
Áp lực nửa cuối năm
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chính thức được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) chốt ở con số 7,52%. Đây là mức tăng trưởng khá cao, tiệm cận kịch bản kinh tế đã đề ra. Tuy vậy, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ và Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vẫn nhấn mạnh việc tăng trưởng GDP 6 tháng không đạt mục tiêu đề ra và vì vậy, tạo áp lực cho những tháng cuối năm.
Hôm Cục Thống kê công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục thống kê cho biết, từ số liệu của 6 tháng, dự báo các dư địa cho tăng trưởng nửa cuối năm, kịch bản kinh tế đã được cập nhật. Theo đó, để cả năm tăng trưởng 8%, thì 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 8,42%. Trong đó, quý III tăng trưởng 8,33%, còn quý IV phải tăng trưởng 8,51% - đều là những mức tăng trưởng cao.
Nhìn lại bức tranh tăng trưởng nửa đầu năm, có thể thấy, cả 3 khu vực kinh tế đều có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh “bệ đỡ” nông, lâm nghiệp, thủy sản (tăng trưởng 3,89%), thì cả khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp và xây dựng đều có tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,97%, đóng góp 43,63%; khu vực dịch vụ tăng 8,46%, đóng góp 51,18% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Như vậy, tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các động lực tăng trưởng truyền thống. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò dẫn dắt. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã nói rằng, các động lực tăng trưởng mới như khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, trung tâm tài chính, khu thương mại tự do… đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian tạo chuyển biến và đạt kết quả…
Câu hỏi đặt ra là, để thúc đẩy tăng trưởng 8,4-8,5% trong 6 tháng cuối năm, phải trông vào động lực tăng trưởng nào?
VinaCapital, trong báo cáo mới đây, một lần nữa nhấn mạnh rằng, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố nội tại, như tăng chi đầu tư công cho hạ tầng, sự phục hồi của thị trường bất động sản, cùng với các sáng kiến và cải cách hành chính quan trọng…
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, đầu tư công sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm. Tương tự, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% sẽ tạo dư địa lớn cho tăng trưởng kinh tế.
“Tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Các khoản hỗ trợ theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP cũng sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, tích lũy tài sản, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bà Nguyễn Thị Hương nói.
“Tăng tốc” để thúc tăng trưởng
Nếu căng thẳng thương mại toàn cầu dịu đi, thì triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể.
- Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)
Cùng với thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, mà thời gian gần đây, luôn được Chính phủ khẳng định, thì một điều chắc chắn, để tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt trên 8% như mục tiêu đề ra, vẫn phải dựa nhiều vào các động lực tăng trưởng truyền thống, bao gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Phát biểu kết luận tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2025 và Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tới “3 tăng tốc” để thúc tăng trưởng. Đó là tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng 11-12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng; tăng tốc, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước ngày 31/12/2025; tăng tốc, dồn lực để hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước ngày 27/7 và trên phạm vi toàn quốc trước ngày 31/8/2025, hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội trước ngày 31/12/2025.
Trong 6 tháng đầu năm, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng 10,5% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,8%. Nghĩa là, vẫn còn một khoảng cách nhất định so với con số 11-12% mà Thủ tướng Chính phủ đã đề cập, do vậy cần tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy.
Trong khi đó, với giải ngân vốn đầu tư công, nhiệm vụ khá nặng nề, khi Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải giải ngân 100% vốn đầu tư công “trước ngày 31/12/2025”. Thông thường, giải ngân đầu tư công của cả năm sẽ được chốt vào cuối tháng 1 của năm sau, thời điểm niên hạn ngân sách kết thúc. Nhưng nay, mục tiêu giải ngân được đẩy lên sớm 1 tháng.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, 6 tháng, giải ngân vốn đầu tư công trên 268.133 tỷ đồng, đạt 32,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm ngoái cả về tỷ lệ (cùng kỳ năm ngoái đạt 28,2%) và số tuyệt đối (cao hơn khoảng 80.000 tỷ đồng - PV).
Tỷ lệ giải ngân này tuy rất tích cực, nhưng để 6 tháng còn lại phải giải ngân hết 560.000 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2025 là một thách thức không nhỏ. Trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Tài chính một lần nữa chỉ ra hàng loạt nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm cả các yếu tố liên quan đến công tác chuẩn bị dự án, bồi thường giải phóng mặt bằng, khó khăn về nguồn cung vật liệu, rồi cả những ảnh hưởng của việc sắp xếp các đơn vị hành chính…
“Có thể thấy, quy trình đầu tư công gồm nhiều giai đoạn, chỉ vướng một khâu sẽ tác động dây chuyền. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện”, Bộ Tài chính nhận định.
Ba tăng tốc mà Thủ tướng nhắc đến sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng còn phụ thuộc vào những tác động của thị trường toàn cầu, trong đó có các vấn đề liên quan đến xung đột địa chính trị và chính sách thuế quan của Mỹ.
Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sau khi tới Việt Nam vào cuối tháng 6 vừa qua để thực hiện việc tham vấn thường niên theo Điều IV, đã nhấn mạnh, triển vọng kinh tế Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào kết quả đàm phán thương mại và sự bất định đang tăng cao trên toàn cầu về chính sách thương mại.
Khi đó, với giả định mức thuế quan cao sẽ có hiệu lực từ quý III, IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại, chỉ đạt khoảng 5,4% trong năm nay. Tình hình hiện giờ đã khác so với thời điểm cuối tháng 6, do Việt Nam và Mỹ đã đạt được những thỏa thuận tích cực về thuế quan. Và điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề như IMF lo ngại.
“Tuyên bố ban đầu này là một bước tiến tích cực cho cả hai quốc gia. Mức thuế 20% là thấp hơn so với mức 46% từng được công bố hồi tháng 4, qua đó giúp giảm bớt phần nào những bất định bao trùm thị trường trong thời gian qua”, các chuyên gia của VinaCapital cũng đưa ra nhận định như vậy.
Tuy tuyên bố ban đầu là tích cực, nhưng vẫn phải đợi con số cuối cùng, sẽ được phía Mỹ công bố và áp dụng từ đầu tháng 8/2025, theo như kế hoạch hiện tại. Trong thời gian này, theo VinaCapital, các chính sách và hành động mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai và dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm nay, cũng như những năm tới sẽ “đóng vai trò then chốt” trong việc thúc đẩy tăng trưởng và đạt được các mục tiêu đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm, đã chỉ ra rằng, phải tập trung thực hiện chủ động, linh hoạt các giải pháp thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Mỹ, coi đây là cơ hội tái cơ cấu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…