Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Nội lực là động lực bền vững
"Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn nằm ở nội tại, ở kinh tế tư nhân, còn cán cân thương mại là yếu tố cân bằng vĩ mô, không phải động lực tăng trưởng", ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối đầu tư Dragon Capital chia sẻ trong Investor Day 2025 do Dragon Capital tổ chức.
Nhìn lại 2011 - 2012, ông Tuấn dẫn chứng, giai đoạn này xuất khẩu khởi sắc, tăng trưởng mạnh 35 - 40%. Tuy nhiên, nội tại lại có vấn đề, doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp phá sản, nên tăng trưởng chậm (chỉ 5 - 5,9%).
Số liệu đáng lưu ý khác, tổng số lao động hiện nay khoảng 55 - 58 triệu, trong đó có 4,5 triệu lao động trong khối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tương ứng chưa đến 8% lực lượng lao động cả nước. Chưa kể trong số 4,5 triệu lao động thì có khoảng 2,8 triệu lao động trong lĩnh vực dệt may.
"Các con số này càng chứng minh, chỉ khối FDI không thể là động lực tăng trưởng kinh tế được", ông Tuấn khẳng định và nhấn mạnh, trong giai đoạn 5 - 10 năm tới, động lực quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam là tăng trưởng nội tại, sức mạnh nội tại.
Theo ông Tuấn, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số, vượt ra khỏi mức 6 - 7% trong nhiều năm - thì đây không chỉ là con số, mà còn thể hiện một tầm nhìn dài hạn và táo bạo cho kỷ nguyên vươn mình.
“Hệ thống chính trị tinh gọn, đồng thuận và có tính nhất quán cao là nền tảng quan trọng cho sự chuyển đổi đó”, ông Tuấn nói.
3 dịch chuyển giúp Việt Nam bứt tốc
"Tôi mơ đến một ngày, tôi có thể chỉ mất vài tiếng đồng hồ để di chuyển từ Nha Trang, Phan Thiết vào TP.HCM đi làm, đi chơi", ông Tuấn mở màn khi nói về kế hoạch phát triển đường sắt cao tốc của Việt Nam.
Tuyến metro số 1 của TP.HCM mất 12 năm để hoàn thành, nhưng theo ông Tuấn, tuyến Cần Giờ có chiều dài gấp đôi, có thể được hoàn thành trong 3 năm bởi khối tư nhân. Đây chính là dịch chuyển quan trọng đầu tiên của Việt Nam - Dịch chuyển cơ sở hạ tầng.
“Nhiều người bạn từng hỏi tôi, động lực tăng trưởng kinh tế, thế mạnh của Việt Nam là gì, sản xuất được gì? Tôi nhận thấy, có sự tăng trưởng tập trung và đột phá công nghệ thông tin, giờ có thể chưa thấy nhưng tương lai sẽ rõ hơn”, ông Tuấn chia sẻ về dịch chuyển thứ hai.
Dịch chuyển thứ ba, theo chuyên gia Dragon, chính là thị trường vốn. Việt Nam định hướng trở thành trung tâm tài chính mới trong khu vực, dù mới đang là ý tưởng, nhưng sẽ từng bước hiện thực hoá, qua đó sẽ hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng và mũi nhọn công nghệ.
“Kỳ vọng trong 5 - 7 năm tới, với sự hỗ trợ bởi điều khác biệt là hệ thống chính trị tinh gọn, đồng bộ và nhất quán, điều này sẽ thành sự thật”, theo chuyên gia Dragon Capital.
Phân tích kỹ hơn về dịch chuyển hạ tầng, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Dragon Capital cho rằng, Việt Nam đang tiến tới hạ tầng hiện đại, đồng bộ và chuẩn quốc tế.
Nếu nhìn kế hoạch trong giai đoạn 2030 - 2040, Việt Nam sẽ có cơ cấu hạ tầng toàn diện: Đường cao tốc, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị metro, sân bay quốc tế, cảng nước sâu… Trong đó, đường cao tốc là 5.000 km; đường sắt cao tốc 1.541 km (nếu hoàn thành, Việt Nam sẽ trở thành đất nước top 3 trong khu vực có đường sắt cao tốc dài nhất, vượt qua Hàn Quốc - có chiều dài 1.000 km). Ngoài ra, kế hoạch xây dựng cảng hàng không tầm cỡ châu lục với công suất 175 triệu hành khách/năm, bên cạnh các cảng nước sâu khác đang xây dựng...
|
Nguồn: Dragon Capital |
Theo đánh giá của chuyên gia Dragon Capital, đường sắt cao tốc là dấu ấn của quốc gia hiện đại. Hiệu ứng kinh tế dự kiến từ đường sắt cao tốc là rất lớn, nếu tham chiếu theo kinh tế Trung Quốc.
Ông Tuấn cho biết, theo một nghiên cứu năm 2018, đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải hoàn tất năm 2011, đã đóng góp 900 tỷ USD cho GDP Trung Quốc kể từ khi hoạt động; tăng 22% giá trị du lịch cho 2 thành phố có kết nối bằng đường sắt cao tốc; và giá trị bất động sản tăng 3 - 13% trong phạm vi 1 km từ nhà ga. EIRR - tỷ suất hoàn vốn nội tại là 8% - là một trong những dự án có giá trị kinh tế tốt nhất Trung Quốc.
|
Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Dragon Capital |
Nếu Việt Nam thực hiện dự án đường sắt cao tốc thì kinh tế Việt Nam có thể dịch chuyển theo mức “không thể tưởng tượng được”. Chỉ trong giai đoạn xây dựng (ước tính năm 2026 - 2027) sẽ góp +1% tăng trưởng GDP, mang đến 200.000 việc làm, hơn 33 tỷ USD cho ngành xây dựng, chuyên gia Dragon Capital đánh giá.
Hệ thống đường sắt cao tốc có thể thay đổi toàn bộ cấu trúc vành đai đô thị: Hình thành các cụm kinh tế, khu công nghiệp với thời gian di chuyển xung quanh 1 tiếng, phát triển du lịch nội địa. Ngoài ra, giúp giảm chi phí logistics. Hiện chi phí logistics của Việt Nam đang rất cao, chiếm 18% GDP mỗi năm. Trong khi đó, chi phí logistics tại Trung Quốc có xu hướng giảm đáng kể từ khi triển khai và mở rộng đường sắt cao tốc và ổn định lại khi ngừng mở rộng.
Tổng kết lại, chuyên gia Dragon cho rằng, tầm nhìn 2030-2040 Việt Nam sẽ có cơ cấu hạ tầng toàn diện, đứng đầu khu vực, trong đó đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ là dấu ấn và tạo giá trị kinh tế trực diện ngay trong giai đoạn xây dựng, khi hoàn thành sẽ tạo vành đai, cơ cấu đô thị mới và đồng thời giảm chi phí logistics. Đây cũng là các động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho giai đoạn sau.