Thị trường tài chính 24h: Giới đầu tư toàn cầu thận trọng

(ĐTCK) VN-Index tiếp tục điều chỉnh nhẹ; Ngân hàng ngóng nới room tín dụng; Chậm lên sàn: Toàn vì lỗi... khách quan?; Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh: Bên tăng vọt, bên giảm sâu; Doanh nghiệp Hoa Kỳ tính bài toán chuyển dịch đến Việt Nam; Chứng khoán châu Á giao dịch ảm đạm với thanh khoản thấp; Những nước dè chừng Huawei...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

VN-Index tiếp tục giảm

Mở cửa phiên sáng, đà giảm của các TTCK trong khu vực khiến VN-Index giảm điểm khá chóng vánh. Mặc dù đã nỗ lực hồi phục, nhưng sự thận trọng của nhà đầu tư khiến khiến VN-Index đuối dần.

Trong phiên chiều, thậm chí có thời điểm VN-Index đã lùi qua mốc 950 điểm, lúc này cầu bắt đáy đã được khởi động, song chưa đủ mạnh để có thể kéo VN-Index về được tham chiếu.

Một số mã có sự hồi phục khá tốt như CTG, TCB, MBB, VIC, VHM, VRE, MSN, PNJ... MBB tăng 0,7% lên 22.250 đồng. CTG tăng 0,9% lên 23.300 đồng. TCB tăng 0,2% lên 28.300 đồng.

Nhóm Vingroup tuy tăng, nhưng mức tăng không nhiều, VIC tăng 0,1% lên 102.200 đồng. VHM tăng 0,4% lên 80.300 đồng.

SAB tăng 2% lên 253.000 đồng, là một trong số ít mã lớn tăng mạnh để hỗ trợ chỉ số.

Nhóm thép và dầu khí do ảnh hưởng của sự sụt giảm của giá dầu thế giới và giá thép Trung Quốc. Với HPG giảm 0,9% xuống 33.000 đồng.

Nhiều cổ phiếu trụ khác cũng giảm điểm như ngân hàng (VCB, BID, VPB...), chứng khoán (SSI, HCM...), tiêu dùng - bán lẻ (VNM, FPT, MWG...)...

Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng chiếu ưu thế như FLC, ROS, HAG, HNG, OGC, ASM, SCR, ITA, QCG... Một số mã đi ngược thị trường với mức tăng trần như HTT, APG, TDG, DIC...

Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 385.360 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 71,73 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 281.113 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 7,24 tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại bán ròng 374.351 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 2,58 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/12: VN-Index giảm 1,31 điểm (-0,14%), xuống 954,58 điểm; HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,21%), xuống 106,59 điểm; UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,09%). xuống 53,3 điểm.

Chứng khoán Mỹ 

Sau phiên hồi phục đầu tuần, giá dầu thô lại giảm mạnh trở lại kéo nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc trong phiên đầu tuần mới.

Đà lao dốc của nhóm cổ phiếu năng lượng khiến phố Wall chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ trong phiên đầu tuần và tưởng chừng sẽ có thêm phiên giảm điểm thì bất ngờ cổ phiếu Apple bật tăng (đóng cửa tăng 0,7% lên 169,60 USD/cổ phiếu), lan tỏa sự hứng khởi tới các cổ phiếu công nghệ khác, qua đó giúp phố Wall đảo chiều thành công.

Đà tăng của nhóm công nghệ cũng kéo nhiều nhóm khác phục hồi và khi chốt phiên, có 8 trên 11 lĩnh vực của S&P tăng điểm, trong đó công nghệ dẫn đầu với mức tăng 1,4%, theo sau là lĩnh vực truyền thông tăng 0,8%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 1,6% mức giảm mạnh nhất trong các nhóm ngành. Tiếp đến là tài chính giảm 1,4% do nhà đầu tư lo lắng về tăng trưởng chậm toàn cầu.

Kết thúc phiên 10/12, chỉ số Dow Jones tăng 34,31 điểm (+0,14%), lên 24.423,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,64 điểm (+0,18%), lên 2.637,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 51,27 điểm (+0,74%), lên 7.020,52 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm, khi lo ngại về tăng trưởng toàn cầu gây áp lực lên các cổ phiếu tài chính, trong khi sự không chắc chắn về thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật Bản đã tấn công các nhà sản xuất ô tô.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 0,3% xuống 21.148,02 điểm, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2018.

Topix giảm 0,9% xuống còn 1.575,31 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 5/2017.

Cổ phiếu tài chính bị đẩy lùi do hiệu ứng bán tháo trong các công ty cùng ngành như Citigroup và Bank of America đêm qua, sau khi sự không chắc chắn về Brexit khiến các nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng toàn cầu bị đe dọa.

Theo đó, Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ giảm 2% và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui giảm 1,6%.

Takuya Takahashi, chiến lược gia tại Daiwa Securities cho biết, các nhà đầu tư lo lắng về tác động của Brexit sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu và ảnh hưởng tới lãi suất, họ có thể sẽ tránh mua cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.

Các công ty bảo hiểm, vốn đầu tư vào các sản phẩm có lợi tức cao như trái phiếu nước ngoài, cũng mất điểm với Dai-ichi Life Holdings giảm 1,5% và T&D Holdings vấp phải 2,8%.

Các cổ phiếu như công nghệ và các nhà sản xuất linh kiện điện tử cũng giảm với Sharp Corp mất 4,4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016, Murata giảm 1,3% và TDK Corp giảm 2,3%.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô chịu áp lực lớn, sau khi các các công đoàn lao động Mỹ vào hôm thứ Hai khẳng định rằng, bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Nhật Bản đều phải có các điều khoản mạnh mẽ để chống lại sự thao túng tiền tệ và mở ra thị trường ô tô Nhật Bản. Theo đó, Nissan Motor giảm 3,1% và Subaru Corp giảm 2,4%.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu phòng thủ vượt trội với Chubu Electric Power Co và Tokyo Gas đều tăng 0,8% và Mitsui Fudosan tăng 1,5%

Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ nhưng thanh khoản khá thấp, sau khi Bắc Kinh xác nhận rằng vẫn đang đàm phán thương mại với Washington.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng hơn 0,4% lên 2.594,09 điểm với chỉ khoảng 10,13 tỷ cổ phiếu được giao dịch, chỉ bằng 57% trung bình 30 ngày gần nhất của thị trường.

Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,5% lên 3.159,82 điểm

Chỉ số phụ theo dõi ngành tài chính tăng 0,43%, ngành tiêu dùng tăng 0,87%, bất động sản tăng 2,75% và y tế tăng 1%.

Trung Quốc và Mỹ đã thảo luận về lộ trình cho giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán thương mại vào thứ Ba, trong một cuộc điện đàm giữa Phó thủ tướng Trung Quốc Liu He và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer.

Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất phiên hôm nay là Ningxia Xinri Hengli Steel Rope Rope Co Ltd, tăng 10,08%; Veken Technology Co Ltd tăng 10,05% và Shaanxi Broadcast & TV Network Intermediary Group Co Ltd tăng 10,03%.

Nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất là Zhejiang Langdi Group Co Ltd giảm 10 %Jiangsu Kanion Pharmaceutical Co Ltd, mất 6% và ShangHai ZhongYiDa Co Ltd, giảm 5,24%.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ sau khi Bắc Kinh xác nhận rằng vẫn đang đàm phán thương mại với Washington, nhưng lo lắng toàn cầu về thương mại, Brexit và việc bắt giám đốc điều hành cấp cao của Huawei gây lực cản lớn cho thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index taeng chưa đến 0,1% lên 25.771,67 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,27% xuống 10.245,01 điểm.

Khối lượng giao dịch thấp, với khoảng 1,23 tỷ cổ phiếu được sang tay, bằng 69,3% trung bình 30 ngày gần nhất của thị trường.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm 0,7%, ngành CNTT tăng 1,1%, tài chính và bất động sản đều giảm 0,1%.

Công ty có mức tăng điểm cao nhất là Sunny Optical Technology Group Co Ltd, tăng 6,56%, trong khi thua lỗ lớn nhất là Want Want China Holdings Ltd, giảm 1,84%

Nhóm cổ phiếu H tăng tốt nhất có Guangzhou Automobile Group Co Ltd tăng 4,24%; China Gas Holdings Ltd, tăng 3,2% và CRRC Corp Ltd, tăng 2,61%.

Nhóm cổ phiếu H giảm sâu gồm Haitong Securities Co Ltd, giảm 3,66%; Great Wall Motor Co Ltd giảm 1,9% và Huaneng Power International Inc giảm 1,8%.

Kết thúc phiên 11/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 71,48 điểm (-0,34%), xuống 21.148,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,51 điểm (+0,37%), lên 2.594,09 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 19,29 điểm (+0,07%), lên 25.771,67 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.350 đồng/USD

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay giảm 20.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,31 - 36,49 triệu đồng/lượng, giảm thêm 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.775 đồng/USD, tăng 9 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.260 - 23.350 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Ngân hàng ngóng nới room tín dụng

Room tín dụng của nhiều nhà băng đã cạn, nên các tổ chức tín dụng đang kỳ vọng nới hạn mức để có thêm dư địa cho vay, đáp ứng cầu vốn tăng mạnh mùa cao điểm lễ, tết cuối năm..>> Chi tiết

Chậm lên sàn: Toàn vì lỗi... khách quan?

Nếu quy định mới tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 180/2015/TT-BTC được ban hành, doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ không còn lý do gì để trì hoãn việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán..>> Chi tiết

Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh: Bên tăng vọt, bên giảm sâu

Sắp hết năm 2018, nhưng không ít doanh nghiệp đã và đang điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận thay đổi rất mạnh..>> Chi tiết

Doanh nghiệp Hoa Kỳ tính bài toán chuyển dịch đến Việt Nam

Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận nguồn đầu tư dịch chuyển? Trả lời được câu hỏi này, dòng vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể là Hoa Kỳ, đến Việt Nam sẽ có thay đổi lớn..>> Chi tiết

Những nước dè chừng Huawei

Ngoài cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran và Triều Tiên, nhiều nước cho rằng công nghệ 5G của Huawei đe dọa bảo mật thông tin..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.69 4.72 0.39% 141,593 tỷ
HNX 227.21 -0.36 -0.16% 1,300 tỷ
UPCOM 88.45 0.12 0.13% 406 tỷ