Tiếp sức cho sản phẩm hưu trí

(ĐTCK) “Đến hết tháng 6/2016, có 6 công ty bảo hiểm nhân thọ được phép triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, với tổng doanh thu đạt gần 300 tỷ đồng hình thành từ các doanh nghiệp mua bảo hiểm cho 15.000 lao động…”, bà Trần Thanh Hà, Trưởng phòng Bảo hiểm nhân thọ, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết.
Tiếp sức cho sản phẩm hưu trí

Sau gần 3 năm triển khai, khoản doanh thu 300 tỷ đồng là quá khiêm tốn so với 21.033 tỷ đồng tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tính đến hết tháng 6/2016. Trong bối cảnh sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện chưa mấy “đắt hàng” như hiện nay, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2016 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016).

Câu hỏi đặt ra là chương trình hưu trí mới này có tạo ra sự chồng chéo, gây sức ép cạnh tranh, khiến sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện thêm “ế”, nhất là khi các chính sách ưu đãi, khuyến khích cho sản phẩm này phát triển trong giai đoạn đầu được nhìn nhận là kém hấp dẫn?

“Về cơ bản, chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện không cạnh tranh nhiều với sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện…”, bà Hà khẳng định và lý giải, đây là hai mảng hoạt động khác nhau. Sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, do công ty bảo hiểm triển khai theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Việc phân phối sản phẩm này được cụ thể hóa qua hợp đồng ký kết giữa công ty bảo hiểm với doanh nghiệp, hoặc với cá nhân người lao động.

Trong khi đó, với chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty bảo hiểm đáp ứng các yêu cầu về triển khai chương trình này (tới đây, Bộ Tài chính và Bộ Lao động thương binh và Xã hội sẽ hướng dẫn cụ thể), thì được ủy thác quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện do doanh nghiệp và người lao động tham gia.

Theo phản ánh của của cả nhà cung cấp sản phẩm bảo hiểm hưu trí lẫn các công ty quản lý quỹ, sở dĩ sản phẩm bảo hiểm hưu trí chưa hấp dẫn doanh nghiệp, người lao động tham gia là do hiện thiếu các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, nhất là về thuế. Với quy định hiện hành, cả doanh nghiệp và người lao động chỉ được miễn thuế với mức 1 triệu đồng/người/tháng khi đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, hoặc mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Mức này được nhìn nhận là thấp, nên chưa kích thích người lao động, doanh nghiệp tham gia.

“Thời gian qua, chúng tôi nhận được các phản ánh, kiến nghị từ phía doanh nghiệp rằng, mức đóng góp 1 triệu đồng/người/tháng vào quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, hoặc mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện được miễn thuế là thấp, nhất là với những lao động nắm giữ các vị trí lãnh đạo tại doanh nghiệp, có thu nhập cao. Điều này dẫn đến chưa khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia. Bộ Tài chính ghi nhận đề xuất, kiến nghị này…”, bà Hà cho hay.

Từ đề xuất trên, bà Hà cho biết, Bộ Tài chính đang cân nhắc để đưa ra cơ chế mới về thuế theo hướng hài hòa, vừa không ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, vừa hỗ trợ cho phát triển chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, cũng như sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Các doanh nghiệp, người lao động, các bên tham gia bảo hiểm hưu trí đang mong đợi những chính sách hỗ trợ, nhất là về thuế sớm được ban hành và đưa vào áp dụng, để khích lệ hệ thống bảo hiểm hưu trí phát triển, nhằm góp phần cải thiện an sinh xã hội, đồng thời tạo ra dòng tiền mới cho thị trường vốn.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,208.61 3.64 0.3% 77,036 tỷ
HNX 226.97 -0.6 -0.27% 604 tỷ
UPCOM 88.74 0.41 0.46% 239 tỷ