Áp lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch 2021 - 2025

0:00 / 0:00
0:00
Chịu tác động nặng nề bởi đại dịch và biến động địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã chậm lại đáng kể, đặt áp lực lên hai năm cuối kỳ.
Cần có các chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất - kinh doanh. Cần có các chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất - kinh doanh.

Áp lực nặng nề

Trong báo cáo mới đây về kinh tế giữa kỳ 2021 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 dù tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,56%, nhưng vẫn được thế giới đánh giá là tích cực, do nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm. Năm 2022, sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch, kinh tế Việt Nam đã vực dậy mạnh mẽ, với mức tăng trưởng 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch (6 - 6,5%) và là mức tăng trưởng cao so với trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, do ảnh hưởng của biến động chính trị toàn cầu, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,72%. Tuy đây vẫn là mức tăng trưởng khá và xu hướng đang chuyển biến tích cực, khi tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, song vẫn đặt áp lực lên việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%).

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam vừa diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, từ quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngoài nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ”, các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khó khăn, tăng trưởng thấp, thậm chí đều gặp “trục trặc”, giảm tốc.

Vấn đề không chỉ là tăng trưởng năm 2023 khó đạt mục tiêu, mà điều này còn ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam), nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về tốc độ tăng trưởng. “Ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới, thì việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021 - 2025 là vô cùng khó khăn”, ông Nguyễn Xuân Thành bày tỏ.

Tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thì bình quân hai năm 2024 - 2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm, mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 5 năm 6,5-7%, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Còn nếu tăng trưởng năm 2023 chỉ là 6%, thì bình quân hai năm 2024 - 2025, phải tăng trưởng 8%/năm.

“Đây là những mức tăng trưởng rất cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều yếu tố bất định, còn kinh tế trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Rất khó để đạt được các con số này, nếu như không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nói như vậy.

Chính phủ và cả hệ thống chính trị vẫn đang quyết tâm thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Chính phủ và cả hệ thống chính trị vẫn đang quyết tâm thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Cơ hội nào để nền kinh tế tăng tốc?

Không chỉ với kinh tế năm 2023, mà ngay cả với việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chính phủ vẫn luôn quyết tâm đạt mức cao nhất có thể. Vì vậy, hàng loạt cơ chế, chính sách, giải pháp đã được quyết liệt thực hiện. Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và giải ngân vốn đầu tư công là ví dụ điển hình.

“Nếu giải ngân được 95% vốn đầu tư công năm 2023 mà Quốc hội đã phê duyệt là hơn 700.000 tỷ đồng, thì tốc độ tăng trưởng có thể từ 5,5% tăng lên đến 5,8%”, ông Thành nói.

Nhưng với ông Thành, để thúc đẩy tăng trưởng, vấn đề không chỉ là giải quyết các vấn đề liên quan đến tiêu dùng nội địa, xuất nhập khẩu, hay đầu tư - các động lực tăng trưởng truyền thống, mà phải tiếp tục thúc đẩy các động lực này theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.

“Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với ba động lực truyền thống này mà không có chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất - kinh doanh, thì chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được. Ngược lại, việc ban hành và thực thi các chính sách mang tính hành chính, phản ứng thụ động, bắt buộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không có lộ trình sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể”, ông Nguyễn Xuân Thành bày tỏ.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023, dù đánh giá cao “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của kinh tế Việt Nam, song cũng chỉ ra hai vấn đề lớn mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài; những nghịch lý của quá trình phát triển kinh tế.

Một vài “nghịch lý” của kinh tế Việt Nam được chuyên gia Trần Đình Thiên chỉ ra là doanh nghiệp Việt giỏi chống chịu, sống dai, nhưng chậm lớn, khó trưởng thành; nền kinh tế khát vốn, nhưng khó hấp thụ vốn…

“Để đảm bảo lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế ‘xin - cho’, ‘hành chính’; ưu tiên thúc đẩy các thị trường đầu vào, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Đồng thời, đảm bảo ‘tam thông’ trong quá trình vận hành hệ thống, gồm thông suốt hạ tầng, thông thoáng cơ chế và thông minh vận hành”, ông Thiên nhấn mạnh.

Một khi các nguồn lực trong nền kinh tế thông suốt, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Bên cạnh đó, phát hiện, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất tổng hợp, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu… cũng là những điều được nhấn mạnh.

Đây là các yếu tố quan trọng để nền kinh tế Việt Nam không chỉ tăng tốc, làm sao đạt cao nhất mục tiêu Kế hoạch 5 năm, mà còn là chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Để thúc đẩy tăng trưởng, cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục