Trong một nhận định đưa ra sau khi Hong Kong xác nhận ca tái nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên trên thế giới, ông Trương Văn Hồng, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Đại học Phúc Đán Thượng Hải (Trung Quốc) cho rằng, "tái nhiễm" liên quan đến khả năng duy trì miễn dịch, cũng như thời gian bảo vệ của vaccine trong tương lai và khoảng cách giữa các mũi tiêm.
Hiện tượng tái nhiễm sau hơn 4 tháng ở Hong Kong mới chỉ là trường hợp cá biệt, cần theo dõi trên quy mô người nhiễm lớn hơn. Hiện nay, toàn thế giới có hơn 22 triệu người mắc Covid-19. Nếu nhiều trường hợp tái nhiễm được chứng minh trên thực tế, thì hiện tượng này có thể trở thành thường xuyên ở các khu vực có nguy cơ cao và dịch bệnh nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, ca bệnh tái nhiễm ở Hong Kong cần có thêm chứng cứ, như chứng thực ca bệnh này chỉ là dương tính với SARS-CoV-2 hay có virus sống, đồng thời phải so sánh triệt để toàn bộ trình tự gien trong cả 2 lần mắc của người bệnh.
Theo chuyên gia này, hiện không nên quá lo lắng, bởi trong lịch sử thời gian miễn dịch sau khi nhiễm các loại virus corona thường thấy khác đều vượt xa 4 tháng.