bản Axel Springer. Họ là cá mà cứ vào nước là họ sẽ bơi một cách chuyên nghiệp nhất, phục vụ các độc giả dù của báo in, báo mạng hay trên smartphone… bằng năng lực nghề nghiệp và sức sáng tạo, chứ không phải là bằng mẹo”, ông Rudolf Posh chia sẻ cách đào tạo nghề báo mà ông tin là sẽ trở thành đặc trưng của thị trường báo chí trong vài năm tới.

Nhưng hiện giờ, biên tập viên Robin Alexander của tờ Die Wielt, Welt am Sonntag (một thành viên của Nhà xuất bản Axel-Springer) vẫn đang chóng mặt chạy theo dòng chảy của thị trường báo chí. Những phân vân giữa báo viết và báo mạng vẫn còn đâu đó. “5-6 năm nữa, tôi không có quyền phân vân như hiện giờ”, Robin Alexander thẳng thắn.

Câu chuyện của những đồng nghiệp Đức khiến các nhà báo Việt Nam chúng tôi không khỏi suy nghĩ. Ở Việt Nam, có lẽ thời gian để phân vân chọn con đường phát triển nghề nghiệp của nhiều nhà báo cũng không còn quá dài.

Tuyết Ánh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục