Nợ chồng nợ
20 tỷ euro là số tiền Hy Lạp phải trả lại cho IMF trong vòng 9 năm sau khi đã nhận được các gói cứu trợ từ thể chế tài chính quốc tế này. Theo kế hoạch, Athens sẽ phải thực hiện bốn nghĩa vụ trả nợ cho IMF (có tổng trị giá khoảng 1,6 tỷ USD) trong tháng 6, bắt đầu với 308 triệu euro vào ngày 5/6, 347 triệu euro ngày 12/6, 578 triệu euro ngày 16/6 và 347 triệu euro vào ngày 19/6.
Hy Lạp “suýt” rơi vào tình trạng vỡ nợ hồi đầu tháng 5 này, khi chỉ có thể trả khoản nợ đáo hạn 750 triệu euro (845 triệu USD) cho IMF nhờ huy động các nguồn tài chính khẩn cấp trong nước.
Về phần mình, người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp Gabriel Sakellaridis tuyên bố, Athens dù phải đối mặt với những vấn đề gay gắt về thanh khoản nhưng vẫn sẽ giữ lời hứa thanh toán tất cả các nghĩa vụ tài chính “chừng nào còn có thể”.
Ông Sakellaridis cho biết, Chính phủ Hy Lạp đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận với các chủ nợ trước cuối tháng này hoặc đầu tháng 6.
Tuy nhiên, Hy Lạp đã mất khả năng tiếp cận các thị trường trái phiếu và phải phụ thuộc vào các gói cho vay cứu trợ từ các chủ nợ quốc tế (bao gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF). Bản thân chính phủ theo đường lối “chống thắt lưng buộc bụng” của Thủ tướng Alexis Tsipras vẫn đang bế tắc trong các đàm phán với các chủ nợ này về điều khoản cải cách trong nước, để có thể nhận nốt số tiền cứu trợ 7,2 tỷ euro còn lại trong gói giải cứu khẩn cấp.
Trong khi đó, một nguồn tin có liên quan tới khả năng thanh khoản của Hy Lạp cho biết, Athens vẫn đủ tiền mặt để thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ, ít nhất vào ngày 5/6 tới. Mặc dù vậy, tình hình tài chính của Hy Lạp thực sự đang gặp vấn đề nghiêm trọng và “sự cố” có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chẳng hạn, nếu thu ngân sách từ thuế thấp hơn dự đoán, Chính phủ Hy Lạp chắc chắn không thể xoay đủ tiền để trả nợ.
Khi đó chuyện gì sẽ xảy ra? Trong lĩnh vực ngân hàng, khi không thể tiếp cận các thị trường vốn, hệ thống ngân hàng thương mại Hy Lạp phải phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) trị giá 80 tỷ euro của ECB. Nếu nhận thấy các ngân hàng Hy Lạp không đủ tiền trả nợ hoặc không có đủ thế chấp phù hợp, ECB có thể hạn chế hoặc cắt hoàn toàn ELA.
Đáng chú ý, để vay được tiền từ ELA, các ngân hàng Hy Lạp dựa vào trái phiếu được bảo lãnh của Chính phủ. Vì vậy, một khi không thể trả nợ IMF, các thống đốc ngân hàng trong Khu vực đồng euro (Eurozone) có thể kết luận rằng, sự bảo lãnh của Chính phủ Hy Lạp là không còn hợp pháp để cho phép ngân hàng Hy Lạp rút tiền mặt khẩn cấp.
Một khi bị cắt ELA và trong trường hợp xấu nhất xảy ra là Hy Lạp không đạt thỏa thuận với các chủ nợ, hệ thống ngân hàng Hy Lạp sẽ đổ vỡ, người gửi tiền chịu thiệt hại và Hy Lạp buộc phải ra khỏi Eurozone.
Tìm kiếm sự nhượng bộ cuối cùng
Trước những khó khăn bộn bề, Hy Lạp hiện đang cố thu hẹp bất đồng với các chủ nợ, song điều này vẫn gặp nhiều trở ngại. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho rằng, một thỏa thuận giữa Hy Lạp với các nhà tài trợ châu Âu phải là kết quả của sự nhượng bộ lẫn nhau.
Ông Tsipras nêu rõ rằng, Hy Lạp có những bước đi nhằm tìm kiếm tiếng nói chung, nhưng cũng có những giới hạn đỏ không được vượt qua. Ông khẳng định, Hy Lạp sẽ không chấp nhận những yêu cầu vô lý về thuế giá trị gia tăng (VAT), lương hưu và thị trường lao động. Ông nói rằng, một thỏa thuận có lợi cho các bên cần bao gồm hạ thấp mục tiêu về thặng dư ngân sách sơ cấp của Hy Lạp và tái cơ cấu nợ.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble vẫn phát đi rất ít tín hiệu nhượng bộ Hy Lạp. “Cội rễ vấn đề là ở Hy Lạp. Và nay là lúc Hy Lạp phải thực hiện các cam kết của mình”, ông Schaeuble khẳng định.