Lãi suất trái phiếu chính phủ thấp: Bất lợi cho toàn ngành ngân hàng

(ĐTCK) Lãi suất huy động trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp về mức 3% loại kỳ hạn 5 năm, thấp kỷ lục so với nhiều năm gần đây. Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại vẫn đang là thành viên tham gia đấu thầu chính trên thị trường trái phiếu, Đầu tư Chứng khoán đã có những trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh (BDI) về vấn đề này.
Lãi suất trái phiếu chính phủ thấp: Bất lợi cho toàn ngành ngân hàng

Theo ông, vì sao hiện tại mức lãi suất trái phiếu chính phủ lại thấp như vậy?

Thứ nhất, lãi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ thấp, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thấp, điều này chứng tỏ là các các ngân hàng thương mại đang trong tình trạng “thừa vốn”, hay nói cách khác, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế còn yếu.

Thứ hai, đề cập đến câu chuyện thừa vốn còn liên quan đến tỷ lệ giữa vốn cho vay trên tổng vốn huy động. Ngân hàng Nhà nước hiện đưa ra mức khống chế tỷ lệ cho vay trên huy động cứng không quá 80% và như vậy, các ngân hàng thương mại buộc phải sử dụng 20% vốn còn lại để mua trái phiếu chính phủ là chủ yếu.

Thứ ba, lãi suất trái phiếu chính phủ xuống thấp phản ánh tình trạng nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến trước đó.

Việc lãi suất trái phiếu chính phủ thấp có phát ra tín hiệu nguy hiểm nào đối với hệ thống ngân hàng?

Nếu trừ đi CDS (mức độ rủi ro của trái phiếu), lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam hiện còn thấp hơn trái phiếu chính phủ Mỹ ở một số kỳ hạn. Điều này dẫn đến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, đầu tư sang Mỹ hoặc các thị trường khác. Chưa kể, hiện lãi suất tại Mỹ đang có xu hướng tăng, nên khả năng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn càng hiện hữu. Nếu điều này xảy ra ồ ạt sẽ là yếu tố bất lợi đối với hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Lãi suất trái phiếu chính phủ thấp: Bất lợi cho toàn ngành ngân hàng ảnh 1

 TS. Lê Xuân Nghĩa

Bên cạnh đó, việc lãi suất thấp kéo dài là rất phức tạp, khi không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà ngay cả các ngân hàng thương mại cũng bị thua lỗ những khoản lớn, có thể phải tăng lãi suất trên thị trường tín dụng hoặc đầu tư vào trái phiếu chính phủ dài hạn với rủi ro lớn, hoặc bán ra trái phiếu chính phủ để thu hồi vốn về làm việc khác.

Đồng thời, lãi suất trái phiếu chính phủ thấp có thể khiến hệ thống lãi suất chuẩn thay đổi và điều này gây bất lợi cho toàn bộ ngành ngân hàng. Tôi đề cập ở đây trực tiếp bất lợi là ngành ngân hàng vì chúng ta đều biết thành viên tham gia đấu thầu chính trên thị trường trái phiếu là các nhà băng.

Trong bối cảnh này, ông có lời khuyên nào cho các ngân hàng thương mại?

Hiện tại, nếu mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài, nhà băng sẽ được lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn không được như hiện tại do những thay đổi có tính chu kỳ thì các ngân hàng thương mại sẽ gặp khó khăn lớn. Trong khi đó, nếu mua trái phiếu kỳ hạn ngắn, lãi suất thấp thì nhà băng có thể chịu lỗ.

Theo tôi, còn một hướng đi nữa là làm thế nào để tạo ra được mức độ linh hoạt, có thể chuyển trái phiếu ngắn hạn thành dài hạn và ngược lại. Tuy vậy, điều này phụ thuộc rất lớn vào thị trường thứ cấp – với điều kiện thị trường này trở nên uyển chuyển, đa dạng nguồn vốn, không chỉ dựa vào các ngân hàng thương mại và một vài nhà đầu tư nước ngoài.

Vậy ông có kiến nghị gì để giúp các ngân hàng thương mại tháo gỡ khó khăn hiện tại?

Tôi cho rằng, tỷ lệ cho vay trên huy động cứng không quá 80% nên là quy định mang tính hướng dẫn, còn việc quyết định đầu tư nên để ngân hàng thương mại lựa chọn dựa theo tình trạng thanh khoản và nguồn vốn. Việc đưa ra quy định cứng như hiện tại sẽ dẫn đến tình trạng vốn tín dụng vào nền kinh tế có thể thiếu, vốn tín dụng dự phòng “thừa” và các ngân hàng thương mại phải sử dụng phần vốn còn lại vào trái phiếu Chính thủ. Do đó, tốt nhất là đưa ra một bộ khung linh hoạt hơn.

Lãi suất trái phiếu chính phủ thấp: Bất lợi cho toàn ngành ngân hàng ảnh 2

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nên hợp tác chặt chẽ với nhau trong vấn đề này, vì đó là lợi ích chung của nền kinh tế. Đối với Bộ Tài chính, lãi suất càng thấp càng tốt và càng dài hạn càng tốt nhưng vấn đề ở đây là tiền chảy vào trái phiếu chính phủ cơ bản là tiền của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước nên nhìn rõ động thái trên thị trường, từ đó có hành động cụ thể để ổn định hệ thống trong dài hạn.

Hiện tại, các ngân hàng thương mại đang đứng trước sức ép hoặc là giảm lãi suất huy động xuống cận với giới hạn của bẫy thanh khoản, hoặc phải tăng lãi suất cho vay. Các loại xu hướng này đều không thể thực hiện được trong bối cảnh hiện nay. Nếu lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm thì tình hình sẽ càng trở nên phức tạp. 

Nghiên cứu của Nhóm Kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV cho biết: Thị trường sơ cấp tháng 2 khá sôi động với tỷ lệ trúng thầu đạt 85%. Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hành thành công hơn 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong tháng 2, lũy kế 2 tháng đạt mức 29,4 nghìn ỷ đồng, khoảng 65% kế hoạch quý I. Trong đó, cơ cấu danh mục vẫn tập trung vào kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên, chiếm tỷ trọng 70% tổng danh mục. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 5, 7, 10 và 15 năm đã giảm mạnh về mức 3,05%/năm, 3,4%/năm, 4,4%/năm và 4%/năm tương ứng.

Thị trường thứ cấp diễn biến bớt sôi động hơn so với tháng trước, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4,9 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 7,5% so với mức bình quân tháng trước và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp đã tiếp tục giảm mạnh khoảng 20-30 điểm ở các kỳ hạn ngắn dưới 5 năm và đi ngang/tăng nhẹ ở các kỳ hạn dài từ 7-15 năm . Cuối tháng lãi suất các kỳ hạn 2, 5, 10 và 30 năm lần lượt ở mức 2,69%/năm, 3,26%/năm, 4,25%/năm và 5,38%/năm.

Các yếu tố hỗ trợ xu hướng giảm của lãi suất tiếp tục chiêm ưu thế trong tháng 2/2018:

-  Nguồn cung sơ cấp tiếp tục hạn chế khi khối lượng phát hành trong quý I/2018 theo kế hoạch của KBNN là 45 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch cùng kỳ các năm trước (năm 2017 là 65 nghìn tỷ đồng);

-  Thanh khoản tiền tệ liên ngân hàng sau giai đoạn căng thẳng trong dịp Tết đã nhanh chóng hạ nhiệt trở lại, cuối tháng lãi suất đóng cửa ở mức 0,8 - 2,2%/năm với kỳ hạn qua đêm -  tuần, thấp hơn so với giá đóng cửa của tháng trước;

-  Thị trường tiếp tục kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong thời gian còn lại của năm 2018. Bên cạnh đó, lãi suất cũng chịu áp lực tăng nhẹ, chủ yếu tập trung vào trước Tết do thanh khoản của hệ thống ngân hàng bớt dồi dào, mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng đã tăng mạnh lên mức 4,5 - 5,0%/năm trong ngắn hạn;

Dự báo thị trường trái phiếu chính phủ tiếp tục diễn biến sôi động trong tháng 3/2018. Lãi suất trái phiếu chính phủ thứ cấp dự kiến có xu hướng đi ngang/giảm nhẹ ở các kỳ hạn dưới 5 năm, bình quân kỳ hạn 5 năm ở mức khoảng 3,0%/năm. Các yếu tố tác động vẫn theo xu hướng hỗ trợ mặt bằng lãi suất là chủ đạo:

-  Nguồn cung sơ cấp trong quý I/2018 vẫn khá hạn chế so với nhu cầu đầu tư; áp lực phát hành sơ cấp trong tháng 3 chỉ còn khoảng 3,8 nghìn tỷ đồng/phiên.

-  Thanh khoản thị trường tiền tệ dự kiến tiếp tục dồi dào trong tháng 3/2018 và lãi suất dự kiến tiếp tục duy trì ở mức thấp, dao động quanh biên độ 1,0 - 2,0% kỳ hạn 1 tuần.

Tuy nhiên mặt bằng lãi suất TPCP đã giảm sâu về mức kỷ lục kéo theo chênh lệch giữa lãi suất TPCP với lãi suất OMO cũng như lãi suất huy động vốn trên thị trường 1 của Việt Nam đang ở mức thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực hay lãi suất TPCP Mỹ đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây cùng với kỳ vọng Fed sẽ đẩy nhanh quá trình thắt chặt CSTT. Theo đó, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường cũng trở nên thận trọng và nhạy cảm hơn với diễn biến của các biến số như lạm phát, lãi suất liên ngân hàng hay chính sách điều hành của NHNN.

Nhuệ Mẫn thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục