Nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tới Việt Nam dấy lên gần đây khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được “châm ngòi”. Ông có thể phân tích cục diện các nền kinh tế lớn và triển vọng dòng vốn đầu tư quốc tế hiện nay?
Từ năm 2017 đến nay, kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi tích cực. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới lần lượt là 3,1 - 3,9%, thương mại toàn cầu tăng 3,9 - 4,6%. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ mậu dịch cũng đang đặt kinh tế và thương mại thế giới trước những thách thức đáng lo ngại.
Nếu chiến tranh thương mại nổ ra giữa các nền kinh tế lớn, cho dù ở quy mô vừa phải cũng có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu mất 1% và làm suy giảm dòng vốn đầu tư quốc tế đáng kể từ các nước phát triển vào các nền kinh tế mới nổi. Việt Nam sẽ phải chịu những tác động tiêu cực nhất định.
Với chính sách cắt giảm mạnh thuế suất và đơn giản hóa suất thuế, Mỹ đang là một trong những nước hấp dẫn nhất hiện nay về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chính sách tăng lãi suất sẽ tạo xu thế tăng giá USD chắc chắn cũng có tác dụng thu hút mạnh dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Mỹ.
Trái lại, vốn đầu tư từ EU và Nhật Bản vào các nước mới nổi lại bị hạn chế một phần do hai khu vực này sẽ tăng đầu tư vào Mỹ, mặt khác các cơ quan giám sát tài chính của họ cũng quản lý cẩn trọng hơn các dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trong bối cảnh xu hướng thắt chặt tiền tệ đang gia tăng.
Trung Quốc là quốc gia có dự trữ tài chính lớn nhất thế giới, những năm gần đây do yêu cầu khắt khe về tái cơ cấu kinh tế nên quốc gia này cũng kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Đến đầu năm 2018, Trung Quốc có dấu hiệu nới lỏng kiểm soát vốn đầu tư quốc tế.
Họ đang hướng vào khu vực Đông Nám Á, một trong những khu vực có chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường đông dân cư và nhu cầu vốn lớn, đặc biệt là Việt Nam. Đây có thể coi là một cơ hội đáng kể cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Với nội lực mà Việt Nam có trong tay, có thể nhìn nhận như thế nào về sức mạnh và những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt?
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt từ quý III/2017, nhờ những thành tựu về cải thiện môi trường đầu tư, tiếp cận vốn tín dụng, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn, chẳng hạn, công nghiệp hóa, tối đa hóa sản lượng nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có nhu cầu ngày càng lớn về năng lượng.
Trên thực tế, Việt Nam chưa có một nền công nghiệp trên nền tảng công nghiệp chế tạo như là thép chế tạo cao cấp, đóng tàu (chứ không phải lắp tàu), sản xuất ô tô (chứ không phải lắp ráp ô tô), công nghiệp phân bón, công nghiệp giấy và lại càng không có những sản phẩm loại này được xuất khẩu ra thế giới.
Từ năm 1993, khi có Nghị quyết của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cho đến nay, tỷ trọng công nghiệp chế biến và chế tạo trong GDP (loại trừ xây dựng và khai khoáng) thay đổi không đáng kể, năm 1993 đạt khoảng 16 - 17% đến năm 2013 cũng chỉ đạt 18 - 19%. Chưa kể, trong công nghiệp chế biến, chế tạo, tỷ trọng của FDI luôn chiếm phần lớn (hơn 60%).
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa
Việt Nam không phải là thoái nông nghiệp để công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà là thoái nông nghiệp để dịch vụ hóa. Vì vậy, Việt Nam cần tìm kiếm một lượng vốn lớn để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo và đẩy mạnh hơn nữa chiến lược phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng, mới có thể tiếp cận được xu thế công nghiệp mới 4.0.
Chúng ta cũng nhắc nhiều đến việc tìm kiếm các động lực mới cho nền kinh tế, đơn cử như phát triển kinh tế tư nhân. Một chiến lược như thế nào cho việc phát triển khu vực này sẽ hiệu quả?
Kinh tế tư nhân là quan trọng, nhưng như một số nhà phân tích quốc tế đã nói: Phải phát triển được những doanh nghiệp tư nhân lớn trong khu vực công nghiệp và dịch vụ có khả năng cạnh tranh quốc tế thì mới đích thực là động lực. Họ cho rằng, doanh nghiệp lớn quan trọng hơn quốc gia lớn. Những nước nhỏ trở nên giàu có nhờ các doanh nghiệp lớn như Bỉ, Thụy Sỹ, Thụy Điển... Nhưng không có một quốc gia nào giàu có chỉ dựa vào doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điều này cho thấy chúng ta vừa phải nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, vừa phải chú ý phát triển những doanh nghiệp lớn, nhất là đi vào công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và các dịch vụ then chốt như dịch vụ tài chính. Có như vậy, phát triển kinh tế tư nhân mới trở thành động lực.
Khu vực tư nhân hiện nay của Việt Nam phần lớn là lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng. Một số doanh nghiệp đã đi vào khu vực chế tạo như Thaco, Vingroup sản xuất, lắp ráp ô tô, Geleximco đẩy mạnh sản xuất năng lượng, giấy, xi măng...
Đây có thể coi là những manh nha của một nền công nghiệp, nhưng thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào những tiến bộ công nghệ mà họ đạt được cũng như vào sự hỗ trợ của nhà nước. Trong bối cảnh chúng ta đã mở cửa thị trường, buộc doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh với những “sói già” quốc tế.
Đây cũng có thể coi là thách thức lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong tiến trình trở thành những doanh nghiệp hùng mạnh có vai trò là động lực của nền kinh tế, để tham gia vào chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị vừa mới đề cập.
Làm công nghiệp vốn dĩ rất vất vả và như ông đề cập, cạnh tranh với các “sói già” quốc tế là thách thức vô cùng lớn. Có thể hóa giải bài toán này theo cách nào đây?
Việt Nam đã vượt qua ngưỡng một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD vào năm 2014. Hầu hết các nước trên thế giới sau khi đã đạt ngưỡng này đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần. Chỉ có Trung Quốc và Hàn Quốc là duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao thêm khoảng 10 năm. Việt Nam nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với trước 2014 như Hàn Quốc và Trung Quốc thì phải xây dựng được một chiến lược tăng trưởng dựa chủ yếu vào tiến bộ công nghệ và cạnh tranh quốc tế.
Muốn vậy, Việt Nam phải phát triển công nghiệp chế tạo trên nền tảng vốn vay của nước ngoài; đồng thời, phải học hỏi và làm chủ được công nghệ hiện đại (nếu không muốn nói là “ăn cắp” được hoặc là sáng tạo ra). Một nhà phân tích tài chính quốc tế đã từng nói: “Nợ nước ngoài nếu không được sử dụng để học hỏi, sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ thì có thể sẽ là một thảm họa”. Vì vậy, chúng ta cần phải hết sức coi trọng thu hút vốn quốc tế, tài trợ cho các dự án của doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo hoặc công nghệ thông tin. Nhưng doanh nghiệp phải thông qua đó học hỏi, sáng tạo và làm chủ được công nghệ.
Vì vậy, cần có chiến lược thông minh và nhất quán để thu hút nguồn vốn này, tận dụng thị trường này vì mục tiêu quốc gia, trên cơ sở hợp tác và cạnh tranh bình đẳng, cùng có lợi. Với điều kiện, nguồn vốn thu hút được cần phải được sử dụng chủ yếu cho phát triển sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ mới mà người Việt Nam cần làm chủ và sáng tạo. Đây là yêu cầu khắt khe và nghiêm túc mà Hàn Quốc đã từng đặt ra cho các doanh nghiệp của họ trong quá trình phát triển công nghiệp hiện đại bằng các nguồn vốn vay từ nước ngoài.
Vẫn có những băn khoăn về việc vay vốn Trung Quốc, ông nghĩ sao về thực tế này?
Vốn từ đâu không quan trọng, quan trọng là phải tư duy sáng suốt để sử dụng nó hiệu quả, hợp tác với đối tác nào để có hiệu quả. Mà như đã phân tích, Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với các nước trong khu vực nếu muốn thu hút vốn Trung Quốc.
Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp Việt Nam phải rèn luyện được năng lực sáng tạo, làm chủ công nghệ của mình, chứ không phải lệ thuộc vào các nguồn vốn. Nguồn vốn là thứ để chúng ta tận dụng, tận dụng phải sáng tạo. Bởi nếu không sáng tạo và làm chủ công nghệ thì có lấy vốn của bố mẹ cũng thất bại mà thôi.
Nếu không chủ động đầu tư, dám nghĩ, dám làm, chỉ ngồi đấy mà trông đợi vào các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ tự nguyện cho Việt Nam, sẽ chỉ là một mơ tưởng hão huyền. Nhiều chuyên gia phân tích về công nghiệp cũng đã đưa ra kết luận: Không có chuyện các tập đoàn công nghiệp xuyên quốc gia cùng các doanh nghiệp bản địa “tay trong tay tiến về phía trước”.
Trung Quốc đã soán ngôi của nhiều cường quốc công nghiệp, chẳng hạn trong lĩnh vực năng lượng, cho đến nay, họ đã ký hợp đồng xây dựng 1.600 nhà máy nhiệt điện ở 62 quốc gia trên khắp thế giới và đầu tư hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng ở châu Á. Ngày càng có nhiều nước tìm mọi cách để hút dòng vốn Trung Quốc như xây dựng cảng biển ở Malaysia, đầu tư đường giao thông ở Thái Lan... Giới phân tích nhận định rằng, Trung Quốc sẽ rót hàng trăm tỷ USD để theo đuổi chiến lược “Một vành đai, một con đường”.