Trợ lực quý giá cho doanh nghiệp
Người đại diện vốn nhà nước đóng rất nhiều vai, họ vừa là đại diện thực hiện các quyền, nghĩa vụ cổ đông Nhà nước, vừa là người quản lý doanh nghiệp, nhiều khi còn là cổ đông của doanh nghiệp.
Khi nền kinh tế có độ mở ngày càng lớn, nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi quan trọng, trong đó có cơ cấu cổ đông. Không chỉ có cổ đông nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cổ đông nước ngoài ở một số doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cổ phần lớn, thậm chí cao hơn cả SCIC, rồi cổ đông thuộc khu vực tư nhân, cổ đông cá nhân có tiềm lực…
Làm tròn vai trong một tổ chức đa dạng như vậy, với những mục tiêu, lợi ích khác nhau, quả thực không hề đơn giản với những người đại diện vốn nhà nước.
Có cổ đông lớn hành xử chuyên nghiệp, am hiểu và hỗ trợ bộ máy quản trị, doanh nghiệp sẽ được lợi nhiều bề.
Tạo ra các công cụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể hơn là người đại diện vốn tại doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn luôn là trăn trở và tâm huyết của SCIC.
Điều này đã được ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC nhấn mạnh khi nhận bàn giao vốn nhà nước tại Seaprodex từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây. Những trợ lực từ Tổng công ty trong nhiều trường hợp đã góp phần thay da đổi thịt các doanh nghiệp.
Đóng nhiều vai, vậy người đại diện của SCIC hành động như thế nào? Ông Đoàn Đình Duy Khương, Quyền Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) cho biết, kim chỉ nam để ông ra các quyết định kinh doanh là căn cứ vào chiến lược phát triển của DHG.
Doanh nghiệp này có một may mắn là SCIC đã đồng hành cùng Ban lãnh đạo xây dựng chiến lược phát triển, nên các bên có cùng tiếng nói chung và dù đóng vai nào, bám theo chiến lược chính là đường đi chuẩn xác nhất.
Nói vậy nhưng không hề đơn giản, ngoài cổ đông SCIC, hiện cổ đông nước ngoài là Tập đoàn Taisho (Nhật Bản) sở hữu xấp xỉ 32% vốn của DHG. Họ cũng cử người tham gia Ban điều hành, cử chuyên gia bám sát các mảng hoạt động của doanh nghiệp, tham gia sâu vào các vấn đề quan trọng của Công ty.
Làm gì để cân bằng trong những trường hợp chưa có tiếng nói đồng thuận? Ông Khương đã thành lập hội đồng phản biện, để từ đó có tiếng nói khách quan, độc lập, cho ý kiến dựa trên lợi ích cao nhất của doanh nghiệp.
DHG còn có một sự trợ lực vô cùng quý giá từ SCIC, đó là năng lực, chuyên môn của những cán bộ được cử đến doanh nghiệp. Họ đã đóng góp công sức lớn giúp doanh nghiệp xây dựng được hệ thống các quy trình, quy chế, quản trị doanh nghiệp hiện đại đảm bảo cho hoạt động của Công ty minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả. Đây cũng chính là yếu tố góp phần để các cổ đông yên tâm, tìm được tiếng nói chung trong mọi vấn đề của doanh nghiệp.
Tại Công ty cổ phần Cảng An Giang, sau khi tiếp nhận chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước từ UBND tỉnh An Giang, với vai trò là cổ đông sở hữu 52,98% vốn điều lệ, SCIC đã thực hiện tái cơ cấu Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát trong nhiệm kỳ II (2016 - 2020) nhằm củng cố lực lượng nhân sự chủ chốt, ổn định tình hình kinh doanh tại Công ty.
Người đại diện của SCIC trong Hội đồng quản trị, Ban điều hành Cảng An Giang đã có những định hướng đầu tư khai thác mở rộng thị phần, sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại cảng.
Đây là một trong những yếu tố giúp cho lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 của Công ty tăng 14,47% so với kế hoạch đề ra. Cảng An Giang đã thực hiện niêm yết cổ phiếu giao dịch trên sàn.
Giá cổ phiếu tăng gấp 10 lần so với mệnh giá, đi cùng với đó là công tác quản trị công ty có nhiều đổi mới, tăng tính minh bạch về tài chính.
Nói về nghề quản trị doanh nghiệp, quản trị vốn, Giáo sư Phan Văn Trường, cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp chia sẻ: “Tôi đã đi vào rất nhiều công ty nhỏ hay vừa, cũng như các tập đoàn lớn của Việt Nam, những vấn đề cũng như sức mạnh của các doanh nghiệp lớn nhỏ này phần lớn đều tùy thuộc vào khả năng lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa tốt, lãnh đạo có khả năng thì gần như doanh nghiệp sống những ngày vui vẻ, trù phú”.
Với hơn 100 người đại diện đang đảm nhận vai trò là cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp, chắc chắn rằng sự thành bại của không ít doanh nghiệp nằm trong tay những người đại diện vốn.
Do đó, kiện toàn và bồi dưỡng cho đội ngũ người đại diện, trợ lực cho họ làm tốt vai trò của mình luôn là nhiệm vụ được SCIC quan tâm hàng đầu.
Để “hổ mọc thêm cánh”
Ngoài nỗi lo cơm áo gạo tiền, lo cho cuộc sống của hàng trăm và hàng nghìn người lao động, những nhà quản trị doanh nghiệp thế hệ mới, nhất là những người ở vị trí dẫn dắt các doanh nghiệp có vị thế đầu ngành còn mang trong mình trăn trở rất lớn, đó là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Để làm được điều này, họ cần sự đồng thuận, hỗ trợ của cổ đông lớn là SCIC.
Ông Lê Thanh Liêm, người đại diện vốn SCIC tại Vinamilk cho hay, công tác người đại diện của SCIC tại Vinamilk đã có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên trao đổi. Chính vì vậy, công tác bán vốn nhà nước tại Vinamilk cũng được SCIC làm khá tốt, đáp ứng yêu cầu gia tăng hiệu quả của vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong (NTP) cho biết, Công ty có cơ ngơi như hôm nay với các nhà máy tại Hải Phòng, Nghệ An, Bình Dương và Vientiane (Lào), các dây chuyền sản xuất hiện đại theo công nghệ châu Âu… là nhờ chiến lược “tích lũy lợi nhuận, tái đầu tư” đã triển khai hàng chục năm qua.
Tính đến 31/8/2018, danh mục đầu tư của SCIC có 139 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.367 tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ 82.838 tỷ đồng. Việc quản lý vốn nhà nước được thực hiện thông qua 225 người đại diện.
Đa số các doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC quản lý đã hoàn thành kết quả sản xuất - kinh doanh, một số doanh nghiệp đã đạt mức vượt kế hoạch kinh doanh trên 10% như CTCP Bảo trì đường thủy nội địa số 15 (doanh thu đạt 171% so với kế hoạch), CTCP Sửa chữa đường bộ và xây dựng tổng hợp II Quảng Bình (doanh thu đạt 158%, lợi nhuận trước thuế đạt 194% so với kế hoạch), CTCP Viễn thông FPT (cổ tức đạt 400% so với kế hoạch)... Một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20%. Ví dụ, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (24%), CTCP Dược Hậu Giang (23%), CTCP Sữa Việt Nam (43%), CTCP Traphaco (23%), CTCP Domesco (22%)...
Nếu không có sự ủng hộ của cổ đông lớn SCIC, NTP không thể có được năng lực như hiện tại, để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia nước ngoài và giữ vững thương hiệu Việt.
Còn tại Công ty cổ phần Traphaco, ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty cho biết, phát triển nguồn nhân lực là động lực và mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp.
Người lao động ở Traphaco luôn được đảm bảo thu nhập về vật chất và tinh thần, có một môi trường lao động tốt, được tôn trọng và có cơ hội phát triển. Chiến lược lâu dài này được thực thi mạnh mẽ, nhất quán, bởi luôn có được sự ủng hộ của cổ đông lớn SCIC.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, người đại diện vốn nhà nước tại CTCP Sửa chữa đường bộ và xây dựng tổng hợp Quảng Bình thì nhận xét: “Là tổ chức quản lý vốn chuyên nghiệp, có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và nắm vững các quy định pháp lý, SCIC thường xuyên đóng góp các ý kiến, giúp doanh nghiệp xây dựng, soát xét kỹ chiến lược hay các quyết định như đầu tư, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh…”.
Trong danh mục của SCIC có các doanh nghiệp lớn, nên việc đào tạo, đóng góp ý kiến để nâng cao năng lực, hiệu quả hội đồng quản trị, ban điều hành thường bám sát thực tế và có thể áp dụng ngay vào công tác quản trị doanh nghiệp.
Đây chính là những giá trị tưởng như vô hình, nhưng lại rất hữu dụng với doanh nghiệp và thường sớm thể hiện ngay ở kết quả kinh doanh được cải thiện rõ nét ở nhiều doanh nghiệp sau khi vốn nhà nước được chuyển giao về Tổng công ty.
Khó có thể kể hết đầu việc để làm tốt vai trò cổ đông năng động ở các doanh nghiệp, song tập trung kiện toàn đội ngũ người đại diện vốn luôn là yếu tố được SCIC chú trọng hàng đầu.
Khi và chỉ khi những “cánh tay nối dài” của SCIC ở các doanh nghiệp làm việc ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả, đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới có cơ hội được nảy nở, sinh sôi.