Trong một hội nghị qua điện thoại được tổ chức vào ngày 1/4, Athens đã đưa ra lời kêu gọi trên đối với các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu. Hội nghị này được tổ chức để giới chức châu Âu xác định xem Hy Lạp còn cách bao xa so với các điều kiện được đặt ra để “mở khóa” gói cứu trợ mới.
Tuy nhiên, Hy Lạp phủ nhận chuyện Athens đã nói với các chủ nợ rằng nước này sẽ cạn tiền vào 9/4. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết: “Bộ Tài chính hoàn toàn phủ nhận những thông tin không rõ nguồn cung cấp mà Reuters đã đăng về những vấn đề được thảo luận trong cuộc họp vào 1/4”.
Cũng trong ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ nội vụ Hy Lạp, ông Nikos Voutsis cho biết nước này phải lựa chọn giữa việc phải trả khoản nợ 450 triệu euro cho Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) vào ngày 9/4 hoặc là trả tiền lương và lương hưu cho người dân. Ông cho biết, Hy Lạp sẽ lựa chọn phương án thứ 2.
Hy Lạp có thể nhận được 7,2 tỷ euro từ gói cứu trợ mới của IMF và EU nếu tiến hành cải cách theo những điều kiện mà chính phủ trước đó của Hy Lạp đã đồng ý nhằm nhận được các gói cứu trợ trước.
Tuy nhiên, chính phủ mới của Tổng thống Alexis Tspiras không muốn thực hiện những cải cách trên, bởi ông đã thắng cử nhờ lời hứa chấm dứt giai đoạn thắt lưng buộc bụng và phản đối chính sách khắc khổ của chính phủ trước. Hiện tại, Hy Lạp cần phải tiến hành hoàn thiện một danh sách các điều kiện cải cách mới để có thể thỏa mãn cả 2 bên, người dân Hy Lạp và các chủ nợ.
Bộ ba chủ nợ chính là Uỷ ban châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và IMF cho biết Hy Lạp trước đó đã gửi một bản danh sách các cải tổ với nhiều chi tiết cụ thể hơn. Tuy nhiên, bộ ba này còn có nhiều việc cần bàn bạc về danh sách trên, và có vẻ như nó còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của các chủ nợ.
Theo các chủ nợ của Hy Lạp, một vài chính sách, ví dụ như chính sách xã hội, đã đi đúng hướng, trong khi những cải tổ còn lại vẫn thiếu nhiều chi tiết cụ thể hoặc là thiếu sự đánh giá chính xác về mức độ tổn thất.
Trong đó, các chính sách về thuế, thị trường lao động, luật cho phép trả các khoản nợ thuế thành nhiều lần, hay các bước để giới hạn sự tự chủ về tài chính của các công ty nhà nước thì hoàn toàn đi ngược lại với những mục tiêu mà các bên đã thống nhất trước đây. Thêm vào đó, chương trình cải cách về tài chính lại tỏ ra quá lạc quan so với thực tế hiện nay tại Hy Lạp.
Các Thứ trưởng tài chính châu Âu và đại diện của các tổ chức cho vay sẽ cùng thảo luận thêm về vấn đề Hy Lạp vào 8/4. Mục đích của của họp này là nhằm tìm được sự nhất trí đối với bản danh sách cải cách mới, bao gồm việc đánh giá những ảnh hưởng tới ngân sách của Hy Lạp. Tuy nhiên, có vẻ như sẽ không có thỏa thuận nào đạt được cho tới cuộc họp kế tiếp của bộ trưởng tài chính các nước Khu vực đồng tiền chung euro diễn ra vào 24/4 tại Riga.
Trong động thái mới nhất, Đức, một trong những chủ nợ lớn của Hy Lạp, lên tiếng thúc giục nước này mau chóng tìm cách giải quyết tình trạng bế tắc giữa Hy Lạp và bộ ba chủ nợ. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, Michael Roth cho biết, ông đã sắp xếp để có cuộc trò chuyện với chính phủ Hy Lạp tại Athens trong tuần này. Ông cũng cho rằng việc Hy Lạp đối đầu với ECB trong các chính sách cải cách sẽ gây nên “thảm họa”, khiến châu Âu thất bại trong việc giúp Hy Lạp vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Trong khi Hy Lạp và bộ ba chủ nợ đang tìm kiếm thỏa thuận tài chính mới, chuyến đi của ông Roth tới Athens thể hiện nỗ lực của Đức trong việc làm dịu mối quan hệ với Hy Lạp và cố giữ nước này gắn bó với EU. Chuyến công tác của Roth trong tuần này diễn ra chỉ 1 tuần sau khi bà Chancellor Angela Merkel mời Thủ tướng Alexis Tspiras tới nói chuyện và dùng bữa tối tại Đức.