
Trong "Investor Day: Chiến lược đầu tư với sách mới" do Dragon Capital Việt Nam tổ chức chiều ngày 3/4, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital đánh giá, chính sách thuế của Mỹ công bố cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng của nhà đầu tư, trong đó Việt Nam ở mức 46%, áp dụng hầu hết các mặt hàng, ngoại trừ một số sản phẩm được quy định cụ thể.
![]() |
Việc Mỹ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu sẽ đẩy giá cả trong nước tăng cao, khiến nhu cầu tiêu dùng suy giảm, kéo theo tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ giảm khoảng 246,35 tỷ USD. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 142 tỷ USD. Khi nhu cầu suy giảm, ước tính giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có thể giảm khoảng 13,4 tỷ USD, ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt hàng chủ lực.
Mặt khác, mức thuế 46% tạm thời sẽ khiến chi phí xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng cao hơn một số quốc gia khác, dẫn đến các nhà sản xuất có thể dịch chuyển từ Việt Nam sang các nước khác có mức ưu đãi thuế tốt hơn, tác động này có thể ở mức 24,1 tỷ USD.
“Như vậy, tổng tác động từ mức thuế 46% đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam là khoảng 37,5 tỷ USD, tương đương mức 9% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam”, bà Đặng Nguyệt Minh tính toán và cho biết thêm, mức thuế 46% cũng sẽ tác động tới 1,5 - 2% GDP, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ là luôn đưa ra mức thuế cao để bắt các nước phải ngồi vào bàn đàm phán, nên kỳ vọng mức 46% là mức cao nhất Việt Nam có thể phải chịu. Đồng thời, Việt Nam cũng có nhiều biện pháp, chính sách để đàm phán với chính quyền Mỹ nhằm giảm thiểu tác động thuế quan.
Hiện nay, Chính phủ đang rất tích cực giảm thiểu tác động thuế quan bằng các giao dịch kinh tế.
Thứ nhất là ký kết các thoả thuận kinh tế, tập trung vào các ngành Mỹ có lợi thế cạnh tranh như năng lượng, hàng không, nông nghiệp. Tổng giá trị các thoả thuận kinh tế, thương mại có thể lên đến 90,3 tỷ USD, bao gồm các hợp đồng đã ký kết có thể triển khai từ năm 2025 là xấp xỉ 50,15 tỷ USD và 36 triệu USD là thoả thuận đang đàm phán. Ngày 13/3 vừa rồi, hai bên cũng đã có những thoả thuận trị giá 4,15 tỷ USD.
Thứ hai, chủ động giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hoá Mỹ. Ngày 26/03/2025, Bộ Tài chính công bố cắt giảm thuế với 12 danh mục hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ như: khí LNG, ô tô, ethanol và một số sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, tăng thuế đối với một số mặt hàng từ Trung Quốc – đây là biện pháp mà chắc chắn Việt Nam sẽ phải thực hiện mạnh thời gian tới. Đó là rà soát lại các mặt hàng có khả năng trung chuyển từ Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng thuế chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc với mức 19,38 – 27,83% và áp thuế với thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc từ 15 – 37%.
Ngoài các giao dịch kinh tế, Việt Nam cũng đang áp dụng các “đòn bẩy phi thương mại” để đàm phán. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện thái độ linh hoạt với chính sách ngoại hối; cho phép Starlink hoạt động tại Việt Nam và tăng cường hợp tác với AmCham.
Một số sự kiện điển hình như việc Trump Organization ký thoả thuận với CTCP Đầu tư Hưng Yên triển khai dự án khu phức hợp đô thị, du lịch, thể thao và sân golf cao cấp. Hay NVIDIA và Qualcomm mua lại các doanh nghiệp AI tại Việt Nam.
"Rõ ràng, những cú sốc về thuế với Việt Nam là tương đối lớn, nhưng có một điều chắc chắn sẽ xảy ra, khi nền kinh tế chịu tác động từ cú sốc bên ngoài thì chính sách nội lực cần được thúc đẩy mạnh mẽ để duy trì ổn định, có thể là tăng cường đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước", bà Minh cho biết.
Về thị trường chứng khoán, bà nhận định tâm lý của nhà đầu tư đang hết sức lo lắng. Tuy nhiên, khi kinh tế nội tại vững, tác động bên ngoài chỉ mang tính nhất thời.
Thực tế, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 là 8% - tốt hơn khi so sánh với khu vực ASEAN và với các quốc gia thuộc thị trường mới nổi. Do đó, Việt Nam vẫn giữ được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong trung và dài hạn.
![]() |
Tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ. Theo bà Nguyệt, trong rổ VN-Index, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam (ngoại trừ tài chính và bất động sản) đạt khoảng 111 tỷ USD.
Trong đó, chỉ 18% từ các công ty có hoạt động xuất khẩu, và chỉ 2% doanh thu là xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ. Vậy nên, tác động trực tiếp của chính sách thuế này lên doanh thu và lợi nhuận được đánh giá là không quá đáng kể. Các ngành chịu ảnh hưởng chính bao gồm hóa chất, tiêu dùng, thực phẩm, thép và vật liệu xây dựng.
Năm 2025, nhóm phân tích cho rằng triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ được cân bằng giữa tăng trưởng toàn cầu và chính sách nội địa với mức tăng trưởng 15 – 17%. Động lực đến từ việc tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản, giúp ngân hàng tự tin giải ngân tín dụng và tiêu dùng cá nhân được cải thiện dần.