Mức thuế 46% từ Mỹ sẽ là một cú sốc lớn, nhưng vẫn còn cơ hội cho đàm phán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK VPBank (VPBankS) cho rằng, mức áp thuế đối ứng 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ là một cú sốc lớn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn cơ hội cho đàm phán. Hải Vân thực hiện.
Mức thuế 46% từ Mỹ sẽ là một cú sốc lớn, nhưng vẫn còn cơ hội cho đàm phán

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố dự kiến áp thuế đối ứng 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, cao thứ 2 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ sau Campuchia. Ông có thể đánh giá những tác động của mức thuế quan này đối với Việt Nam?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK VPBank (VPBankS)

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK VPBank (VPBankS)

Theo ước tính của Bloomberg, mức thuế mới đã đẩy thuế quan có hiệu lực trung bình lên 20,5ppt, lên gần 23%, từ mức 2,3% vào năm 2024. Việc ước tính tác động lên nền kinh tế Hoa Kỳ không hề đơn giản. Một mô hình của Fed từ năm 2018 cho thấy, mỗi lần tăng thuế suất 1 ppt sẽ làm giảm GDP 0,14% và đẩy giá PCE cốt lõi lên 0,09%. Do đó, mức tăng thuế suất 20,5 ppt do chính quyền mới ban hành cho đến nay sẽ chỉ ra mức giảm GDP là 3% và mức tăng giá là 1,7% - có khả năng diễn ra trong hai đến ba năm tới.

Với Trung Quốc, mức thuế 34% được tính là một phần trong kế hoạch có đi có lại của Trump sẽ được cộng thêm mức thuế 20% hiện hành liên quan đến buôn bán fentanyl, cũng như thuế quan đối với các mặt hàng như tấm pin mặt trời đã được áp dụng. Điều đó có nghĩa là nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc có thể phải chịu mức thuế cao hơn 50%. Mức thuế 54% đối với hàng hóa từ Trung Quốc có thể dẫn đến việc giảm 90% lượng hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ vào năm 2030, dựa trên các số liệu trước đó ước tính theo Bloomberg Economics.

Liên minh châu Âu sẽ phải chịu mức thuế 20% và Việt Nam phải chịu mức thuế 46% với khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn một phần tư GDP phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ - mức độ tác động đến GDP lớn nhất của khu vực này cho đến nay trong ASEAN-6. Tăng trưởng ở Malaysia, Thái Lan và Singapore – nơi xuất khẩu của Hoa Kỳ chiếm 8 - 12% GDP - cũng sẽ bị ảnh hưởng. Điều này xảy ra nếu thuế quan không được cắt giảm đáng kể hoặc nhanh chóng đảo ngược - có thể là do các nhượng bộ đã đàm phán.

Đánh giá sự tác động tới Việt Nam, việc Mỹ áp thuế qua lại lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, nếu có hiệu lực vào ngày 9/4/2025, sẽ tạo ra những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều khía cạnh như xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, tỷ giá, lạm phát và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ông có thể phân tích và dự báo sơ bộ về từng yếu tố chịu sự tác động dựa trên bối cảnh kinh tế hiện tại?

Về mặt xuất nhập khẩu, trước hết, mức thuế quan cao hơn sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 28-30% tổng kim ngạch xuất khẩu (136,6 tỷ USD trong năm 2024) và chiếm khoảng 26% cấu phần GDP. Với mức thuế 46%, giá hàng hóa Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng vọt, làm giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Mexico. Các ngành chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, gỗ và thủy sản sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Ước tính xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm mạnh, có thể lên đến 20-30% hoặc hơn, tùy thuộc vào khả năng chuyển hướng thị trường.

Ở chiều nhập khẩu từ Mỹ, Việt Nam có thể buộc phải tăng nhập khẩu từ Mỹ để giảm thặng dư thương mại (123,5 tỷ USD năm 2024), nhằm xoa dịu áp lực thuế quan. Tuy nhiên, điều này sẽ làm gia tăng chi phí nhập khẩu, đặc biệt với các mặt hàng công nghệ và nguyên liệu sản xuất.

Như vậy, xét về cán cân thương mại, thặng dư thương mại với Mỹ sẽ thu hẹp đáng kể, có thể khiến tổng xuất siêu của Việt Nam giảm từ mức 24,77 tỷ USD (năm 2024) xuống thấp hơn, gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ.

Ở góc độ tăng trưởng kinh tế, điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP: Xuất khẩu là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 1,5 - 2 điểm % vào GDP hàng năm. Nếu xuất khẩu sang Mỹ giảm 20-30%, tăng trưởng GDP năm 2025 có thể ảnh hưởng khá lớn. Tăng trưởng GDP năm 2025 có thể bị tác động giảm 1,78% bình quân năm trong 5 năm tới (theo dự báo của Bloomberg thì GDP Việt Nam sẽ bị kéo giảm khoảng 8,9% đến năm 2030 tức là bình quân 1,5-2% tác động một năm). Điều này phụ thuộc vào khả năng đàm phán sắp tới cũng như chính sách kích thích tiêu dùng nội địa và đầu tư công.

Xét về hiệu ứng dây chuyền, các doanh nghiệp xuất khẩu (đặc biệt là khu vực FDI) sẽ cắt giảm sản xuất, dẫn đến giảm việc làm và thu nhập, từ đó ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước

Xét về mặt tỷ giá, việc áp thuế cao ảnh hưởng như thế nào đến biến động tỷ giá cũng như lạm phát trong thời gian tới?

Áp lực lên đồng VND: Giảm xuất khẩu sang Mỹ sẽ làm giảm nguồn cung USD, trong khi nhu cầu nhập khẩu tăng có thể đẩy cầu USD lên cao. Điều này gây áp lực mất giá lên đồng VND. Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp bằng cách bán dự trữ ngoại hối (hiện khoảng 2,4 tháng nhập khẩu), tỷ giá USD/VND có thể tăng 3 - 5% trong năm 2025, từ mức 24.5635 VND/USD (ngày 2/4/2025) lên khoảng 26.000-26.200 VND/USD. Trong bối cảnh tỷ giá của các thị trường bị áp thuế đồng loạt mất giá, Đồng Nhân dân tệ nếu suy yếu để đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng làm trầm trọng thêm áp lực tỷ giá, buộc NHNN phải điều hành linh hoạt hơn để ổn định thị trường ngoại hối.

Xét về yếu tố lạm phát, mức thuế 46% làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ và các nước khác (do chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng), đẩy giá thành sản xuất lên cao. Đồng thời, VND mất giá sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào (chiếm 90% kim ngạch nhập khẩu). Lạm phát có thể tăng từ mức mục tiêu 4,5% lên 5 - 6% trong năm 2025, nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ trọng lớn trong CPI) có thể tăng do ảnh hưởng từ chi phí vận tải và sản xuất leo thang. Chính phủ sẽ cần cân nhắc các chính sách hỗ trợ để kiềm chế lạm phát.

Đối với khối doanh nghiệp Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể chịu rủi ro ngắn hạn. Cụ thể, mức thuế cao có thể khiến các doanh nghiệp FDI (đặc biệt từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc) xem xét lại chiến lược đầu tư tại Việt Nam, vì thị trường Mỹ trở nên khó tiếp cận hơn. Một số công ty có thể chuyển dịch sản xuất sang các nước ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan, như Indonesia hoặc Ấn Độ, dẫn đến FDI đăng ký và giải ngân giảm trong ngắn hạn (từ mức 25,35 tỷ USD giải ngân năm 2024). Tuy nhiên, nếu Việt Nam tận dụng được làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc (vốn cũng chịu thuế cao từ Mỹ), FDI có thể phục hồi. Các ngành như bất động sản khu công nghiệp, logistics và sản xuất nội địa có thể hưởng lợi nếu chính phủ đưa ra chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn.

Dựa trên những phân tích trên, có thể hình dung những kịch bản kinh tế như thế nào để có cách ứng phó, theo ông?

Đối với kịch bản xấu, nếu không có biện pháp đối phó hiệu quả, xuất khẩu giảm mạnh, GDP tăng trưởng dưới 6%, tỷ giá tăng vượt 26.000 VND/USD, lạm phát vượt 5%, và FDI chững lại. Doanh nghiệp xuất khẩu suy giảm, tiêu dùng nội địa co cụm.

Ở kịch bản khả quan, nếu Việt Nam đàm phán thành công để giảm mức thuế hoặc được miễn trừ với một số mặt hàng, đồng thời đẩy mạnh thị trường thay thế (EU, Nhật Bản, ASEAN), tăng đầu tư công (875 nghìn tỷ đồng kế hoạch 2025) và kích thích tiêu dùng nội địa, tăng trưởng GDP có thể duy trì ở mức 6,5-7%, lạm phát dưới 5%, và FDI ổn định.

Như vậy, ở đây chúng ta có thể đàm phán với Mỹ để giảm thuế hoặc áp dụng ngoại lệ cho các mặt hàng chiến lược, đồng thời tăng nhập khẩu từ Mỹ để cân bằng thương mại. Đa dạng hóa thị trường: Đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP.

Đối với chính sách nội địa, tăng giải ngân đầu tư công, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất phục vụ thị trường trong nước, và kiểm soát cung tiền để ổn định tỷ giá, lạm phát.

Tóm lại, mức thuế 46% từ Mỹ sẽ là một cú sốc lớn, nhưng tác động cụ thể phụ thuộc vào phản ứng chính sách của Việt Nam. Nếu chủ động và linh hoạt, Việt Nam có thể giảm thiểu thiệt hại và tìm cơ hội trong thách thức.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục