"Nâng cao năng lực nội sinh và khả năng chống chịu sẽ là năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế"

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Đây là quan điểm của TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) trong bối cảnh thế giới sẽ còn phải trải qua những tháng năm với nhiều biến đổi khó lường.

Nền kinh tế phục hồi theo đồ thị "chữ U với đáy rất dài"

Tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 ngày 19/9/2023, TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, "doanh nghiệp" và "năng suất lao động" là 2 từ khoá rất quan trọng bởi đây là các yếu tố quyết định năng lực nội sinh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp là lực lượng chủ công của phát triển, còn năng suất lao động là yếu tố quyết định thành bại của công cuộc phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, thực trạng doanh nghiệp và năng suất lao động của Việt Nam đều có vấn đề. Khu vực doanh nghiệp tư nhân sau một thời gian phát triển bùng nổ đang suy yếu, việc cải thiện năng suất lao động cũng đang rất chậm so với thế giới và khu vực, và đang có một khoảng cách tụt hậu quá lớn so với các nước.

Theo TS. Lộc, nếu nhìn từ phía cầu, nền kinh tế Việt Nam là một cỗ xe tam mã, đang được dẫn dắt bởi ba động lực tăng trưởng: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Suốt hơn 30 năm qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt kết quả khả quan là dựa trên động lực chủ yếu này. Nhưng hiện nay cả 3 động lực đều suy yếu cả xuất khẩu và đầu tư do nền kinh tế và thị trường thế giới tăng chậm lại và suy giảm, đang ảnh hưởng ngay và luôn đến các đầu tàu và tiêu dùng cũng như thế.

Chính phủ, Quốc hội đang có nhiều nỗ lực, bằng những quyết sách chưa từng có trong tiền lệ đã có những cố gắng vượt bậc bảo đảm duy trì những động lực này, nhưng Việt Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn và việc đặt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra là vô cùng thách thức. Điều cần thiết không phải là chỉ khôi phục, duy trì các động lực tăng trưởng này trong cơ cấu cũ mà phải nâng cấp cả 3 động lực này và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, TS. Lộc nhận thấy con đường phía trước vẫn vô cùng gian nan. Cuộc khủng hoảng lần này của nền kinh tế toàn cầu do sự cộng hưởng của nhiều nhân tố, trong đó có biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột về địa chính trị, địa kinh tế, chiến tranh và cả khoa học công nghệ dẫn đến yêu cầu tái cấu trúc lại các chuỗi cung ứng không thiết lập lại trạng thái cân bằng mới trong một vài năm như các cuộc khủng hoảng lớn trước đây.

“Nền kinh tế thế giới sẽ không phục hồi theo đồ thị chữ V, và cũng không phục hồi như chữ U thông thường mà chữ U với đáy rất dài”, TS. Lộc nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực nội sinh và cộng sinh để vượt "bão"

TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).

Dù vậy, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội mới trong quá trình chuyển dịch các chuỗi cung ứng của những tập đoàn xuyên quốc gia theo hướng nearshoring, friendshoring. Việt Nam có lợi thế, vị thế địa kinh tế địa chính trị và chính sách kinh tế đối ngoại “dĩ bất biến ứng vạn biến” theo phương châm Việt Nam làm bạn với cả thế giới đã tạo lợi thế này.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nền kinh tế có quy mô vừa và trình độ phát triển, trình độ công nghệ có tính bổ sung, tương hỗ với các cường quốc cũng là lợi thế. Lâu nay Việt Nam vẫn nói đến lợi thế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà chưa có nhiều nghiên cứu nói về lợi thế của các nền kinh tế quy mô vừa, đủ lớn để có hiệu quả, đủ nhỏ để không tranh hùng tranh bá, không có nguy cơ gây nguy hại cho ai.

Nói đến vấn đề nâng cao năng lực nội sinh, tăng cường tính tự chủ, Chủ tịch VIAC cho rằng chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, làm bạn với các nước, thu hút đầu tư FDI với tất cả các nước trên thế giới trong đó có các cường quốc là một hướng đi quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh bảo đảm chủ quyền và an ninh kinh tế của nước ta.

“Năng lực nội sinh cũng cần có nội hàm là năng lực cộng sinh có hiệu quả giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với khu vực FDI đến từ các nước trên thế giới”, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.

Tuy nhiên, năng lực cộng sinh này rất yếu, nền công nghiệp nước ta sau 30 năm mở cửa mới chỉ dừng lại ở trình độ lắp ráp gia công và không chỉ công nghiệp gia công mà nông nghiệp cũng gia công. Doanh nghiệp FDI về căn bản vẫn là những ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam, không sâu rễ, bền gốc với các doanh nghiệp nội.

Một năng lực nội sinh nữa là năng lực đối tác công tư giữa khu vực công và tư của Việt Nam. Đối tác công tư không chỉ trong phát triển cơ sở hạ tầng và các dự án kinh tế xã hội trong lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục… mà trong cả lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp cốt lõi có liên quan đến tính tự chủ, tự cường và an ninh quốc gia của đất nước.

“Việt Nam cần triển khai những chương trình như vậy, Chính phủ đang trình Quốc hội Luật Phát triển Công nghiệp, cần tích hợp với điều này. Nếu các doanh nghiệp tư nhân lớn của chúng ta có được sự chung tay của Nhà nước, chúng ta sẽ làm được nhiều việc”, TS. Lộc khẳng định.

Tuy nhiên, thực hiện đối tác công tư của Việt Nam đang có nhiều vấn đề. Sự bình đẳng, tôn trọng hợp đồng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ cần phải trở thành hành động.

Thế giới rủi ro, những vấn đề kinh tế chính trị đan xen phức tạp như thế này cùng với việc tiếp tục thúc đẩy thị trường thì vai trò của các Chính phủ cũng tăng lên nên đối tác công tư là vấn đề quan trọng. TS dự báo rằng với xu thế này, khu vực đối tác công tư sẽ là một khu vực kinh tế có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.

Về năng suất lao động, TS. Lộc nhận thấy sự cần thiết phải có một chương trình quốc gia về nâng cao năng suất gắn với chương trình về quốc gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cấp các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp, 5,2 triệu hộ kinh doanh – hơn 6 triệu chủ thể kinh doanh, nhưng chất lượng đang có vấn đề, do đó, kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực này nên được quan tâm.

Về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, TS nhấn mạnh các dự án trong những lĩnh vực này là những dự án có quy mô lớn, có tiềm năng thu hút đầu tư tư nhân, FDI và đối tác công tư. Nhưng điều quan trọng hơn là chính việc phát triển các dự án này sẽ mở đường cho dòng vốn đầu tư minh bạch, xanh, thân thiện với môi trường là đặc trưng cho dòng vốn đầu tư và thương mại quốc tế trong thời đại mới.

Đặc biệt, để có khu vực doanh nghiệp mạnh, khu vực tư nhân mạnh, việc tiếp tục đột phá trong cải cách thể chế là quan trọng. 70% các dự án bất động sản gặp khó khăn về pháp lý là một dấu hiệu cho thấy môi trường thể chế và về thực thi thể chế đang có vấn đề cần được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Doanh nghiệp đang cảm thấy bất an khi môi trường kinh doanh, môi trường phát triển ẩn nhiều rủi ro. Thể chế sẽ mở đường cho kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng và những mô hình kinh doanh mới.

"Thế giới sẽ còn phải trải qua những tháng năm với nhiều biến đổi khó lường, nền kinh tế thế giới sẽ như con tàu trên đại dương không có hải trình định sẵn. Bởi vậy, nâng cao năng lực nội sinh và khả năng chống chịu sẽ là năng lực cạnh tranh cốt lõi của mỗi nền kinh tế trong thời bão tố này", Chủ tịch VIAC nhận định.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục