Chuyển đổi số và câu chuyện tuyển dụng nhân tài số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là ngân hàng tiên phong trong việc tuyển dụng nhân tài quốc tế đã giúp Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) giải được bài toán nhân tài số và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, dần bắt kịp với các ngân hàng quốc tế. Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Ngân hàng chia sẻ cách vượt lên thách thức trước yêu cầu chuyển đổi không chỉ với riêng Techcombank, mà cả với hệ thống tài chính Việt Nam.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank

Được biết, ngoài việc giữ cương vị Tổng giám đốc, “nhiệm vụ đặc biệt” của ông là đưa chiến lược chuyển đổi số của Techcombank đến thành công. Trong 2 năm qua, ông đánh giá thế nào về xu hướng chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng?

Nếu bạn so sánh một chút với thế giới, tôi nghĩ rằng, một số thay đổi mà chúng ta đã thấy ở những nơi như châu Âu hoặc Mỹ, phải mất tới 20 năm để đạt đến mức độ hoàn thiện. Tuy nhiên, khi số hoá tiến vào châu Á, quá trình này đã trở nên nhanh hơn nhiều nhờ việc áp dụng công nghệ và sự phổ biến của điện thoại di động.

Khi còn ở Thái Lan, tôi thấy họ chỉ cần 3 - 5 năm để thay đổi, thay vì 20 năm. Bây giờ, cảm giác của tôi về Việt Nam cũng giống như vậy. Tôi mới ở đây 2 năm, nhưng Việt Nam đang có nhiều thay đổi và người tiêu dùng rất sẵn sàng cho chuyển đổi số. Khách hàng sử dụng công nghệ để đặt hàng và thực hiện các dịch vụ ngân hàng. Đến thời điểm này, tôi không nghĩ có sự khác biệt lớn về hành vi của khách hàng Việt Nam so với ở Thái Lan hay Singapore.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng, hay cụ thể là một số ngân hàng Việt Nam, chưa bắt kịp với sự thay đổi đó, nên còn hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo tôi, ngành ngân hàng Việt Nam đang có độ trễ 3 - 5 năm so với thế giới trong chuyển đổi số. Lý do chính là do các ngân hàng cần phải sắp xếp mọi thứ vào đúng vị trí về công nghệ, cũng như cần thời gian chờ đợi các quy định pháp luật và các yếu tố khác.

Hiện có nhiều lựa chọn về mô hình cho chuyển đổi số ở lĩnh vực ngân hàng, nhưng theo quy luật sẽ có những mô hình không thành công và bị loại bỏ. Techcombank đang lựa chọn hướng đi nào và vì sao?

Techcombank chọn hướng chuyển đổi số toàn bộ, thay vì nhỏ lẻ ở từng lĩnh vực

Techcombank chọn hướng chuyển đổi số toàn bộ, thay vì nhỏ lẻ ở từng lĩnh vực

Trong câu chuyện chuyển đổi số, ngân hàng có thể lựa chọn chuyển đổi toàn bộ hay tách riêng một số lĩnh vực hoạt động để chuyển đổi số trước.

Với Techcombank, chúng tôi quyết định chọn hướng chuyển đổi toàn bộ, mà không chuyển đổi nhỏ lẻ ở từng lĩnh vực. Bởi nếu chọn cách chuyển đổi từng bộ phận, tách riêng một ngân hàng số bên ngoài, còn ngân hàng chính vẫn hoạt động với tốc độ riêng thích hợp, thì những bộ máy lớn có thể bắt đầu bị gián đoạn bởi các chuyển đổi nhỏ đang diễn ra. Vì vậy, chúng tôi đã thiết lập một Văn phòng chuyển đổi số để phụ trách việc thúc đẩy mô hình mới.

Có thể hình dung thế nào về mô hình hoạt động của Techcombank khi hành trình chuyển đổi số được hoàn thiện?

Về bộ máy tổ chức, có lẽ chúng tôi có nhiều thành viên thuộc Ban điều hành hơn so với các ngân hàng khác. Điều đó không phải để phức tạp hoá, mà chúng tôi cần sự phản ánh chính xác trong cơ cấu doanh nghiệp: Về chiến lược, dữ liệu và phân tích, văn phòng chuyển đổi số, công nghệ thông tin… Tất cả các công việc chuyên môn đó đều được lãnh đạo điều hành ở cấp cao nhất.

Với doanh nghiệp có cấu trúc nhiều cấp thấp hơn, có lẽ những sáng kiến thay đổi dễ bị phủ quyết hay bác bỏ. Còn với Techcombank, vì lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ đó đều ở cùng một cấp độ, nên chúng tôi thường xuyên phải tranh luận và phản biện về những việc cần phải làm.

Về cơ cấu tổ chức, ông đã đề cập đến đội ngũ quản lý cấp cao nhất, còn những người trực tiếp thực hiện chuyển đổi số liệu sẽ chịu tác động như thế nào?

Khi mới bắt đầu hành trình chuyển đổi khoảng 2 năm trước, chúng tôi có 450 - 500 người trong bộ phận công nghệ thông tin (IT) và con số này dự kiến tăng lên 1.300 - 1.400 nhân sự vào cuối năm 2022. Tương tự, trước đây, chúng tôi có 100 nhân viên xử lý dữ liệu và hiện nay là 200 người, hay tại bộ phận chuyển đổi kỹ thuật số, 2 năm trước là 50 người và hiện là 200 - 250 người.

Chúng tôi thiết kế ra các tổ dự án gồm nhân sự đa chức năng từ các lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, công nghệ, tiếp thị, pháp chế… và yêu cầu: “Hãy cùng nhau giải quyết vấn đề, bởi chỉ một người sẽ không thể đưa ra giải pháp tổng thể”. Vì vậy, đối với cơ cấu quản trị, chúng tôi vẫn có tất cả các khối nghiệp vụ như bất kỳ ngân hàng truyền thống nào, nhưng có khoảng 1.000 nhân sự đang làm việc cho các dự án đa chức năng theo mô hình Agile như trên.

Trong phần chia sẻ trên, ông đã đề cập đến một số thách thức mà ngân hàng cần phải vượt qua trong quá trình chuyển đổi số như điều chỉnh tốc độ và đảm bảo rằng mọi người không bị quá tải. Techcombank đã vượt qua những rào cản này như thế nào?

Thách thức lớn nhất chính là sự phối hợp giữa các bộ phận, bởi các bộ phận khác nhau đôi khi có mục tiêu khác nhau. Vì vậy, việc quan trọng là cần thực hiện song song giữa chuyển đổi và vận hành.

Điều thứ hai là việc tìm ra những khả năng phù hợp và sự đồng thuận để thành một khối gắn kết. Hiện tại, chúng tôi đang có 12.000 - 13.000 nhân viên, trong đó có khoảng 4.800 người mới tuyển dụng từ năm 2021, tương ứng có hơn 30% nhân viên mới cần hòa nhập.

Điểm thứ ba là quyết định về tốc độ. Nếu chọn cách đi chậm sẽ có ưu điểm là không mắc nhiều sai lầm, nhưng có thể bị các đối thủ cạnh tranh vượt qua hoặc bỏ xa. Còn nếu chọn cách đi nhanh, có thể tiếp cận thị trường tốt hơn, nhưng đồng thời cũng có thể bỏ lỡ nhiều điều.

Trong quá khứ, chúng tôi đã cố gắng đi rất nhanh, nên đã mắc một số sai lầm. Không phải những sai lầm này không thể sửa chữa được, nhưng nó vừa gây tốn thời gian, vừa tốn công sức, tiền bạc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, cần chấp nhận sự đánh đổi giữa việc đi trước ở tốc độ vừa phải, sẵn sàng thử nghiệm và sai lầm, rút kinh nghiệm từ bài học đó và tạo ra thành công.

Tháng 7/2022, Techcombank đã tổ chức một chiến dịch tuyển dụng nhân tài quốc tế tại Singapore và London (Vương quốc Anh). Ông có thể chia sẻ một chút về kết quả của chương trình này?

Chúng tôi tuyển dụng những người có kinh nghiệm, có nhiều kiến thức và góc nhìn để khi gặp thách thức, họ có thể đưa ra tư vấn giải pháp phù hợp. Về cơ bản, mục đích của chúng tôi khi tìm kiếm những nhân sự quốc tế là để có những thông tin giá trị hơn và giúp lãnh đạo các bộ phận hiệu quả hơn.

Do đó, chúng tôi tập trung tuyển dụng nhân tài người Việt đang làm việc các trung tâm tài chính công nghệ hàng đầu thế giới như ở Singapore, London và có thể sẽ cân nhắc thêm thị trường Mỹ hay một vài quốc gia khác vào cuối năm 2022. Họ đều là những chuyên gia hàng đầu, với thâm niên 10 - 15 năm trong nhiều lĩnh vực khác nhau và dự kiến có 30 - 40 người sẽ gia nhập Techcombank trong vài tháng tới để giúp Ngân hàng đạt được những bước tiến xa hơn về công nghệ, dữ liệu hay quản trị tài chính.

Hà An thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục