Chuyển giao vốn nhà nước còn nhiều lấn cấn

(ĐTCK) Việc chuyển giao vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) đã cổ phần hóa về SCIC theo quy định đang ngày càng chậm trễ. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây là một tiền lệ xấu ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu lại nền kinh tế nói chung, cũng như mục tiêu và chất lượng tái cơ cấu DN nhà nước nói riêng. Do đó, rất cần xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm để đảm bảo thực hiện mục tiêu kế hoạch của Chính phủ. 
Chuyển giao vốn nhà nước còn nhiều lấn cấn

Việc chuyển giao DN nhà nước từ các bộ, địa phương về SCIC gần đây được đánh giá là quá chậm so với tiến độ và kế hoạch mục tiêu đặt ra. Ông nhận định thế nào về tình trạng này?

Chuyển giao vốn nhà nước còn nhiều lấn cấn  ảnh 1

Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. 

Số lượng DN và vốn nhà nước tại DN chuyển giao về SCIC trên thực tế đang giảm dần và không tương xứng với đối tượng thuộc diện chuyển giao về SCIC theo quy định.

Cụ thể, nếu như trong 2 năm 2006 - 2007 đạt 844 doanh nghiệp, thì các năm tiếp theo từ 2008 - 2017 lần lượt chỉ đạt 45, 17, 17, 12, 13, 16, 14, 12, 22 và 24 doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2018, con số này là 3 DN. 

Việc chậm chuyển giao như vậy có ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế, tiến độ sắp xếp DN nhà nước, cũng như tinh thần Chính phủ hành động, thưa ông?

Mục tiêu chuyển giao DN về SCIC là thống nhất một đầu mối quản lý, thực hiện yêu cầu tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý nhà nước của các bộ, UBND; nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước thông qua một tổ chức đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước chuyên trách, chuyên nghiệp; góp phần cải thiện quản trị DN nhà nước và năng lực cạnh tranh.

Vì thế, việc chậm chuyển giao DN về SCIC sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ cấu lại nền kinh tế nói chung, mục tiêu và chất lượng tái cơ cấu DN nhà nước nói riêng, cũng như đến kết quả và hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN. 

Theo ông, đâu là nguyên nhân của sự chậm trễ này?

SCIC và các bộ, UBND gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thống nhất danh sách DN chuyển giao do những nguyên nhân chủ yếu sau đây.

Một mặt, phản ánh từ thực tế cho thấy, có hiện tượng bộ ngành và địa phương chưa tích cực thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN về SCIC, thậm chí trì hoãn việc chuyển giao DN đủ điều kiện chuyển giao. Một số bộ ngành, địa phương muốn giữ lại DN để quản lý hoặc để tiến hành bán vốn nhà nước tại DN.

Mặt khác, có ý kiến phản ánh SCIC không muốn tiếp nhận các DN có tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi. Nhiều DN không muốn chuyển về SCIC do đã có mối quan hệ gắn bó với bộ, địa phương.

Về quy định pháp luật, một số quy định pháp luật về tiêu chí xác định đối tượng chuyển giao chưa rõ ràng, khiến SCIC và các bộ, UBND cấp tỉnh chưa thống nhất về danh sách DN chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Trong khi đó, chế tài xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu chưa được quy định rõ ràng bằng quy phạm pháp luật, nên không tạo được áp lực để thực hiện quyết liệt như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế, việc chậm trễ chuyển giao DN đủ điều kiện về SCIC diễn ra khá phổ biến, nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý.

Bên cạnh đó, liên quan đến đối tượng chuyển giao, do quy định pháp luật chưa thật rõ nên còn có ý kiến khác nhau về loại DN không chuyển về SCIC.

Nhiều địa phương giữ DN với lý do phục vụ cho sự phát triển của địa phương. Một số địa phương thành lập tổng công ty, nhóm công ty mẹ - công ty con để quản lý DN nhằm tránh phải chuyển về SCIC. 

Theo ông, cần có giải pháp gì để thúc đẩy việc chuyển giao đảm bảo tiến độ? Làm thế nào để SCIC có thể tiếp quản và giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là khi SCIC chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tới đây?

Để đảm bảo tiến độ chuyển giao, cần thống nhất nhận thức về lợi ích của việc chuyển giao đối với tổng thể nền kinh tế, không phải vì quyền quản lý DN của bộ, địa phương hay của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và SCIC.

Các bên chuyển giao và nhận chuyển giao cần tích cực và nỗ lực hơn trong việc đẩy nhanh tiến độ chuyển giao DN. Đồng thời, có giải pháp xử lý nghiêm và kịp thời các cơ quan, tổ chức và cá nhân không thực hiện đúng tiến độ chuyển giao theo kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về quy trình pháp luật, đối với DN đã xác định là đối tượng thuộc diện chuyển giao về SCIC thì áp dụng cơ chế bàn giao nguyên trạng, đồng thời quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các bên có liên quan trong việc xử lý các vấn đề trước và sau chuyển giao.

Bản thân Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và SCIC cần nâng cao năng lực quản lý và có các nguồn lực mạnh để thực hiện tốt vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DN sau chuyển giao, kể cả các nguồn lực để hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho DN khi cần thiết.

Hiếu Minh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục