Kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội bứt tốc

0:00 / 0:00
0:00
Theo PGS-TS. Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội bứt tốc để đạt mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
PGS-TS. Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính PGS-TS. Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính

Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đang được các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn tất. Bối cảnh xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng lần này có điểm gì nổi bật, thưa ông?

Về kinh tế, các chuyên gia đều có chung nhận định, từ nay đến cuối năm, kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Đặc biệt, chính sách thuế quan của Mỹ là vấn đề mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, rất quan tâm. Dù ở mức nào, thì chính sách này cũng ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.

Bất ổn chính trị, xung đột giữa các quốc gia trong những năm gần đây không những không thuyên giảm, mà ngày càng có xu hướng lan rộng..., nhất là ở khu vực Trung Đông - nơi sản xuất lượng lớn dầu mỏ của thế giới và xung đột giữa 2 quốc gia trong lòng ASEAN - khu vực vốn được coi là yên ổn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của những quốc gia, khu vực liên quan, mà ảnh hưởng đến toàn thế giới, nhất là nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta.

Thiên tai, lũ lụt, hạn hán… diễn ra khắp nơi trên thế giới với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn sẽ tác động ngay tới những mặt hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm, rau củ quả…, kéo theo “bóng ma lạm phát” treo lơ lửng đối với kinh tế thế giới.

Bất ổn chính trị, xung đột vũ trang, hạn hán, bão lũ, thiên tai... là những yếu tố khách quan. Theo ông, về mặt chủ quan, chúng ta có những thuận lợi gì khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới?

Yếu tố khách quan vẫn luôn được nêu ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để thấy trước những khó khăn, từ đó tìm cách khắc phục, hạn chế. Về mặt chủ quan, tôi cho rằng, khi bắt tay xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội bứt tốc.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết quan trọng, được coi là “bộ tứ trụ cột”, “bộ tứ chiến lược” đối với sự phát triển của đất nước. Đó là Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Triển khai 4 nghị quyết này, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các nghị quyết, chương trình hành động. Đây là các văn bản đặc biệt quan trọng về đổi mới, cải cách, là nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới.

Ngoài ra, tôi được biết, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, là cơ sở để nghiên cứu, đề xuất xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới không chỉ có “bộ tứ chiến lược”.

Và không thể không nhắc đến công cuộc “sắp xếp lại giang sơn”, thưa ông?

Đúng vậy! Cuộc đại cách mạng về sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính và vận hành chính quyền hai cấp mở ra không gian phát triển mới, thay đổi cách quản trị nhà nước, gần dân hơn, sát dân hơn. Cùng với đó, việc bỏ cấp trung gian (cấp huyện) đã bỏ được rất nhiều thủ tục hành chính, giấy tờ, chi phí thời gian và công sức cho người dân, doanh nghiệp.

Công cuộc “sắp xếp lại giang sơn” mở ra cơ hội lớn cho đất nước khi thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, để đưa nước ta trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030.

Điểm thuận lợi nữa mà tôi muốn nhắc tới là đến nay, Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 13 quốc gia. Trong lịch sử quan hệ ngoại giao quốc tế, hiếm có quốc gia nào có thể làm điều tương tự.

Ngoài ra, việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được Hiệp định Thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng sẽ hóa giải nỗi lo của doanh nghiệp về thuế đối ứng.

Theo ông, hiệp định này ảnh hưởng thế nào đến việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới?

Hiệp định Thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là sự kế thừa và nâng lên tầm cao mới của Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết năm 2000. Hiệp định này không chỉ tạo nền tảng pháp lý quan trọng để giải quyết vướng mắc liên quan đến thuế đối ứng, mà còn mở ra một chương mới với nhiều đột phá, cột mốc mới, động lực mới và kỳ vọng mới trong phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng bậc nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường Hoa Kỳ đang dần trở thành nguồn cung ứng máy móc, thiết bị, khoa học - công nghệ, năng lượng..., tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Vì thế, tôi đánh giá, việc hai bên ký kết Hiệp định Thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng là một trong những cơ hội rất lớn để Việt Nam bắt tay thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm ở mức 2 con số.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục