Chuyện chiếc kẹo dồi và cơ hội đổi mới lần hai

Có vẻ là khập khiễng, quá khập khiễng khi đặt câu chuyện về chiếc kẹo dồi nhỏ bé bên cạnh chuyện đại sự quốc gia là cần hay không một công cuộc Đổi mới lần hai. Song thành tựu của công cuộc Đổi mới đôi khi bắt đầu được nhìn bằng những chiếc kẹo tý xíu như thế.
Chuyện chiếc kẹo dồi và cơ hội đổi mới lần hai

Từ chiếc kẹo dồi...

Chuyện bắt đầu bên chén trà nóng, lúc Hà Nội vẫn đang trong những ngày rét ngọt. Nhạt miệng nên lấy mấy chiếc kẹo dồi nhâm nhi để rồi lại ôn nghèo kể khổ về một thời xa lắc, khi thảng hoặc sau buổi chợ, được mẹ mua về cho mấy chiếc kẹo dồi. Không kẹo dồi, thì là kẹo bột, hay kẹo kéo..., mấy thứ quà quê được chế biến thủ công với nguyên liệu chính là đường, ít mạch nha, vài hạt lạc...

Đó là thứ đồ ăn mà bây giờ con trẻ, nhất là trẻ thành phố, không màng tới, nhưng 30 năm trước lại là thứ quà xa xỉ nhất và được trông đợi nhất của “lũ trẻ trâu”. Nó ngọt và ngon đến nỗi cho đến tận bây giờ, những người Việt thế hệ 7X trở về trước luôn nhắc nhớ. Tất nhiên, ấy là vì hồi đó đâu có món ngon nào khác, trái ngược bây giờ hàng hóa ê hề, bánh kẹo Việt, rồi kẹo Nhật, kẹo Mỹ, bánh Thái, bánh Pháp... đầy chật trong tủ.

Và cũng chẳng cứ mỗi bánh kẹo, từ hoa quả, quần áo, đồ xa xỉ, đến ô tô, xe máy..., hàng hóa trên thị trường toàn cầu có gì, Việt Nam có thứ đó. Thậm chí, ngay cả những chiếc xe 4 bánh thuộc diện đắt đỏ nhất thế giới, giá cả hơn triệu đô Mỹ, người Việt xài sang cũng sẵn sàng dốc ví... Chẳng bù cho ba thập kỷ trước, có khi mấy nhà mới được chung nhau mua một chiếc xe đạp Thống Nhất; rồi mỗi năm phân phối cho vài ba mét vải, xanh rì cả “tiểu đội”; hay may mắn lắm mới kiếm được bánh xà phòng 72 giặt đỡ đống quần áo chẳng có lấy một sắc hoa rạng rỡ...

“Hóa ra, chuyện cả mấy chục năm có thể kể gọn trong chiếc kẹo dồi”. Đùa vui thì bảo vậy, nhưng đúng là nhìn một cách giản đơn nhất, thành quả 30 năm Đổi mới cũng chính là ở đó. Ở những chiếc kẹo quê một thời khiến bao người mê đắm, còn giờ nằm im trong hộp, nhiều người trẻ còn chưa từng nhìn thấy hay biết tên gọi của nó là gì. Ở cả một thị trường rộng lớn được mở ra sau khi Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới, bắt đầu từ năm 1986...

Trò chuyện chân tình, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, chỉ những  thế hệ như ông, những người đã trải qua “đêm trước của thời kỳ Đổi mới” mới biết đất nước đã thay đổi nhiều như thế nào so với trước đây. “Đúng là một trời, một vực”.

Không chỉ nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, những người Việt thế hệ 7X trở về trước cũng là những người biết một cách sâu sắc nhất khoảng cách cuộc sống giữa trước và sau Đổi mới. Vấn đề không phải là miếng bánh hay tấm áo, mà cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần của người Việt đã khác xa thuở trước. Đổi thay một cách toàn diện.

Còn chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, lại muốn lấy mấy con số để chứng minh 3 thập kỷ qua, kinh tế - xã hội Việt Nam đã thay đổi toàn diện như thế nào. Từ mức tăng trưởng chỉ 4,4% trong giai đoạn mới Đổi mới lên 7,6% trong giai đoạn 1991 - 2000, rồi 7,26% trong 10 năm tiếp theo. 5 năm 2011 - 2015, do vẫn chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tăng trưởng GDP ước chỉ đạt bình quân 5,8% nhưng vẫn thuộc diện cao của thế giới. Năm 2015 cũng ghi nhận tròn 5 năm Việt Nam bước qua ngưỡng nghèo, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

“Cũng còn phải nhìn vào vị thế của Việt Nam, đã khác xưa rất nhiều. Trước đây, nếu chỉ nói về kinh tế, thì chúng ta chủ yếu chỉ đi xin viện trợ, chứ có hợp tác gì đâu. Còn bây giờ, ta đang ‘chơi’ ngang ngửa trên toàn cầu bằng các luật chơi của AFTA, WTO, rồi TPP… Năm 2015, hàng loạt hiệp định thương mại nữa được ký kết”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói thế. 

Đến những cơ hội bị bỏ lỡ

Thành quả của công cuộc Đổi mới là không thể phủ nhận. Song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã hơn một lần thừa nhận, những động lực giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong 30 năm qua, như khai thác tài nguyên, tăng đầu tư… đang dần dần thu hẹp dư địa. Bởi vậy, không chỉ vì tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm cho nền kinh tế Việt Nam suy giảm tốc độ tăng trưởng, mà còn do cấu trúc nội tại của nền kinh tế không còn phù hợp với điều kiện phát triển mới.

Động lực không còn mạnh nên tăng trưởng kinh tế chỉ xoay quanh ngưỡng 6% trong những năm gần đây. Chưa kể, là hàng loạt điểm yếu của nền kinh tế đang phát lộ, như tăng trưởng theo chiều rộng mà ít chú trọng chiều sâu, là năng suất - chất lượng - hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp… Là nợ xấu, nợ công, là sự kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước… Là năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần...

Cũng bởi thế, khi bàn tới mục tiêu năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, không ít chuyên gia cho rằng, điều đó là không khả thi. Vì việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đáng kể đang khiến đất nước đối diện nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình.

Không nói đến việc khi châu Á lâm vào khủng hoảng tài chính những năm 1997 - 1998, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội để tăng tốc, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhắc tới một cơ hội bị bỏ lỡ thứ hai. Đó là năm 2008, khi trong nguy có cơ, có thể nhân cơ hội này để tái cấu trúc nền kinh tế. Nhưng rồi 5 năm sau, Việt Nam vẫn đang loay hoay và chậm chạp với tiến trình cải cách. Tất nhiên, nhiều đề án tái cấu trúc đã được phê duyệt. Khung khổ pháp luật cũng đã được sửa đổi. Chương trình đầu tư công trung hạn đang được bắt đầu. Quyết tâm và nỗ lực cải cách doanh nghiệp nhà nước từ Chính phủ là điều nhìn thấy rõ. Nhưng đã làm được bao nhiêu và liệu có chậm chân tiếp hay không lại vẫn là câu hỏi đang buông lửng… 

Và cơ hội Đổi mới lần hai

Bảo rằng gọi là Đổi mới lần hai thì là to tát quá, song chính Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã nhiều lần thẳng thắn, không cải cách, không Đổi mới, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu rất xa.

Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhiều năm trước đã nhắc tới công cuộc Đổi mới năm 1986 với hành động chủ yếu là cởi trói và giải phóng sức sản xuất, được sự ủng hộ của đông đảo nông dân và quảng đại quần chúng. Còn lần này, là đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của bộ máy, chính sách, phải tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ những ung nhọt đang gây ra những căn bệnh kéo dài của nền kinh tế.

Trong khi đó, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định, Đổi mới chẳng phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Gần 30 năm trước, các chính sách về đảm bảo quyền sử dụng đất, bãi bỏ hợp tác hóa nông nghiệp, công nhận kinh tế tư nhân, khuyến khích đầu tư nước ngoài, tự do hóa thương mại... đã được thực hiện và tất cả những điều đó đã dẫn đến việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Tất cả cũng đã tạo ra môi trường đầu tư Việt Nam tương đối hấp dẫn hơn so với các nước cùng trình độ và tạo ra làn sóng cải cách thể chế đầu tiên.

Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch cho 5 năm tới. Cũng đang chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng lần thứ XII đầu năm 2016. Và với bà Kwakwa, đấy là cơ hội ít có để Việt Nam lên kế hoạch cho một đợt cải cách thể chế mới, nhằm nâng cao năng suất, đẩy mạnh tăng trưởng - những điều mà Việt Nam đang rất cần.

Nếu các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách có thể tận dụng được cơ hội này, thì đó sẽ là nhân tố quan trọng giúp Việt Nam thành công với tư cách là một nước thu nhập trung bình và giúp Việt Nam nhanh chóng đặt nền móng thực hiện hoài bão trở thành một nền kinh tế thu nhập cao, tăng tốc và phát triển. Còn nếu không, là tụt hậu, là dậm chân tại chỗ...

Thậm chí không phải là cơ hội, mà Đổi mới là “mệnh lệnh” của đất nước, của nền kinh tế. Phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế; tạo cơ hội để khu vực tư nhân phát triển... để tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế, để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, để tăng trưởng nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đang kỳ vọng nhiều lắm, rằng Đại hội Đảng sẽ quyết định những chủ trương lớn cho quá trình phát triển mới của Việt Nam. Chính Đảng, sau 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, cũng đang trăn trở tìm đường hướng cải cách để tạo động lực tăng trưởng mới.

****

Lại quay trở về câu chuyện của những chiếc kẹo. Sau thời gian chỉ biết đến kẹo vừng, kẹo dồi, đã có một thời, khi các xí nghiệp bánh kẹo quốc doanh nổi lên, như Hải Hà, Hải Châu, người dân Việt đã được ăn những chiếc kẹo ngọt ngon sản xuất công nghiệp. Nhưng hơn tất cả phải là sau này, khi Hải Hà thành lập liên doanh Kotobuki, hay công ty tư nhân Kinh Đô nhảy vào và nhanh chóng trở thành ông vua bánh kẹo Việt Nam.

Nhưng mới đây, dư luận không khỏi sốt ruột khi đại gia này bán tới 80% mảng kinh doanh bánh kẹo cho một đối tác Mỹ. Người ngoài nhìn vào lo thị trường bánh kẹo trong nước sẽ mất dần vào tay nhà đầu tư ngoại. Nhưng ở bên trong, Kinh Đô lại ấp ủ ước mơ vươn tới thị trường Mỹ. 

Chuyện mới chỉ bắt đầu, hồi kết, Kinh Đô sẽ thắng hay thua trong canh bạc này? Tất cả phụ thuộc vào đường hướng tương lai của họ, có kịp đổi mới và tái cấu trúc hay không.

Câu chuyện của Việt Nam có lẽ cũng thế. Nếu kịp thời Đổi mới, dù gọi là lần hai hay không chăng nữa, Việt Nam sẽ đi trọn vẹn giấc mơ phát triển. Còn nếu không, những thành quả cũ của 30 năm Đổi mới có thể bị xóa nhòa bởi những thách thức mới.

Món kẹo dồi dù ngon, nhưng chỉ là một thứ sản vật quê để người hoài cổ thi thoảng đem ra nhấm nhấp, chứ không thể “đem đi mà đánh xứ người” …

Càng khó so sánh với bao sản phẩm do các tập đoàn hàng đầu thế giới sản xuất. Muốn phát triển, muốn cạnh tranh được, thì không thể chỉ  so ta với ta rồi tự hài lòng với mình, mà phải so ta với người, để biết ta kém ở đâu và tìm đường tiến lên.

Tố Vương
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục