"Cú sốc tiêu cực" từ mức thuế của Mỹ với thị trường Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, Việt Nam không có nhiều dư địa để giảm thiểu “cú sốc tiêu cực” từ mức thuế này thông qua chính sách tiền tệ và tỷ giá.

"Cú sốc tiêu cực" từ mức thuế của Mỹ với thị trường Việt Nam

Bloomberg vừa đăng tải bài viết phỏng vấn chuyên gia về những nhận định ban đầu liên quan tới việc Việt Nam đối mặt với mức thuế 46% từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Theo đó, Việt Nam đã triển khai chiến dịch “thuyết phục” chính quyền của Tổng thống Trump bằng cách cắt giảm thuế nhập khẩu với một số hàng hóa Mỹ và cam kết mua thêm các sản phẩm lớn của Mỹ. Tuy nhiên, những động thái này đã không thể ngăn chặn một trong những mức thuế cao nhất do Nhà Trắng công bố.

Cụ thể, Việt Nam đang phải đối mặt với mức thuế 46%, một trong những mức thuế “có đi có lại” cao nhất nhắm vào các quốc gia mà chính quyền Trump coi là “vi phạm” lớn nhất với thương mại Mỹ, dựa trên thống kê của chính phủ về các loại thuế và rào cản phi thuế quan áp đặt lên hàng hóa Mỹ.

“Đây là một cú sốc lớn đối với Việt Nam,” Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis ở Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết. Điều này không chỉ gây tổn hại đến nền kinh tế Việt Nam mà còn đe dọa dòng vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai, vị chuyên gia này nói thêm.

Chỉ số VN-Index của Việt Nam giảm tới 5,4% vào lúc 10:07 sáng theo giờ địa phương, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2022. Theo đó, diễn biến này có khả năng xóa sạch toàn bộ mức tăng từ đầu năm đến nay.

“Nếu các mức thuế này vẫn được duy trì, chúng ta có thể thấy các dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam bị hạ thấp,” Ruchir Desai, nhà quản lý quỹ tại Asia Frontier Capital ở Hồng Kông (Trung Quốc) nhận định.

Giống như các chính phủ trong khu vực, Việt Nam đã tìm cách thu hút vốn từ các tập đoàn đa quốc gia khi quốc gia này nổi lên như một lựa chọn thay thế khả thi cho Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, từ thiết bị công nghệ đến chất bán dẫn cơ bản.

Chẳng hạn, Tập đoàn Intel hiện đang vận hành một cơ sở lắp ráp và kiểm định chip tại TP.HCM và Việt Nam cũng đã thu hút các nhà cung cấp của Apple Inc. cũng như Samsung Electronics Co.

Theo Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ, đại diện cho hơn 1.000 thương hiệu, Việt Nam trong nhiều năm qua đã là nhà cung cấp quần áo và giày dép lớn thứ hai cho thị trường Mỹ.

Nhiều công ty dệt may Việt Nam, vốn phụ thuộc vào thị trường Mỹ cho phần lớn doanh thu xuất khẩu, đang đứng trước “nguy cơ cao” bị buộc phải đóng cửa, đẩy hàng nghìn lao động Việt Nam vào cảnh thất nghiệp, theo bà Dương Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam tại TP.HCM.

“Thật quá sốc. Sáng nay khi mở mắt ra, tôi hoàn toàn sững sờ. Mức thuế 46% này vượt xa mọi dự đoán của chúng tôi. Nó sẽ đẩy giá hàng hóa Việt Nam tại Mỹ lên cao. Liệu người tiêu dùng Mỹ có còn mua chúng không?,” bà Dung nói.

Việt Nam đã có nhiều động thái nhằm thuyết phục Mỹ rằng nước này nghiêm túc trong việc giảm thặng dư thương mại, vốn đã đạt 123,5 tỷ USD vào năm ngoái – mức chênh lệch cao thứ ba với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

Thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm qua

Thặng dư thương mại giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm qua

Vào ngày 31/3/2025, Việt Nam đã cắt giảm thuế quan đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm, khí tự nhiên hóa lỏng và ô tô đến các sản phẩm nông nghiệp khác nhau, trong nỗ lực giảm căng thẳng thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế cấp cao Trinh Nguyễn, mua thêm hàng hóa đắt đỏ từ Mỹ là một thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Trong ngắn hạn, Việt Nam không có nhiều dư địa để giảm thiểu “cú sốc tiêu cực” từ mức thuế này thông qua chính sách tiền tệ và tỷ giá.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm thứ Tư rằng, ông sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu tối thiểu 10% đối với tất cả các nước xuất khẩu vào Mỹ và áp thêm thuế đối với khoảng 60 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trump cho biết sẽ cân nhắc giảm thuế nếu các quốc gia khác gỡ bỏ rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Việt Nam dự kiến cử một phái đoàn khác đến Mỹ vào cuối tuần này, do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu, cùng với các lãnh đạo doanh nghiệp từ Vietnam Airlines, Vietjet Aviation và VinaCapital Group để đàm phán tại New York.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục