
Dệt may, gỗ, thủy sản... nhóm ngành dễ bị tổn thương
Ngày 2/4 (giờ Mỹ) tức rạng sáng ngày 3/4 giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách những quốc gia bị áp thuế đối ứng. Việt Nam nằm trong top những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất lên tới 46%.
Ông Trump cũng cho biết sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4. Tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10%. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao như công bố. Việc áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ gây khó khăn lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hơn 180 nền kinh tế, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm chịu mức thuế cao nhất với 46%. |
Những nhóm ngành chịu ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ. Các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ.
Trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, May Sông Hồng (MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ, Đầu tư Thương mại TNG (TNG) là 46%, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) là 35%, CTCP Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (TCM) là 25%, Savimex (SAV) - một nhà sản xuất đồ gỗ lớn - là 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.
Hành động của doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt Nam phản ứng ra sao với thông tin này? Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công (mã chứng khoán TCM) cho biết: “Tôi rất bất ngờ với tỷ lệ 46%, không nghĩ rằng Mỹ sẽ áp thuế cao đến vậy. Trong hình dung, chúng tôi dự đoán tỷ lệ áp thuế có thể lên 5 - 7%, cùng lắm cao nhất 25%, nên khi Mỹ công bố chính thức, thực sự không chỉ riêng TCM mà các doanh nghiệp dệt may đều đang rất sốc”.
![]() |
Doanh nghiệp Dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang bất ngờ và lo lắng về chính sách thuế Mỹ áp với hàng hóa Việt Nam |
“Các nền kinh tế phía Nam Trung Quốc đều bị áp thuế cao như Việt Nam 46%, Lào 48%, Campuchia 49%... nhìn vào tỷ lệ này có thể thấy phía Mỹ đang muốn chặn đường xuất xứ hàng hóa Trung Quốc qua một nước khác trước khi xuất sang Mỹ”, Chủ tịch TCM phân tích.
Bên cạnh đó, đại diện TNG chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, doanh nghiệp vẫn còn chưa hết bất ngờ về chính sách thuế lần này của Mỹ.
“Chúng tôi dự đoán tỷ lệ áp thuế có thể lên đến 5 - 10% nhưng không ngờ Mỹ công bố tỷ lệ 46% với hàng hóa Việt Nam vào Mỹ. Đây là tỷ lệ chung, còn riêng đối với dệt may thì chưa cụ thể nên cũng cần chờ thêm thông tin. Tuy nhiên, các nước đối thủ cạnh tranh của dệt may Việt Nam là Bangladesh, Campuchia… cũng chịu mức thuế áp cao nên rủi ro là như nhau”, đại diện TNG cho hay.
TNG hiện có tỷ lệ xuất khẩu vào Mỹ hơn 40% cơ cấu doanh thu. Công ty cho biết đang tìm kiếm giải pháp thích ứng với chính sách thuế mới của Mỹ, đồng thời tìm kiếm khách hàng mới.
“Chúng tôi sẽ tập trung vào thị trường EU, Nga. Sang tuần tới, chúng tôi sẽ có đoàn đi Nga xúc tiến thương mại với hy vọng sẽ có thêm khách hàng mới. Hiện tỷ lệ xuất khẩu vào Nga của TNG chiếm 9 - 10%, chúng tôi muốn nâng tỷ lệ này lên”, đại diện TNG cho biết.
Dệt may, gỗ, thủy sản… là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ cao nhất. Tổng giám đốc một doanh nghiệp ngành gỗ tại Bình Dương chia sẻ, ông bị “sốc và choáng váng từ 3h sáng nay (ngày 3/4), điện thoại đổ chuông liên tục, các cuộc điện đàm trao đổi xung quanh chủ đề nóng về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang Mỹ đối mặt với nguy cơ áp thuế cao. Với tỷ lệ áp thuế hàng hóa vào Mỹ là 46%, các nhà nhập khẩu của Mỹ sẽ tìm kiếm nguồn hàng khác thay thế hơn là mua từ Việt Nam bởi với thuế cao họ sẽ khó bán được tại Mỹ.
Doanh nghiệp này có tỷ lệ xuất khẩu vào Mỹ lên đến 70%. Nếu hàng xuất vào Mỹ gặp khó, doanh nghiệp này sẽ tính đến việc thu hẹp sản xuất vì dư thừa công suất. Việc tìm kiếm thị trường mới diễn ra cũng khó khăn, một số thị trường hiện chỉ nhập gỗ dăm, viên nén tức bán tài nguyên, nguyên liệu không phải nhập sản phẩm thành phẩm như Mỹ.
“Khó khăn thực sự. Chúng tôi chưa biết phải làm thế, trước tiên sẽ đàm phán với các nhà nhập khẩu phía Mỹ rồi tính tiếp”, vị tổng giám đốc doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương chia sẻ.
Hiện thông tin còn quá mới và các doanh nghiệp vẫn trông chờ vào việc đàm phán của Chính phủ Việt Nam với Mỹ với hy vọng chính sách có thể điều chỉnh nới lỏng hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ không ngồi yên chờ đợi, họ sẽ có những hành động.
“Chúng tôi cũng chủ động tìm kiếm khách hàng mới để bù lấp khoảng trống đơn hàng từ Mỹ. Thị trường các nước trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) là nơi TCM hướng đến. Cùng với đó, TCM sẽ đẩy mạnh tại thị trường EU, đáp ứng tốt chính sách về phát triển xanh ”, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch TCM cho biết.