Cổ tức doanh nghiệp bảo hiểm: Người có, kẻ không!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Mùa đại hội cổ đông năm nay, trong khi nhiều doanh nghiệp bảo hiểm quyết định chi trả cổ tức với tỷ lệ từ 10% trở lên, thì vẫn có doanh nghiệp nói không với cổ tức.
Hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cổ tức từ 10% trở lên Hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cổ tức từ 10% trở lên

Tỷ lệ cổ tức dựa trên kết quả kinh doanh

Sau khi ghi nhận lợi nhuận khả quan từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2023, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Bảo hiểm BIDV, mã chứng khoán BIC) quyết định chi trả cổ tức ở mức 15% và sẽ duy trì mức này cho năm 2024.

Năm 2023, Bảo hiểm BIDV hoàn thành vượt 19,6% kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất, đạt 574 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ là 558 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 449,8 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với năm 2022. Lợi nhuận tăng cao nhờ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng hơn 53% (chủ yếu nhờ tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc giảm mạnh) và lợi nhuận thuần từ hoạt động đầu tư tăng hơn 11%. Theo đó, công ty bảo hiểm có ngân hàng mẹ là BIDV này duy trì vị thế Top 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về tỷ suất sinh lời.

Ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV cho biết, cổ tức năm 2023 được chi trả trong năm 2024 bằng tiền; cổ tức năm 2024 được chi trả vào năm 2025, còn việc chi trả bằng hình thức nào, tiền mặt hay cổ phiếu sẽ dựa vào kết quả kinh doanh thực tế năm 2024 và trình đại hội cổ đông năm 2025 phê duyệt. Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, đại hội cổ đông đã thông qua mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 600 tỷ đồng.

Với Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán BMI), Hội đồng quản trị dự kiến trình đại hội cổ đông tổ chức ngày 24/4/2024 phương án chi trả cổ tức năm 2023 là 15%, trong đó 5% bằng tiền, 10% bằng cổ phiếu; cổ tức bằng tiền sẽ được chi trả trong quý II/2024.

Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã chứng khoán PGI), cổ tức năm 2023 giống năm 2022 là 12% bằng tiền. Trong năm 2023, PJICO đạt lợi nhuận trước thuế 283,6 tỷ đồng, vượt 10,9% kế hoạch và tăng 12,3% so với năm 2022. Định hướng mục tiêu giai đoạn 2024 - 2029 của PJICO trong kịch bản tình hình thị trường ổn định và kinh doanh bình thường là tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc bình quân tối thiểu 3 - 5%/năm; tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 3%/năm; chi trả cổ tức bình quân tối thiểu 8%/năm bằng tiền, riêng năm 2024 tối thiểu 10% bằng tiền.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC, mã chứng khoán MIG) đã quyết định chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 10% bằng tiền. Trong năm 2023, MIC ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc 4.678 tỷ đồng, giảm 10%, nhưng nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng nên lợi nhuận trước thuế đạt 352 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2022.

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare, mã chứng khoán VNR) dự kiến trình đại hội cổ đông tổ chức ngày 24/4/2024 phương án chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 20%, gồm 10% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank (ABIC) chia cổ tức năm 2023 ở mức 51,34%, thay vì 20% như kế hoạch ban đầu, bao gồm 41,34% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Các doanh nghiệp bảo hiểm có xu hướng kết hợp trả cổ tức bằng tiền và bằng cổ phiếu.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị ABIC chia sẻ, sau khi nghiên cứu các công ty hàng đầu trên thế giới, ABIC nhận thấy việc trả cổ tức bằng cổ phiếu đang là xu hướng ở các nước phát triển. Việc chuyển từ chia cổ tức bằng tiền mặt sang cổ phiếu sẽ làm tăng giá trị tài sản và năng lực tài chính của doanh nghiệp, còn chia bằng tiền mặt sẽ ngược lại (gây giảm năng lực tài chính). Bởi thế, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ là xu hướng của ABIC trong những năm tới, nhằm tăng năng lực tài chính, nhất là trong bối cảnh vốn điều lệ của Công ty đang ở mức thấp nhất thị trường bảo hiểm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Công ty cổ phần PVI (mã chứng khoán PVI) và Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH) tuy không phải là doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng đều sở hữu 2 công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nên thường được xếp vào danh sách cổ phiếu bảo hiểm. Đại hội cổ đông PVI vừa thông qua phương án trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 32%, cao hơn so với kế hoạch trước đó là 28,5%. Với tổng số tiền chi trả cổ tức gần 750 tỷ đồng, hai cổ đông lớn nhất của PVI là HDI Global SE và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ nhận lần lượt 291 tỷ đồng và 262 tỷ đồng. Năm 2024, PVI đặt kế hoạch trả cổ tức ở mức tối thiểu là 28,5%.

PTI và VNI nói không với cổ tức

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán PTI) dự kiến không chia cổ tức năm 2024, do cả kế hoạch doanh thu lẫn lợi nhuận đều giảm so với mức thực hiện năm 2023.

Trong năm 2023, PTI lãi sau thuế hơn 252 tỷ đồng, nhưng do năm 2022 lỗ 347,4 tỷ đồng nên không chia cổ tức.

Theo đánh giá của lãnh đạo PTI, nhờ việc cải tổ tổ chức, sắp xếp lại hệ thống từ năm 2022 mà kết quả kinh doanh năm 2023 được cải thiện, trong đó chi phí kinh doanh bảo hiểm giảm đáng kể. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2023 là 4.568 tỷ đồng, giảm 14,68%, tương đương giảm 786 tỷ đồng so với năm 2022.

Về thị phần, PTI duy trì vị trí thứ 4 trong tổng số các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường. Doanh thu năm 2023 giảm so với năm 2022, nhưng phù hợp với chiến lược thu hẹp doanh thu phí bảo hiểm đối với các sản phẩm không còn mang lại hiệu quả như Bảo an tín dụng, Vững tâm an.

Năm 2024, PTI lên kế hoạch đạt doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 5.353 tỷ đồng, doanh thu hoạt động đầu tư tài chính 279,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng.

Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI), với số lợi nhuận khiêm tốn 24,6 tỷ đồng đạt được năm 2023, doanh nghiệp không chia cổ tức nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Tính từ năm 2017 đến nay, VNI có 7 năm liên tiếp không chia cổ tức.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp, nhà đầu tư quan tâm hơn đến các cổ phiếu có mức trả cổ tức cao, nhất là của các doanh nghiệp phát triển ổn định, trong đó có cổ phiếu bảo hiểm.

Với cổ phiếu PTI, anh Nguyễn Anh Tuấn, một cổ đông của doanh nghiệp này cho biết, tuy không được chia cổ tức trong 2 năm qua và dự kiến năm nay cũng không có cổ tức, nhưng anh vẫn kiên trì nắm giữ cổ phiếu, vì ngay từ đầu đã xác định đầu tư dài hạn và kỳ vọng vào tương lai sáng hơn của doanh nghiệp.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục