Hơn 24 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Toàn cầu ghi nhận hơn 24 triệu người nhiễm, gần 822.000 người chết do nCoV, giữa lúc xuất hiện một số ca tái nhiễm trên thế giới.
Các nhân viên y tế di chuyển thi thể một người chết vì nCoV tại New Delhi, Ấn Độ, hôm 22/8. Ảnh: Reuters. Các nhân viên y tế di chuyển thi thể một người chết vì nCoV tại New Delhi, Ấn Độ, hôm 22/8. Ảnh: Reuters.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 24.007.130 ca nhiễm và 821.592 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 229.112 và 5.659 ca sau 24 giờ, trong khi 16.488.550 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.946.759 ca nhiễm và 182.071 người chết, tăng lần lượt 33.613 và 1.012 ca so với một ngày trước đó.

Ngày càng nhiều trường đại học tại Mỹ ghi nhận số lượng lớn sinh viên dương tính với nCoV, chỉ vài ngày sau khi học kỳ mùa thu khai giảng, khiến một số trường quyết định lùi kế hoạch tái mở cửa khuôn viên trong những tuần gần đây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đang gây lo ngại về tình trạng "chính trị hóa quy trình phê duyệt" liên quan tới Covid-19, khi mới đây cho phép sử dụng khẩn cấp liệu pháp lấy huyết tương từ các bệnh nhân đã phục hồi để điều trị cho người nhiễm nCoV, bất chấp hiệu quả của liệu pháp này vẫn trong quá trình được đánh giá thông qua thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên.

Trong bối cảnh giới chuyên gia đánh giá Nhà Trắng có nguy cơ gây áp lực lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để cấp phép sử dụng khẩn cấp một loại vaccine Covid-19 trước khi nó được chứng minh đủ an toàn và hiệu quả, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cảnh báo quyết định này có thể gây khó khăn đối với các vaccine tiềm năng khác trong việc thu hút người dân tham gia thử nghiệm.

Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong tăng lên 116.580 sau khi ghi nhận thêm 1.271 trường hợp.

Ca nhiễm tại nước này tăng 47.134 trong 24 giờ qua, lên 3.669.995. Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 21/8 nhận định số ca nhiễm hàng tuần ở Brazil đã ổn định, tốc độ lây lan đang chậm lại.

Thượng nghị sĩ Flavio Bolsonaro, con trai cả của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, hôm qua xác nhận dương tính nCoV, nhưng "cảm thấy ổn" và đang điều trị bằng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine, phương pháp được cha của ông tích cực thúc đẩy dù nhiều nghiên cứu cho thấy nó không hiệu quả.

Cơ quan quản lý y tế Brazil tuần trước phê duyệt thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba với loại vaccine Covid-19 thứ tư, được phát triển bởi công ty dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson. Vaccine sẽ được thử nghiệm trên 7.000 tình nguyện viên đến từ 7 bang của Brazil.

Mexico, một vùng dịch lớn khác tại Mỹ Latinh, báo cáo 563.705 ca nhiễm và 60.800 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 3.541 và 320 trường hợp.

Chính phủ Mexico hôm 19/8 cho biết có dấu hiệu cho thấy nước này đã đạt đỉnh dịch khi số ca nhiễm và tử vong do nCoV liên tục giảm, nhưng thừa nhận số liệu trên thực tế có khả năng cao hơn đáng kể.

Giới chức xác nhận thêm rằng Mexico có kế hoạch tham gia thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine Covid-19 của Italy.

Chile ghi nhận 400.985 ca nhiễm và 10.958 ca tử vong, tăng lần lượt 1.417 và 42 trường hợp so với hôm trước. Nước này dỡ phong tỏa trung tâm thủ đô từ hôm 17/8, sau khi gỡ lệnh tại các khu vực ngoại ô phía đông và phía nam hai tuần trước.

Chính phủ Chile hiện cho phép người dân rút tiền từ các quỹ hưu trí nhằm xoa dịu tổn thất kinh tế, trong bối cảnh cơn thịnh nộ của người dân lan rộng với các cuộc biểu tình phản đối cách giới chức xử lý đại dịch.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ năm thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 613.017 ca nhiễm và 13.308 ca tử vong, tăng lần lượt 1.567 và 149 ca.

Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti cho biết châu lục này "dường như đã qua đỉnh dịch" với số ca nhiễm mới giảm dần. Chính phủ Nam Phi cũng đã dần nới lỏng hạn chế để cho phép hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết "nỗi lo lắng lớn nhất" của họ là có thể xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai. Tổng thống Cyril Ramaphosa của nước này cũng cảnh báo ca nhiễm có thể gia tăng trở lại nếu người dân lơ là cảnh giác.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 120 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 16.568. Số ca nhiễm tăng thêm 4.696, lên 966.189. Tình hình dịch bệnh tại Nga dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.

Tờ Izvestia hôm 24/8 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết giới chức Nga tuần này có thể thông báo nối lại các chuyến bay quốc tế đến Pháp, Hungary, Malta, Cyprus, Jordan, Ai Cập và thành phố Thượng Hải của Trung Quốc.

Nga hồi đầu năm ngừng khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế vì đại dịch và tới nay mới nối lại đường bay đến London, Thổ Nhĩ Kỳ, Tanzania và Thụy Sĩ.

Nga tuần này cũng bắt đầu đợt thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn nhằm đánh giá an toàn và hiệu quả của vaccine Sputnik V đã được chính phủ phê duyệt, với sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên thuộc nhiều nhóm có nguy cơ khác nhau tại hơn 45 trung tâm y tế.

Pháp ghi nhận 3.304 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 248.158. Số người chết hiện là 30.544, tăng 16 trường hợp so với hôm qua.

Hôm 20/8, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất kể từ tháng 4 với gần 4.800 ca, thúc đẩy ngày càng nhiều địa phương ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron loại trừ khả năng phong tỏa toàn quốc một lần nữa bởi lo ngại những hậu quả đi kèm.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran hôm 21/8 thừa nhận sự lây lan của virus "đang tăng tốc", nhưng cho biết tình hình sẽ tiếp tục được kiểm soát, miễn là người dân tuân thủ các biện pháp giữ vệ sinh và giãn cách xã hội.

Iran báo cáo 20.901 người chết sau khi ghi nhận thêm 125 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 2.213, lên tổng cộng 363.363 ca. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6.

Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 66.873 ca nhiễm và 1.066 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 3.231.754 và 59.612.

Đây là ngày thứ 18 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm nCoV mới cao nhất toàn cầu, vượt xa Mỹ và Brazil, dù tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức khá thấp.

"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu số liệu của chúng tôi vượt qua cả Brazil và Mỹ, nhưng chúng tôi có dân số đông hơn", nhà dịch tễ học Giridhar Babu tại Tổ chức Y tế Cộng đồng, một tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ, nêu ý kiến.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng thể hiện sự lạc quan bằng cách chỉ ra tỷ lệ hồi phục cao tại Ấn Độ, với khoảng 75% tổng số ca nhiễm đã bình phục, theo dữ liệu của Bộ Y tế nước này. Giới chức cho biết Ấn Độ đang thảo luận với Nga về vaccine Sputnik V.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 197.164 ca nhiễm và 3.038 ca tử vong, tăng lần lượt 2.965 và 34 ca.

Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 17/8 nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn nCoV lây lan tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh, trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng bên bờ vực giải thể. Ông cũng kêu gọi công chúng tuân thủ những biện pháp giữ an toàn.

Hầu hết doanh nghiệp, bao gồm cả dịch vụ ăn uống tại chỗ, đều được tái mở cửa. Giới chức cam kết "làm mới" cách tiếp cận trong cuộc chiến chống Covid-19 bằng biện pháp tăng cường xét nghiệm, đặt mục tiêu xét nghiệm 10 triệu người, tương đương gần 1/10 dân số, vào quý II năm sau.

Tổng thống Duterte gửi lời cảm ơn Nga và Trung Quốc vì đã đề nghị cung cấp vaccine Covid-19 cho Philippines sau khi chúng được thông qua. Chính phủ nước này cũng cho biết sẽ thử nghiệm lâm sàng vaccine Nga vào tháng 10 và Duterte dự kiến được tiêm vào tháng 5 năm sau.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 157.859 ca nhiễm, tăng 2.447 trường hợp so với hôm trước, trong đó 6.858 người chết, tăng 99 ca.

Thủ đô Jakarta dự kiến kéo dài các biện pháp hạn chế đến ngày 27/8, yêu cầu nhà hàng, nơi thờ tự và giao thông công cộng hoạt động với công suất hạn chế. Trong khi đó, đảo Bali quyết định hoãn kế hoạch tái mở cửa trung tâm du lịch lớn nhất đất nước cho du khách quốc tế vào ngày 11/9 do lo ngại tình hình đại dịch.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết nước này đã ký một thỏa thuận sơ bộ với công ty Sinovac của Trung Quốc, nhằm mua và cung cấp 50 triệu liều CoronaVac, loại vaccine Covid-19 tiềm năng đang được thử nghiệm Giai đoạn ba, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

Bộ trưởng Nghiên cứu Indonesia Bambang Brodjonegoro cho hay nước này cũng đang phát triển vaccine của riêng mình, được gọi là vaccine "đỏ và trắng" theo màu quốc kỳ.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 56.435 người nhiễm, tăng 31 ca, trong đó 27 người đã chết. Đây là số ca nhiễm mới hàng ngày thấp nhất được ghi nhận tại Singapore trong hơn 5 tháng.

Số ca nhiễm nCoV tại quốc đảo từng tăng mạnh do đợt bùng phát lớn trong các ký túc xá cho người lao động nhập cư, nhưng gần đây con số đã giảm đều. Singapore hai tuần trước hoàn tất xét nghiệm cho đối tượng trên.

Trước cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc chưa từng thấy tại Singapore, chính phủ nước này quyết định bắt đầu mở cửa lại biên giới từ tháng sau, trong nỗ lực kích thích nền kinh tế vốn phụ thuộc và du lịch và thương mại. Singapore dự kiến mở biên cho người đi từ New Zealand và Brunei từ 1/9.

WHO cho biết nCoV vẫn lây lan rộng, nhưng sự gia tăng số ca nhiễm và tử vong đã giảm trên toàn cầu, trừ khu vực Đông Nam Á và phía đông Địa Trung Hải. Châu Mỹ vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm một nửa số ca nhiễm mới và 62% số ca tử vong được báo cáo trong tuần trước.

Ba trường hợp tái nhiễm nCoV tại Hong Kong, Bỉ và Hà Lan được xác nhận hôm qua, làm dấy lên lo ngại về khả năng miễn dịch với virus.

Thông thường, người nhiễm nCoV tái dương tính sau một thời gian khỏi bệnh chỉ là do "tàn dư" virus không còn hoạt động sót lại trong cơ thể. Trong khi đó, tái nhiễm nCoV là lúc người bệnh nhiễm lượng virus hoàn toàn mới.

Theo phát ngôn viên WHO Margaret Harris, mặc dù đã xuất hiện các báo cáo về tình trạng tái nhiễm, điều quan trọng là phải có tài liệu rõ ràng về những trường hợp như vậy. Tuy nhiên, David Strain, giảng viên cấp cao về lâm sàng tại Đại học Exeter của Anh bày tỏ lo ngại về tình trạng này.

"Đầu tiên, nó cho thấy việc nhiễm nCoV từ trước đó không giúp cơ thể được bảo vệ. Thứ hai, tình trạng này làm dấy lên khả năng việc tiêm chủng sẽ không mang lại hiệu quả mà mọi người đang kỳ vọng", chuyên gia nêu ý kiến.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục