Phiên chiều 9/2: Dòng tiền hào hứng, VN-Index vẫn hụt bước

(ĐTCK) Dòng tiền tiếp tục tích cực chảy vào thị trường giúp thanh khoản tăng mạnh trở lại, đồng thời số mã tăng vẫn chiếm ưu thế so với số mã giảm, tuy nhiên, VN-Index vẫn giảm điểm khá đáng tiếc do một vài mã vốn hóa lớn giảm mạnh.
Phiên chiều 9/2: Dòng tiền hào hứng, VN-Index vẫn hụt bước

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/2, với 140 mã tăng và 116 mã giảm, VN-Index giảm 1,39 điểm (-0,2%) về 700,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 147,54 triệu đơn vị, giá trị 3.188 tỷ đồng, tăng gần 19% so với phiên 8/2.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,2 triệu đơn vị, giá trị 393,6 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận: 1,31 triệu cổ phiếu GMD, giá trị 39,3 tỷ đồng; 1,734 triệu cổ phiếu NT2, giá trị 53,86 tỷ đồng; 1,35 triệu cổ phiếu SBT, giá trị 32,04 tỷ đồng; 0,8 triệu cổ phiếu VNM, giá trị gần 108 tỷ đồng.

Bản tin tài chính trưa 9/2

Diễn biến phiên giao dịch sáng cho thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã chịu áp lực bán ra từ sớm và tiếp tục được “tô đậm” hơn trong phiên chiều. Trong số 10 mã vốn hóa lớn nhất chỉ còn 2 mã tăng điểm là VNM và ROS, còn lại 8 mã giảm điểm. Tuy nhiên, đa phần trong số này đều hút mạnh dòng tiền.

Về phía tăng, ROS duy trì được mức tăng vững 0,8% lên 135.400 đồng/CP, khớp lệnh 2,34 triệu đơn vị. VNM chỉ tăng 0,1% lên 134.100 đồng/CP và khớp 0,814 triệu đơn vị.

Với các mã giảm, SAB tiếp tục là gánh nặng lớn nhất của chỉ số khi đà giảm nới rộng hơn trong phiên chiều, đóng cửa giảm 2% về 211.000 đồng/CP, thanh khoản cũng cũng tăng mạnh so với 6 phiên gần đây, đạt 0,15 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tiếp đến là GAS, với mức giảm 1,9% về 58.000 đồng/CP và thanh khoản tăng đột biến lên 2,47 triệu đơn vị. Nhiều khả năng, nhà đầu tư đã chốt lời cổ phiếu ESOP nhận được, khiến GAS giảm điểm.

HPG bất ngờ bị bán mạnh trong phiên chiều nên quay đầu giảm 0,2% về 44.550 đồng/CP, thanh khoản tiếp tục dẫn đầu trong nhóm vốn hóa lớn với lượng khớp 5,67 triệu đơn vị.

Các mã vốn hóa lớn có thanh khoản mạnh khác là BID (3,89 triệu đơn vị), STB (2,15 triệu đơn vị), CTG (1,59 triệu đơn vị), VCB (1,2 triệu đơn vị) và dĩ nhiều đều giảm điểm. Chính việc nhóm này chịu áp lực bán khá mạnh, nên VN-Index không thể tăng điểm, dù dù độ rộng tăng giá của chỉ số là khá tích cực.

Ngoài ra, nhiều mã bluechips như CTG, DPM, HSG, CII, DPM, PVD, REE đều có mức khớp trên 1 triệu đơn vị.

Dòng tiền đã quay lại mạnh mẽ với nhóm cổ phiếu lớn và bluechips, đáng chú ý trong đó là khối ngoại hoạt động hết sức tích cực, điển hình tại các mã NT2, STB, VNM, MSN.

Tương tự là với nhóm cổ phiếu thị trường. HAG đã vượt mặt FLC để trở thành mã dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường, với 8,75 triệu đơn vị được sang tên, trong khi FLC chỉ khớp lệnh 7,77 triệu đơn vị, giảm hơn một nửa so với phiên trước đó.

Mặc dù vậy, HAG cũng chị chốt lời mạnh sau chuỗi phiên tăng trước đó, đóng cửa giảm 3,4% về 5.950 đồng/CP. Trong khi FLC về được mốc tham chiếu 5.510 đồng/CP.

HNG thậm chí còn giảm sàn về 8.100 đồng/CP và khớp được 2,77 triệu đơn vị. Tương tự, HVG cũng trở lại mức sàn 6.580 đồng/CP chỉ sau 1 phiên tăng, khớp lệnh 2,76 triệu đơn vị. OGC khớp lệnh 7,26 triệu đơn vị, giảm 1,44% về 1.440 đồng/CP.

Ngoài các mã trên, đa phần các mã thị trường có thanh khoản tốt (từ 2-6 triệu đơn vị) đều tăng điểm như HQC, KBC, GTN, HBC, KSA, TLH, HID…

Nhóm cổ phiếu như CDO, TTF, AGR, ANY, ATG, PTL, SGT… tiếp tục duy trì sắc tím đậm.

Trên sàn HNX, chỉ số sàn này tiếp tục diễn biến giằng co mạnh trong bối cảnh sắc xanh dần suy giảm. Tuy nhiên, với việc nhóm cổ phiếu dầu khí có sự cải thiện về giá, trong khi các mã trụ như ACB, CEO, DBC, HUT, LAS, VCS… lại không giảm điểm, nên chỉ số vẫn giữ được sắc xanh.

Đóng cửa, với 81 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index tăng 0,36 điểm (+0,42%) lên mức 85,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,86 triệu đơn vị, giá trị 314 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận cũng khiêm tốn, chỉ gần 21 tỷ đồng, đáng chú có thỏa thuận của 1,04 triệu cổ phiếu SHB, giá trị 5,2 tỷ đồng.

KLF vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản với chỉ 3,7 triệu đơn vị, giảm gần một nửa so với phiên liền trước, đóng cửa ở mức tham chiếu 2.500 đồng/CP.

SHB khớp 2,03 triệu đơn vị, các mã HUT, VGS, VCG, PVS khớp trên 1 triệu đơn vị.

Các mã HBK, KSK, KHB, KDM, BII… vẫn giữ nguyên sắc tím, trong đó HKB khớp lệnh 1,46 triệu đơn vị mà vẫn còn sư mua trần và ATC hơn 1,3 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, sắc xanh cũng được duy trì khi nhiều mã lớn như ACV, QNS, FOX, FSN, SDI… có được đà tăng ổn định.

Đóng cửa, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,39%) lên 54,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,45 triệu đơn vị, giá trị 76 tỷ đồng.

Mã TOP giữ vững mức trần 1.800 đồng/CP, khớp lệnh mạnh nhất sàn với 1,14 triệu đơn vị, vượt trội so với mã đứng thứ 2 là TIS với 0,549 triệu đơn vị. Tiếp đó là TVB, ACV và PXL, với lượng khớp từ 0,2-04 triệu đơn vị.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ