Thực hiện Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, năm 2017, có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn.
Thế nhưng, theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 5 đơn vị thực hiện thoái vốn. Lũy kế đến nay, mới chỉ có 16/316 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn (năm 2017 có 11 đơn vị thoái vốn).
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc thoái vốn chậm, gặp nhiều vướng mắc là do cơ chế pháp lý hướng dẫn về xác định giá đất, để làm cơ sở cho xác định mức giá khởi điểm của doanh nghiệp chưa rõ ràng.
Trước thực tế này, đã có ý kiến đề xuất Bộ Tài chính cần sớm có giải pháp khắc phục, để giải tỏa tình trạng thoái vốn chậm trễ kéo dài.
Sau khi nội dung trên được Báo Đầu tư Chứng khoán số 93, ra ngày 3/8/2018 đăng tải, ngày 24/8, Bộ Tài chính đã có Công văn 10299/BTC-TCDN, do ông Phạm Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính ký), gửi Báo Đầu tư Chứng khoán.
Trong văn bản này, Bộ Tài chính cung cấp các thông tin về các giải pháp mà Chính phủ và Bộ đã đưa ra, trong đó có một số giải pháp mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 9/2018.
Theo đó, nguyên tắc và thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đã được quy định rõ tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Theo đó, việc xác định giá khởi điểm khi đấu giá chuyển nhượng vốn nhà nước thực hiện theo nguyên tắc: Cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc cơ quan chức năng được cơ quan đại diện chủ sở hữu ủy quyền, giao nhiệm vụ bằng văn bản lựa chọn và ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá;
Xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước đầu tư, bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm), giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Để hướng dẫn chi tiết nội dung trên tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 59/2018/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 1/9/2018) sửa đổi Thông tư 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Để các doanh nghiệp nắm bắt các hướng dẫn mới về thoái vốn nhà nước, trên cơ sở đó giải tỏa các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính tổ chức nhiều hội nghị phổ biến các quy định pháp lý về thoái vốn, cổ phần hóa đến các doanh nghiệp trên cả nước.
Tiếp sau hội nghị về chủ đề này được tổ chức ở TP.HCM ngày 9/8, ngày 31/8, Bộ Tài chính tổ chức sự kiện tương tự tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm đại diện các doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty; đại diện các bộ, ngành…
Theo kế hoạch, trong tháng 10/2018, Bộ Tài chính sẽ tổ chức hội nghị về nội dung này tại miền Trung.
Theo hướng dẫn của văn bản này, việc xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn thực hiện theo quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP.
Trong đó, việc xác định giá trị đối với một số tài sản tại doanh nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc: Đối với giá trị quyền sử dụng đất thuê (trả tiền hàng năm), phải căn cứ vào hợp đồng thuê đất trực tiếp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn thuê đất, tiền thuê đất và các yếu tố khác (nếu có).
Chênh lệch (nếu có) giữa tiền thuê đất của thời hạn thuê đất còn lại trong hợp đồng, hoặc quyết định cho thuê đất tính theo giá đất tại thời điểm có hợp đồng hoặc quyết định cho thuê đất với tiền thuê đất của thời hạn thuê đất còn lại tính theo giá đất tại thời điểm xác định giá chuyển nhượng được tính bổ sung khi xác định giá khởi điểm.
Giá đất làm cơ sở tính tiền thuê đất trả tiền hàng năm được xác định theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Thông tư 77/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, hướng dẫn một số điều của Nghị định 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Doanh nghiệp cần nắm bắt quy định mới để gỡ vướng cho thoái vốn
Đến thời điểm này, cơ chế, chính sách cho cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành tương đối đầy đủ.
Riêng với hoạt động thoái vốn, vướng mắc lớn nhất bộc lộ trong thực tế triển khai khiến tiến độ thoái vốn chậm trễ hiện chủ yếu liên quan đến xác định giá đất, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu… Để khắc phục tình trạng này, bản thân doanh nghiệp cần nắm chắc các nội dung mới quy định tại Nghị định 32/2018 và Thông tư 59/2018/TT-BTC.
Đành rằng phương án thoái vốn do doanh nghiệp thuê tư vấn làm, nhưng bản thân doanh nghiệp không kịp thời cập nhật, nắm bắt quy định pháp lý thì làm sao biết tư vấn đề xuất phương án thoái vốn có chuẩn, có đúng quy định pháp luật hay không.
Để xác định được giá đất, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu…, khi thuê đơn vị tư vấn, doanh nghiệp cần chốt rõ trong hợp đồng là bên tư vấn có trách nhiệm chỉ rõ giá trị của từng khoản mục này nằm ở đâu, giá trị là bao nhiêu.
Trong quá trình xây dựng phương án thoái vốn, mà bên tư vấn không chỉ ra được giá trị của lợi thế vị trí địa lý của các khu đất, giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu…, thì trong phương án thoái vốn phải thể hiện rõ giá trị của khoản vốn cần thoái chưa tính giá trị của lợi thế vị trí địa lý của các khu đất, giá trị văn hóa, lịch sử, để cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước chốt phương án xác định giá khởi điểm.
Trong quá trình tổ chức triển khai thoái vốn, nếu doanh nghiệp gặp vướng mắc, cần liên hệ với Bộ Tài chính để được hướng dẫn, tháo gỡ, đảm bảo tiến độ thoái vốn không bị chậm trễ.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính
Thoái vốn phải tuân thủ nghĩa vụ minh bạch thông tin
Là đầu mối tổ chức đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, những năm qua, HNX đã tích cực triển khai các quy định của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, qua đó giúp Nhà nước thoái được lượng vốn lớn, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư.
Trong quá trình triển khai đấu giá thoái vốn, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc, cần liên hệ với HNX để được giải đáp và giải quyết.
Câu hỏi mà doanh nghiệp đặt ra là khi thoái vốn nhà nước tại các công ty đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, thì thành viên hội đồng quản trị, người có liên quan có phải công bố thông tin không? Câu trả lời là có, bởi nghĩa vụ này đã được quy định rõ tại Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Điều đó đảm bảo cho quá trình thoái vốn diễn ra minh bạch, hiệu quả.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp theo dõi, nắm bắt các quy định pháp lý trong quá trình tổ chức triển khai thoái vốn, doanh nghiệp đề xuất cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hợp nhất Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Nghị định 91/2015/NĐ-CP.
Ông Nguyễn Như Quỳnh - Phó tổng giám Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)