Với vốn hóa trên thị trường cổ phiếu cuối năm 2018 đạt 72% GDP, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ và chính quyền địa phương đạt 30,46% GDP và quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 8,6% GDP, tổng quy mô TTCK Việt Nam đã vượt qua 110% GDP 2018.
Nhìn trên con số trên có thể thấy đến cuối năm 2018, quy mô TTCK đã gần tương đương kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, dòng vốn huy động thực tế qua TTCK lại có sự chênh lệch lớn so với kênh tín dụng.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2018, tổng mức huy động vốn trên TTCK đạt 279.000 tỷ đồng, trong đó đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 192.000 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp đạt gần 65.000 tỷ đông và đấu giá cổ phần hóa đạt 22.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tín dụng ngân hàng năm 2018 đạt khoảng 130% GDP, tương ứng trên 7 triệu tỷ đồng vốn vay được hệ thống ngân hàng cung ứng ra nền kinh tế.
Vậy nếu dựa trên thống số quy mô TTCK (trên 100% GDP), quy mô tín dụng ngân hàng (130% GDP) mà rằng, TTCK thực sự trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, gần tương đương kênh tín dụng ngân hàng, liệu có khập khễnh không?
Đặt câu hỏi này với TSKH. Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội, ông chia sẻ, nhìn sâu vào bản chất của dòng tiền sẽ thấy, nhận định trên không có gì là khập khễnh.
Theo đó, con số 279.000 tỷ đồng vốn huy động trên TTCK năm 2018 là tổng lượng vốn mới mà các chủ thể trên TTCK huy động được mới trong năm. Còn quy mô vốn hóa TTCK được tính trên tổng giá trị chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) tính theo giá thị trường, bao gồm cả phần phát hành ra công chúng và phần phát hành riêng lẻ. Mỗi giao dịch trên TTCK là một sự luân chuyển vốn giữa các nhà đầu tư.
Người này rút vốn ra sẽ có người khác rót vốn vào thay thế trên thị trường thứ cấp và vì thế thông lệ quốc tế luôn lấy giá trị vốn hóa của TTCK là một trong những chỉ tiêu đo lường khả năng và quy mô tài trợ vốn của TTCK cho nền kinh tế.
Một trong những chỉ đạo đáng chú ý được Thủ tướng Chính phủ nêu ra tại Lễ khai trương phiên giao dịch đầu Xuân Kỷ Hợi là việc phải đẩy nhanh việc xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường này có sứ mệnh tạo kênh dẫn vốn giúp các DN huy động các khoản vay trung và dài hạn từ nhà đầu tư, thay vì vay vốn trung và dài hạn từ ngân hàng như hiện nay.
Điểm đáng nói là, sau quá trình dài TTCK nỗ lực định hình, câu chuyện phát triển TTCK này đã không chỉ là mong mỏi của ngành chứng khoán, mà trở thành mục tiêu của cả nền kinh tế nhằm giúp Việt Nam có thị trường tài chính cân bằng.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, trong một cuộc tọa đàm với các chuyên gia năm 2014 đã nêu rõ: Bản chất thị trường tài chính gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ, trong đó thị trường vốn gồm thị trường chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu) và thị trường tín dụng trung và dài hạn.
Thị trường tiền tệ hiện nay đang phải gánh nặng (làm thay) chức năng tài trợ vốn trung và dài hạn cho thị trường vốn và việc này, Chính phủ đã nhìn ra, đã giao nhiệm vụ để các thị trường sớm phân khu, phát triển cho chuẩn mực hơn.
Hiện nay, tỷ trọng vốn ngắn hạn trong cho vay trung và dài hạn trên thị trường tiền tệ, theo Ủy ban ban Giám sát tài chính quốc gia, ở mức gần 30% (năm 2018).
Một dự báo khác cho biết, bản chất 60% tín dụng ngân hàng là cho vay trung và dài hạn, khoản này cần chuyển dần sang thị trường trái phiếu. Hy vọng, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp được định hình, các DN sẽ quen dần với việc tìm vốn trung và dài hạn qua phát hành trái phiếu, khi đó, vai trò huy động vốn trên TTCK sẽ được hiển thị rõ nét hơn.