4 câu hỏi lớn cho Hy Lạp sau khi tuyên bố hết tiền?

(ĐTCK) Hy Lạp cần phải trả gần 1,6 tỷ euro (1,76 tỷ USD) cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong tháng 6 tới. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nikos Voutsis của Hy Lạp cho biết, nước này không thể và cũng không có khả năng đáp ứng được yêu cầu trả trả nợ, nếu gói cứu trợ mới không được giải ngân kịp thời.
4 câu hỏi lớn cho Hy Lạp sau khi tuyên bố hết tiền?

Dưới đây là một số câu hỏi và câu trả lời về những gì sẽ xảy ra tiếp theo với Hy Lạp.

Khi nào là hạn trả nợ tiếp theo cho IMF?

Hy Lạp đã nợ IMF khoảng 20 tỷ euro tiền gốc với thời gian trả nợ là hơn 9 năm. Trong đó, vào tháng 6 tới, quốc gia này sẽ phải trả 1 phần khoảng gần 1,6 tỷ euro trong 4 đợt. Đợt 1 là 308 triệu euro phải trả vào ngày 5/6, 347 triệu euro tiếp theo phải trả vào ngày 12/6, sau đó là 578 triệu euro vào ngày 16/6 và cuối cùng là 347 triệu euro vào ngày 19/6.

Hy Lạp sẽ phải trả nợ cho IMF bằng đồng tiền Quyền rút vốn đặc biệt (SDRs), do vậy, số tiền phải trả sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ trao đổi giữa euro và SDRs.

Tại sao phải lo lắng về món nợ đến hạn vào tháng 6 tới?

Hy Lạp đã không còn khả năng thâm nhập vào thị trường trái phiếu và phải phụ thuộc hoàn toàn vào các khoản vay ưu đãi từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF để tái huy động vốn. Đất nước này cũng đang “mắc kẹt” trong việc đàm phán với các chủ nợ bởi các điều kiện đính kèm theo cho các khoản vay khẩn cấp mà chính phủ mới từ chối thực hiện.

Cho dù không phải trả một khoản nợ lớn nào kể từ mùa hè năm ngoái, chính phủ Hy Lạp vẫn phải chật vật xoay sở để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn thông qua nhiều biện pháp phức hợp, bao gồm đặt việc chi tiêu ngân sách dưới sự kiểm soát đặc biệt, khất lại các khoản tiền còn thiếu đối với các nhà cung cấp, khuyến khích việc thanh toán các khoản thuế quá hạn, tịch thu các khoản tiền mặt dự trữ tại chính quyền địa phương, bệnh viện, đại học và thậm chí thay đổi cấu trúc tài chính của quỹ dự trữ  tại ngân hàng trung ương.

Liệu chính phủ phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng của ông Alexis Tsipras sẽ chọn việc tiếp tục vắt kiệt mọi nguồn lực trong nước để trả nợ cho IMF hay lựa chọn vỡ nợ nếu không có thỏa thuận nào với các chủ nợ được ký, đây là một quyết định mang nặng tính chính trị.

Hy Lạp có thể đề nghị IMF hoãn lại thời hạn trả nợ không?

IMF trước đây đã lên tiếng khẳng định rằng tổ chức này sẽ không tái cấu trúc lại các khoản đã cho vay và cũng sẽ không chấp nhận việc xóa bỏ một phần nợ.

Hiện tại, Hy Lạp chỉ có cơ hội yêu cầu IMF chấp thuận việc sẽ trả dồn tất cả các đợt trả nợ trên vào một lần tại ngày đến hạn cuối cùng (19/6). Điều này giúp quốc gia này có thêm chút thời gian để có thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ khác và mở khóa gói cứu trợ mới.

Điều gì xảy ra nếu Hy Lạp không trả được nợ cho IMF?

Hiện nay, các ngân hàng của Hy Lạp đang phải dựa vào chương trình thanh khoản khẩn cấp của ECB để tồn tại.

Tiền từ “chương trình thanh khoản khẩn cấp” của ECB (Emergency Liquidity Scheme) được chảy đến, cứu trợ cho các ngân hàng Hy Lạp, các ngân hàng Hy Lạp sau đó mua các trái phiếu kho bạc từ chính phủ của họ và số tiền có được từ việc bán trái phiếu chính phủ sẽ được Hy Lạp sử dụng vào việc trả lại các khoản nợ vay từ IMF. Nếu thất bại trong việc trả nợ, ECB có thể giới hạn hoặc đình chỉ việc sử dụng chương trình này của Hy Lạp.

Trong trường hợp tốt nhất, bộ 3 chủ nợ (ECB, IMF và EU) sẽ cho Hy Lạp thêm một hạn chót khác để có thể tiến hành thỏa thuận mở khóa gói cứu trợ và quay trở lại tình trạng có thể trả nợ được, giống như trường hợp của Cộng hòa Síp trước đây. Tuy nhiên, ECB cũng có thể quyết định dừng chương trình thanh khoản khẩn cấp ngay lập tức.

Thất bại trong việc trả nợ cho IMF sẽ là tiêu đề cho việc không thể trả nợ cho các chủ nợ khác, bao gồm cả EU và ECB, từ đó dẫn tới tình trạng vỡ nợ. Nếu vậy, các chủ nợ của Hy Lạp có thể yêu cầu trả các khoản tiền nợ ngay lập tức, kể cả các khoản nợ chưa đến hạn. Những nhà đầu tư khác cũng có thể tiến hành các vụ kiện lên tòa án quốc tế. Mỗi chủ nợ sẽ tự đưa ra quyết định riêng đối với khoản nợ của mình và Hy Lạp sẽ không có sức để chống đỡ.

Trịnh Hằng (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục