Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Uỷ ban Quản lý vốn phải hoạt động như nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, Uỷ ban Quản lý vốn về nguyên tắc phải là nhà đầu tư, mà có thể ví với mô hình công ty quản lý quỹ. Một công ty quản lý quỹ có thể có nhiều quỹ khác nhau, có quỹ thuần thị trường, có quỹ thuần chính trị, an ninh, công nghệ lõi… 
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Tại tọa đàm Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: "Nhìn lại và Hướng tới" do Báo Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 26/9, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo các các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cùng các chuyên gia kinh tế đã có những thảo luận liên quan tới hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, những kết quả đạt được cũng như đề xuất ý tưởng nâng cao hiệu quả quản lý.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chia sẻ, xét về ý tưởng liên quan tới cách thức quản lý DNNN, cần xác định đâu là những vấn đề lớn. Đầu tiên, chúng ta hay nói DNNN khó hiệu quả trong kinh tế thị trường, bởi câu chuyện xung đột lợi ích. Đây là điều mà ngay cả các công ty tư nhân, công ty cổ phần cũng vướng phải.

Xung đột đầu tiên là lợi ích giữa cá nhân và lý tưởng chung của doanh nghiệp, thứ hai là giữa doanh nghiệp và mục tiêu chung của chính phủ, quốc gia. Doanh nghiệp đặt vào cơ chế thị trường sẽ ưu tiên lợi nhuận, cạnh tranh, nhưng với DNNN và Nhà nước thì lại muốn vì lợi ích chung… Làm thế nào để giảm bớt điều này? Có thể dựa trên một số nguyên tắc, mà đầu tiên là minh bạch (theo thông lệ OECD chẳng hạn) và thứ hai là giám sát.

“Điểm vướng là giám sát quá chặt thì kìm hãm tăng trưởng, nhưng lỏng thì không đạt được các lợi ích. Cả 2 nguyên tắc minh bạch và giám sát phải thực hiện ở mức độ như thế nào, phân cấp ra sao còn phụ thuộc vào yếu tố quy định. Đáng chú ý, thế giới đang chuyển động rất nhanh, các quy định, tiêu chuẩn phải làm sao để thích ứng và không che đậy bản chất cuộc chơi. Bản chất cuộc chơi chính là năng lực, công nghệ phải tốt… Các ứng xử pháp lý cần chú ý tới điều này”, ông Thành chia sẻ.

Chia sẻ về việc nếu tái cấu trúc mô hình quản lý, ông Thành cho rằng, Uỷ ban Quản lý vốn về nguyên tắc phải là nhà đầu tư, mà có thể ví với mô hình công ty quản lý quỹ. Một công ty quản lý quỹ có thể có nhiều quỹ khác nhau, có quỹ thuần thị trường, có quỹ thuần chính trị, an ninh, công nghệ lõi… Mỗi loại hình này có trách nhiệm và cuộc chơi khác nhau. Một số nước như Singapore đã có mô hình tương tự như vậy.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo được tính linh hoạt. Uỷ ban quản lý vốn thì có thể linh hoạt quyết định đầu tư, điều chuyển từ nơi thừa ở tập đoàn này sang tập đoàn khác, có thể đầu tư mua thêm, nâng cấp công nghệ, thoái vốn khỏi một công ty khác… Các động thái này linh hoạt theo đòi hỏi của thị trường, xu hướng, công nghệ…

“Trước mắt, cần những bước đi để hoàn thiện, nâng cao dần, khắc phục tồn đọng về pháp lý, chức năng, phân cấp…. Từ bước đi tiệm cận ấy kết hợp với các sandbox thí điểm quyền tự chủ, quyền đầu tư, lương thưởng, tiếp cận nghiên cứu triển khai…”, ông Thành khuyến nghị.

Tọa đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" do Báo Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 26/9.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo các các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục