Quỹ hưu trí tự nguyện: Đợi đến bao giờ?

(ĐTCK) Có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành là 1/7/2016, Nghị định 88/2016 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, được các thành viên thị trường nhìn nhận sẽ tiếp sức cho ngành quản lý quỹ và thị trường chứng khoán phát triển, thông qua triển vọng bổ sung dòng tiền mới tham gia thị trường.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Tuy nhiên, để triển khai loại hình quỹ mới này, các bên liên quan đang phải chờ khá nhiều nội dung hướng dẫn từ Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo nhìn nhận của các công ty quản lý quỹ, do không ít nội dung tại Nghị định 88/2016 quy định mang tính chất khung, nguyên tắc, nên hiện còn nhiều “khoảng trống” pháp lý. Do đó, dù muốn khởi động sớm triển khai quỹ hưu trí, nhưng các doanh nghiệp, người lao động, các công ty quản lý quỹ… vẫn đang mỏi mòn chờ đợi.

Chính sách thuế đối với quỹ hưu trí, theo nhìn nhận của các công ty quản lý, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có vai trò quan trọng đối với việc triển khai nhanh hay chậm, thậm chí thành hay bại hệ thống quỹ hưu trí. Nhận diện được tầm quan trọng này, nên tại Nghị định 88/2016, Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế đối với chương trình hưu trí tự nguyện. Do đó, chừng nào nội dung quan trọng này chưa hoàn thiện, thì các bên còn chưa mặn mà xúc tiến hình thành quỹ.

Theo quy định về thuế hiện hành, tuy ưu đãi cho doanh nghiệp và người lao động đóng góp quỹ hưu trí ở mức 1 triệu đồng/người/tháng (cả phần doanh nghiệp cộng với phần người lao động đóng góp) thì được miễn thuế, nhưng mức này được nhìn nhận là thấp. Do đó, các bên tham gia quỹ hưu trí kỳ vọng mức này sẽ được nâng lên, để khích lệ các bên tham gia thành lập quỹ.

Mặt khác, theo mô hình đánh thuế phổ biến trên thế giới, chính sách thuế có tác động đến 3 khâu: khoản đóng góp vào quỹ, khoản lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của quỹ và khoản người tham gia quỹ nhận được từ quỹ hưu trí. Trong khi đó, theo nhìn nhận của phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ có vốn ngoại, ở khâu đầu tiên áp dụng mức miễn thuế cho 1 triệu đồng đóng góp vào quỹ là thấp, chưa hấp dẫn các bên tham gia. Trong khi đó, với 2 khâu còn lại, hiện chính sách thuế chưa rõ ràng là có được miễn hay không, nếu đánh thuế thì ở mức nào?

Theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính còn phải hoàn tất một loạt các nội dung hướng dẫn về báo cáo hoạt động quản lý quỹ, báo cáo quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ... Đó là chưa kể, các bên tham gia triển khai quỹ còn đang chờ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng văn bản thỏa thuận tham gia chương trình hưu trí…, thì mới có cơ sở cho hình thành loại hình quỹ này.

Nói như vậy để thấy ngay cả khi Nghị định 88/2016 đã đưa ra những đường hướng cởi mở cho việc lần đầu tiên hình thành quỹ hưu trí, nhưng nếu các bộ không khẩn trương hoàn thiện các hướng dẫn mang tính kỹ thuật như phân giao của Chính phủ, thì việc sớm có những quỹ hưu trí đầu tiên sẽ còn tiếp tục phải đợi.

Đợi đến bao giờ, thì cả nhà quản lý lẫn các bên tham gia hiện chưa có câu trả lời!?

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục