Được ăn cả, ngã chẳng về không
Không ít cổ phiếu một thời “khuấy động” thị trường như HAR, TSC, KLF, ITQ... giờ thị giá chỉ còn chưa đến 3.000 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm khiến giá cổ phiếu lao dốc. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư trên thị trường chuyên đi săn những mã thị giá thấp, bởi cơ hội sinh lời có thể cao hơn nhiều mặt bằng chung, dù rủi ro rất lớn.
Thực tế cho thấy, có những nhà đầu tư “đổi đời” nhờ săn cổ phiếu giá “bèo” lúc doanh nghiệp chìm trong khó khăn và thắng lợi lúc công ty hồi phục.
Chẳng hạn, cuối năm 2013, Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) có tin đồn đứng trước nguy cơ phá sản trong bối cảnh cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết sau 2 năm thua lỗ liên tiếp. Giá cổ phiếu SHN liên tục giảm, có thời điểm chỉ còn 600 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, sau khi chuyển nhượng Dự án Tây Mỗ để thoát lỗ - thoát án hủy niêm yết trong năm 2013, SHN cùng Geleximco và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Bình ký kết hợp tác chiến lược giữa ba bên trong việc tư vấn, hỗ trợ triển khai công tác tái cấu trúc toàn diện, giá cổ phiếu SHN đã tăng lên 24.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đây, khi chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp hủy niêm yết phải đăng ký giao dịch trên UPCoM, lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu thị giá thấp như trên đồng nghĩa với việc nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro mất trắng khoản đầu tư nếu công ty không kịp vực dậy để trụ lại sàn.
Bởi lẽ, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết thì nhà đầu tư sẽ lâm vào tình cảnh không biết bán cho ai. Tuy nhiên, hiện nay, sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trên UPCoM, giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro về thanh khoản.
Đãi cát tìm vàng
Trong số các doanh nghiệp thị giá thấp niêm yết, tính đến ngày 3/2/2017 đã có hơn 20 công ty công bố báo cáo tài chính tự lập quý IV/2016, qua đó có ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh cả năm 2016 (xem bảng). Điểm chung của nhóm này là kết quả thua lỗ trong quý IV/2016 đang chiếm ưu thế.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của không ít công ty vừa trải qua đợt giảm giá “chóng mặt” giai đoạn cuối năm vừa qua như: TNT, ACM, KSH, KHB… Có thể chia các cổ phiếu này thành 2 nhóm.
Thứ nhất là nhóm cổ phiếu gần như cầm chắc “án” hủy niêm yết như VNH của Công ty cổ phần Thủy sản Việt Nhật, khi kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tục và được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cảnh báo đến nhà đầu tư.
Thứ hai là nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh thua lỗ, hoạt động yếu kém trong thời gian gần đây, nhưng có cơ hội, có thời gian để vực lại hoạt động.
Với đặc trưng giá giao dịch ở dưới giá trị sổ sách một khoảng cách khá xa, không ít cổ phiếu tạo được sự hấp dẫn với những nhà đầu tư cơ bản, tìm kiếm cơ hội tại doanh nghiệp tạm thời xa cơ lỡ vận, đón đầu khả năng hồi phục.
Các nhà đầu tư thường quan tâm đến những trường hợp cổ phiếu thị giá thấp, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nhưng nội bộ lại mua mạnh, hay xuất hiện những cổ đông lớn mới. Chẳng hạn, trường hợp của KHB, IDJ, KVC… trong thời gian qua.
Cổ phiếu thị giá thấp tạo sự hấp dẫn với nhà đầu tư thích mạo hiểm bởi những biến động giá lên đến hàng chục phần trăm trong thời gian ngắn, điều mà những cổ phiếu lớn không mấy khi có được.
Trường hợp cổ phiếu PTL của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí PVC là một ví dụ. Thuộc diện cảnh báo sau 3 quý thua lỗ liên tiếp từ đầu năm 2016, thị giá cổ phiếu PTL chỉ còn 2.500 đồng/cổ phiếu, nhưng với thông tin Công ty chuyển nhượng dự án tại quận 9, TP. HCM với giá trị 564 tỷ đồng, trong đó PTL đã góp 70%, giá cổ phiếu này nhanh chóng tăng gần 14% sau 3 phiên trước khi nghỉ Tết.
PTL có tiền, một mặt nhanh chóng trả phần cổ tức đã nợ hơn 5 năm qua và quan trọng hơn, nguồn tiền này sẽ giúp giải quyết các khó khăn tài chính và vực dậy doanh nghiệp. Dù chưa biết lợi nhuận ghi nhận từ chuyển nhượng dự án là bao nhiêu, nhưng thị trường kỳ vọng, kết quả kinh doanh quý IV của Công ty sẽ có sự đột biến. Thông tin về cổ đông lớn liên tục mua thêm cổ phần cũng làm nhà đầu tư nhỏ lẻ thêm phần yên tâm.
Dù vậy, rủi ro ở nhóm doanh nghiệp này là không nhỏ nên các nhà đầu tư thường tập trung vào các doanh nghiệp có được điểm sáng nào đó như chuyển nhượng dự án, tái cấu trúc, ngành kinh doanh chính phục hồi.
Nhà đầu tư chủ động tham dự các sự kiện như doanh nghiệp tổ chức đại hội đồng cổ đông, gặp gỡ nhà đầu tư… để tiếp xúc với lãnh đạo công ty, qua đó nắm bắt thông tin nhằm có cơ sở để ra quyết định mua bán cổ phiếu. Những công ty mắc “án” vi phạm công bố thông tin thường bị nhà đầu tư đánh giá thấp, vì đây là biểu hiện của tính minh bạch thấp.