Là người có thâm niên 15 năm làm việc liên quan đến các dự án đầu tư công, ông Vũ Quang Lãm, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) hiểu khá rõ những vướng mắc của các dự án đầu tư công.
Theo ông Lãm, vướng mắc nhất của đầu tư công hiện nay là ngân sách eo hẹp, nhưng nhu cầu vốn của dự án đầu tư công lại quá lớn. “Khi đặt vấn đề tái cơ cấu đầu tư công, thì nên đặt tiếp một vấn đề nữa là cơ cấu đầu tư thế nào là hiệu quả, đầu tư vào ngành nào, đầu tư vào lĩnh vực nào, đầu tư vào địa phương nào là hiệu quả nhất trong chiến lược hiện nay”, ông Lãm đề xuất.
Cũng theo ông Lãm, việc tái cơ cấu đầu tư công cần chú ý đến việc phân bổ nguồn lực vào nơi nào sinh lợi nhiều nhất, tạo được hiệu quả và sản phẩm cho xã hội nhiều nhất để tiếp tục có tiền tái đầu tư. Ông Lãm đưa ra dẫn chứng, TP.HCM một năm đem lại 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia (tương đương 220.000 tỷ đồng). Thế nhưng, tỷ lệ đầu tư dành lại cho TP.HCM thì giảm đều như các địa phương khác. “Tại sao TP.HCM không được để lại nguồn ngân sách đầu tư đường sá, hạ tầng để tạo thêm GDP, tạo thêm nguồn thu chia thêm cho các tỉnh”, ông Lãm đặt câu hỏi và cho rằng, quan điểm nguồn ngân sách dành cho đầu tư công vẫn phải chia đều, để cố gắng đưa một địa phương nghèo vươn lên như hiện nay chỉ đúng về mặt lý thuyết.
Đưa ra góp ý tái cơ cấu đầu tư công ở phạm vi hẹp hơn, ông Lê Thành Đại, Phó trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao quận 9 (TP.HCM) cho rằng, vấn đề của đầu tư công hiện nay là tiến độ dự án đầu tư công thường bị chậm trễ, do vướng đền bù giải tỏa. Trong khi đó, thời gian đền bù kéo dài, khiến chi phí đầu tư dự án đội lên, dẫn tới phải điều chỉnh dự án, tăng tổng mức đầu tư, phải cân đối lại vốn, nên bài toán cứ đi vòng vòng.
Vẫn theo ông Lê Thành Đại, một khu kinh tế chưa có hạ tầng đồng bộ, thì chưa đưa vào khai thác được, như vậy sẽ không huy động nguồn lực để phát huy hết vai trò của nó. Như vậy, cần phải có thêm hình thức thứ 2, đó là đầu tư công để phát triển. Theo đó, Ban quản lý Khu công nghệ cao có thể chủ động vay, hoặc huy động các nguồn lực, sau đó trả nợ dần.
TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng Ban Chính sách đầu tư (CIEM) cho rằng, hiện nay, yếu kém trong đầu tư công không chỉ xảy ra riêng với Việt Nam, mà khá phổ biến trên thế giới, nhưng đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, yếu kém đầu tư công tạo ra sức ép lớn. “Khi đầu tư công tăng mà kinh tế không tăng trưởng, sẽ dẫn đến vấn đề lãng phí nguồn lực, lãng phí bộ máy. Do đó, cần phải cắt giảm tỷ trọng đầu tư công và chú trọng nâng cao hiệu quả đầu tư công”, ông Thắng nói và cho biết, CIEM đang có ý tưởng đưa vào Đề án trong thời gian tới là đổi mới cơ bản chu trình của đầu tư công. Theo đó, bên cạnh việc quản lý đầu tư công ở cấp vĩ mô, vấn đề quan trọng là chú ý đến việc quản lý ở mức độ sự thành công của từng dự án, đặc biệt là các dự án thuộc nhóm A trở lên.