UPCoM: Sức hút vốn ngoại lớn dần

(ĐTCK) Hoạt động giao dịch của khối ngoại trên UPCoM đang có những bước chuyển rõ rệt sau khi đón lượng cung hàng lớn, trong đó không ít cổ phiếu chất lượng. Đặc biệt, những cổ phiếu nằm trong “tầm ngắm” của khối này đều được giới đầu tư quan tâm.
UPCoM: Sức hút vốn ngoại lớn dần

Từ tháng 11/2016 đến hết tháng 1/2017, trên UPCoM, các nhà đầu nước ngoài đã mua vào 21,3 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 990 tỷ đồng; ngược lại, bán ra hơn 10 triệu cổ phiếu, giá trị 545,7 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt hơn 11 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng xấp xỉ 446 tỷ đồng. So sánh với các năm trước và những tháng đầu năm 2016, bức tranh giao dịch của khối ngoại trên UPCoM đã khởi sắc rõ rệt.

Với sự gia tăng mạnh về vốn hóa và chất lượng hàng hóa, việc dòng tiền ngoại đổ về UPCoM ngày một tăng không phải là điều bất ngờ. Tuy nhiên, lựa chọn của nhóm này trong số hơn 450 cổ phiếu tại UPCoM và hơn 100 “tân binh” vừa gia nhập kể từ tháng 11/2016  đến nay, là yếu tố đáng quan tâm.

Trong tháng 1.2017, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 113 nhà đầu tư nước ngoài (12 tổ chức và 101 cá nhân), số dư mã số giao dịch chứng khoán hiện tại là 20.372 mã (3.164 tổ chức và 17.208 cá nhân)

Cổ phiếu dẫn đầu giao dịch của khối ngoại trên UPCoM là cái tên quen thuộc ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Trong vòng 3 tháng gần nhất, hơn 20 triệu cổ phiếu ACV được nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng, trong đó mua vào 14,6 triệu cổ phiếu.

Cũng thuộc nhóm được khối ngoại giao dịch mạnh nhất (chủ yếu là mua vào) trong thời gian này còn có cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi và HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VietNam Airlines). Một loạt mã đình đám trước đó như GEX, SGN, VGG…, hay VGC dù đã chuyển sang sàn HNX cũng nằm trong danh sách này.

UPCoM: Sức hút vốn ngoại lớn dần ảnh 1

Trong số đó, các mã PHH, SGN và QNS được các quỹ đầu tư giao dịch đáng kể. Chẳng hạn, Asean deep Value liên tục tăng tỷ lệ sở hữu tại PHH, hay VinaCapital trở thành cổ đông lớn của QNS sau khi mua thêm 293.900 cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu từ 4,97% lên 5,13%, hoặc SGN nhận khoản đầu tư đầu tiên từ ANDBANC INVESTMENTS SIF-VIETNAM VALUE AND INCOME PORTFOLIO.

Trong nhóm cổ phiếu gồm toàn các “ông lớn” nói trên, đến thời điểm hiện tại, ACV và VGG là 2 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý IV/2016 ấn tượng. Cụ thể, ACV lãi hơn 2.000 tỷ đồng, vượt trội so với 2 quý trước (quý II lỗ 123,7 tỷ đồng, quý III lãi 804 tỷ đồng), sau khi chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 4/2016; trong khi VGG lãi ròng hợp nhất hơn 400 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ 2015. 

Ngược lại, ở chiều bán ra, ACV là mã được khối ngoại bán mạnh nhất, với hơn 6,96 triệu cổ phiếu. Tiếp đó là SGS với 4,9 triệu và AGX là 2,2 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, bị khối ngoại bán mạnh còn có SGS, AGX, WSB, VGC, GEX, SDI, BHN…

UPCoM: Sức hút vốn ngoại lớn dần ảnh 2

Với SGS, giao dịch chính đến từ việc cổ đông lớn ERRIA A/S quyết định thoái toàn bộ 27,55% vốn (tương đương 3,9 triệu cổ phiếu), nhường chỗ cho sự tham gia của Quỹ đầu tư giá trị Bảo Việt (BVIF).

Còn tại AGX, Jaccar Holdings giảm tỷ lệ sỡ hữu tại doanh nghiệp này từ 36,67% xuống còn 16,03% sau khi bán đi 2,2 triệu cổ phiếu đang nắm giữ.

Trong danh sách này, việc bán mạnh WSB và BHN được xem là động thái chốt lời phần nào của khối ngoại sau “sóng cổ phiếu bia” diễn ra trước đó. Cụ thể, các nhà đầu tư ngoại bán ra 957.100 cổ phiếu WSB và 220.800 cổ phiếu BHN. GEX và SDI, 2 cổ phiếu vốn hóa lớn, cũng bị bán ra lần lượt 511.000 cổ phiếu và 252.000 cổ phiếu. 

So sánh với giai đoạn trước, bên cạnh yếu tố quy mô, giao dịch của khối ngoại trở nên sôi động khi dòng tiền được phân bổ đồng đều hơn tại các cổ phiếu cho thấy sự nâng cấp của chất lượng hàng hóa, cũng như niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với UPCoM.

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), trong tháng 1/2017, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 113 nhà đầu tư nước ngoài (12 tổ chức và 101 cá nhân). Số dư mã số giao dịch chứng khoán hiện tại là 20.372 mã (3.164 tổ chức và 17.208 cá nhân).

Những con số trên là cơ sở để kỳ vọng vào những lớp nhà đầu tư mới đặt niềm tin vào sàn UPCoM. Khi lên sàn này, nếu "gạn đục, khơi trong" sẽ có nhiều cổ phiếu tốt. 

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục