Chuyển đổi số để ngăn gian lận, tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để thích ứng với sự thay đổi và yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, việc đầu tư và áp dụng các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm toán là rất cần thiết.
Sự phối hợp giữa con người và công nghệ sẽ giúp xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ trong hoạt động kiểm toán Sự phối hợp giữa con người và công nghệ sẽ giúp xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ trong hoạt động kiểm toán

Tạo nguồn dữ liệu lớn

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định “phát triển công nghệ” là một trong 3 trụ cột phát triển KTNN đến năm 2030, đồng thời đã ban hành Chiến lược tổng thể phát triển CNTT giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán đã được KTNN đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng. KTNN đã đầu tư cơ sở về CNTT gắn với việc đầu tư hệ thống máy móc, hạ tầng CNTT và một số phần mềm căn bản nhằm xây dựng nền tảng cho các ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán, phục vụ công tác quản lý điều hành, góp phần từng bước phát huy hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại.

Ông Bùi Quốc Dũng, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước

Ông Bùi Quốc Dũng, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước

Hiện nay, KTNN đang triển khai 27 phần mềm, ứng dụng phục vụ hoạt động điều hành nội bộ và hoạt động kiểm toán, bao gồm các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; ứng dụng quản lý hoạt động chuyên ngành; các hệ thống kênh giao tiếp của KTNN và các hệ thống phục vụ tích hợp… Từ năm 2019, KTNN là một trong những cơ quan đầu tiên thực hiện thành công việc đưa tất cả ứng dụng trao đổi dữ liệu vào trục tích hợp.

Đặc biệt, các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán được ưu tiên phát triển để hỗ trợ công tác kiểm toán từ khâu lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán đến khâu lập, phát hành báo cáo kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán. KTNN cũng đã thực hiện kết nối trục liên thông văn bản quốc gia với tất cả các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các địa phương.

Trong năm 2023, KTNN đã đưa vào áp dụng 4 phần mềm mới hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động nghiệp vụ: Phân hệ Quản lý kế hoạch kiểm toán giúp các đơn vị đề xuất kế hoạch kiểm toán năm 2024 và kế hoạch kiểm toán trung hạn 2024 - 2026 của đơn vị; Phần mềm Quản lý tài chính tập trung hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác tài chính, kế toán tại các đơn vị dự toán của KTNN; Phần mềm Đánh giá định kỳ kiến thức chuyên môn; Cơ sở dữ liệu tài chính cung cấp cho các đơn vị thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên khai thác các thông tin về báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và dự toán kinh phí của đơn vị được kiểm toán.

Ngoài ra, KTNN thực hiện điều chỉnh, bổ sung và cập nhật thêm chức năng, giao diện mới cho các phần mềm phục vụ điều hành nội bộ và các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán để phục vụ nhu cầu quản lý, khai thác, sử dụng phần mềm của các đơn vị. Các kiểm toán viên có thể sử dụng các phần mềm để triển khai nhiệm vụ theo từng giai đoạn, từ khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán đến theo dõi tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về cơ bản được cập nhật đầy đủ lên hệ thống phần mềm của KTNN.

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp cho việc phân tích thông tin, dữ liệu của kiểm toán viên được nhanh chóng và chính xác hơn, tạo nguồn dữ liệu lớn phục vụ cho hoạt động kiểm toán như: tập hợp được nhiều thông tin từ tổng hợp đến chi tiết liên quan đến các đầu mối kiểm toán; lưu trữ hồ sơ kiểm toán của đoàn, tổ kiểm toán trong tất cả các giai đoạn của quy trình kiểm toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định nội dung, phạm vi, trọng tâm, trọng yếu kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.

Bên cạnh đó, triển khai Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, KTNN đã hoàn thành và đưa vào hoạt động dự án “Xây dựng nền tảng tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu của KTNN với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đơn vị được kiểm toán”. Dự án bước đầu triển khai kết nối trao đổi dữ liệu với hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án “Xây dựng nền tảng dữ liệu lớn và hệ thống quản lý thông tin đối tượng kiểm toán” đã hoàn thành, tiếp nhận ý kiến góp ý của chuyên gia, 3 bộ, ngành và ý kiến của Hội đồng thẩm định của KTNN, trình lãnh đạo KTNN phê duyệt.

Nâng cao nhận thức và hành động

Công nghệ đóng vai trò then chốt, thiết lập, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình chuyển đổi số trong tương lai. Chiến lược chuyển đổi số của KTNN đến năm 2030 được xác định nhằm hướng tới 4 mục tiêu chính: Công nghệ đóng vai trò then chốt, giúp KTNN thích ứng với sự thay đổi cũng như quá trình chuyển đổi số trong tương lai; Tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán dựa trên dữ liệu số; Ứng dụng CNTT để minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán; Tăng cường các cuộc kiểm toán tại trụ sở KTNN.

Nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển CNTT của KTNN, thời gian tới, KTNN cần rà soát các quy định, quy chế có liên quan đến ứng dụng CNTT, trong đó tập trung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán; việc tích hợp, kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử giữa KTNN và đối tượng được kiểm toán. Đây được xem là điều kiện cần, mang tính quyết định trong việc triển khai hạ tầng dữ liệu của KTNN.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách của KTNN liên quan để tạo tiền đề xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu của KTNN, bao gồm: Quản trị dữ liệu; thu thập, số hóa dữ liệu; nhân lực CNTT; đảm bảo an toàn thông tin trong triển khai ứng dụng CNTT. Hạ tầng dữ liệu của KTNN được xây dựng đầy đủ, phù hợp sẽ là nền tảng cho việc hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về đơn vị được kiểm toán, các phần mềm, công cụ phân tích thông tin, đánh giá rủi ro, xác định mức rủi ro, trọng yếu kiểm toán nhằm hỗ trợ công tác lập kế hoạch cũng như giúp kiểm toán viên thực hiện các kỹ thuật kiểm toán và theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán… hướng tới kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn.

Để CNTT thực sự trở thành thế mạnh, KTNN cần nghiên cứu, lựa chọn các công nghệ dữ liệu hiện đại, phù hợp với yêu cầu đặc thù về quản lý, lưu trữ dữ liệu của KTNN, thiết lập kiến trúc dữ liệu trên cơ sở nền tảng công nghệ dữ liệu được lựa chọn. Đặc biệt, thiết lập các quy trình thu thập, xử lý, kiểm soát, đánh giá, chuẩn hóa và lưu trữ dữ liệu theo từng lớp dữ liệu; thiết lập các chính sách để quản lý, quản trị dữ liệu; thiết lập các quy trình, chính sách về phân quyền dữ liệu, bảo mật dữ liệu, mã hóa dữ liệu.

Lộ trình triển khai xây dựng kiến trúc dữ liệu của KTNN chia thành hai giai đoạn:

Thông qua việc đẩy mạnh CNTT, KTNN công khai, minh bạch kết quả kiểm toán một cách nhanh nhất tới công chúng nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các đơn vị sử dụng nguồn lực công. Đây cũng chính là đóng góp quan trọng của KTNN nhằm sớm ngăn chặn, cảnh báo các hành vi gian lận, tham nhũng, lạm dụng quyền lực có thể xảy ra trong tương lai.

Giai đoạn một (2023 - 2025) xây dựng kiến trúc tổng thể, lựa chọn giải pháp công nghệ, xây dựng nền tảng lưu trữ kho dữ liệu, quy hoạch các cơ sở dữ liệu hiện tại trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn, thiết lập quy trình thu thập, lưu trữ dữ liệu về kho dữ liệu thô, cơ bản hình thành hạ tầng dữ liệu của KTNN, đồng thời thực hiện kết nối, trao đổi dữ liệu thành công với một số đơn vị được kiểm toán.

Giai đoạn hai (2026 - 2030) mở rộng quy mô hạ tầng dữ liệu giai đoạn một, thực hiện kết nối, trao đổi dữ liệu thành công với các đối tượng được kiểm toán theo quy định của các văn bản pháp luật được ban hành. Thiết lập các quy trình thu thập, xử lý, kiểm soát, đánh giá, chuẩn hóa và lưu trữ dữ liệu từ kho dữ liệu thô về kho dữ liệu tinh, phục vụ cho công tác phân tích, tổng hợp, thống kê số liệu; thiết lập các chính sách để quản lý, quản trị dữ liệu; thiết lập các quy trình, chính sách về phân quyền dữ liệu, bảo mật dữ liệu, mã hóa dữ liệu, hoàn thành việc xây dựng hạ tầng dữ liệu của KTNN.

Một yêu cầu không thể thiếu là nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán. Mặc dù KTNN đã ban hành chiến lược phát triển KTNN và chiến lược phát triển CNTT với từng giai đoạn cụ thể, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc, nhưng trên thực tế, CNTT vẫn được coi là xa vời, phức tạp, khó thực hiện. Do vậy, KTNN cần phải tuyên truyền, đào tạo, kiểm tra, giám sát và tăng cường học hỏi các cơ quan kiểm toán tối cao để kiểm toán viên nhà nước vừa được nâng cao trình độ, vừa có trách nhiệm trong việc ứng dụng CNTT.

Theo đó, KTNN cần đổi mới chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng hình thức đào tạo trực tuyến nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực về CNTT. Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ chuyên trách CNTT, trong đó chú trọng đào tạo chuyên sâu và cập nhật công nghệ mới, đào tạo “kỹ sư phân tích dữ liệu” để khai thác và đủ khả năng quản lý, vận hành và phát triển hạ tầng dữ liệu của KTNN trong thời kỳ chuyển đổi số. Các KTNN chuyên ngành, khu vực cần hình thành bộ phận chuyên trách về CNTT để triển khai quản trị dữ liệu tại đơn vị.

Đặc biệt, đội ngũ kiểm toán viên phải chủ động nâng cao năng lực khai thác, phân tích dữ liệu thông qua việc áp dụng các công cụ CNTT. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các kiểm toán viên trong giai đoạn này là làm chủ công nghệ, biết sử dụng các công cụ xử lý, tính toán dựa trên công nghệ số và khai thác kết quả mà các công cụ này mang lại một cách chuyên nghiệp.

Trong bối cảnh các đơn vị được kiểm toán ngày càng phát triển nhanh và mạnh về công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán là đòi hỏi cấp bách, là nhiệm vụ sống còn cho sự phát triển của KTNN. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là một hành trình dài và toàn diện, có công nghệ nhưng không thay đổi về nhận thức và hành động thì không có kết quả. Ngược lại, muốn thay đổi nhưng không có công nghệ, công cụ hỗ trợ thì cũng không thực hiện được. Bởi vậy, trước tiên, các kiểm toán viên phải thay đổi từ nhận thức, sau đó là sở hữu công nghệ. Để tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán, hạ tầng dữ liệu đầy đủ, phù hợp là điều kiện tiên quyết, là nền tảng cho thành công. Trong đó, dữ liệu là yếu tố đầu vào của sản xuất, dữ liệu phải được khai thác, xử lý thì mới sinh ra giá trị, từ đó có hạ tầng dữ liệu đầy đủ, phù hợp. Kiểm toán viên phải có ý thức sử dụng, khai thác để làm giàu cơ sở dữ liệu kiểm toán.

Thông qua việc đẩy mạnh CNTT, KTNN công khai, minh bạch kết quả kiểm toán một cách nhanh nhất tới công chúng nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các đơn vị sử dụng nguồn lực công. Đây cũng chính là đóng góp quan trọng của KTNN nhằm sớm ngăn chặn, cảnh báo các hành vi gian lận, tham nhũng, lạm dụng quyền lực có thể xảy ra trong tương lai.

Bùi Quốc Dũng
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục