Phiên sáng 9/2: SAB và GAS phá hỏng tiệc vui

(ĐTCK) Sắc xanh chiếm ưu thế, nhiều mã lớn cũng tăng giá, nhưng với việc SAB và GAS giảm sâu đã phá hỏng hết nỗ lực của thị trường, đẩy VN-Index giảm điểm trở lại.
Phiên sáng 9/2: SAB và GAS phá hỏng tiệc vui

Việc các cổ phiếu như BID, CTG, VCB hay STB được giao dịch mạnh gần đây tạo kỳ vọng rằng, bên cạnh yếu tố linh hoạt của dòng tiền, dòng bank sẽ trở lại là động lực chính giúp VN-Index bứt phá khỏi trạng thái tích lũy quanh vùng 700-705 hiện tại, như thời điểm những tháng cuối năm ngoái khi nhóm này tạo sức bật giúp VN-Index vượt mức đỉnh của năm 690 điểm. Tuy nhiên, do thanh khoản đang suy giảm trở lại cho thấy sự thận trọng trong giao dịch của nhà đầu tư gia tăng, nên trạng thái tích lũy này sẽ còn duy trì trong những phiên còn lại của tuần.

Hiện tại, các mã CTG và STB đang tăng khá ổn định, còn BID và MBB lình xình quanh tham chiếu, trong khi VCB giảm điểm ngay khi mở cửa.

Được biết, trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ngày hôm qua, VCB cam kết sẽ hỗ trợ 1 ngân hàng yếu kém, tuy nhiên, tên nhà băng cũng như phương án hỗ trợ cụ thể chưa được công bố. Do vậy, việc VCB giảm điểm trở lại trong phiên sáng nay ngoài nguyên nhân thông thường là điều chỉnh sau chuỗi tăng trước đó, có lẽ phần nào do chịu tác động từ thông tin này.

Về thanh khoản, giao dịch tại nhóm bluechips đang có dấu hiệu chững lại, hiện chỉ có HPG, BID và ROS đạt mức khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, trong đó ROS, HPG tăng điểm. VNM lình xình quanh tham chiếu.

GAS có thanh khoản khá đột biến ngay đầu phiên, bởi hôm nay là ngày giao dịch đầu tiên của 18,95 triệu cổ phiếu ESOP phát hành đầu năm 2016 và bị hạn chế chuyển nhượng đến nay. Hiện GAS khớp lệnh gần 1 triệu đơn vị chỉ sau 30 phút giao dịch, song đang giảm khá mạnh 2% về 57.900 đồng/CP.

Ngoài ra, các mã SAB, VIC, MSN giao dịch dưới tham chiếu, trong đó SAB giảm khá mạnh 1,1% về 213.000 đồng/CP.

Trong khi đó, dòng tiền hoạt động khá tích cực tại nhóm cổ phiếu thị trường, tiêu biểu là tại FLC, ITA, HAG, HQC, VHG, OGC… HQC dẫn đầu thanh khoản với hơn 2,5 triệu đơn vị được khớp, tăng 3,5%.

Nhóm cổ phiếu CDO, ATG, MCG, LHG, SGT, ANV, KAC, UDC... vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trần liên tiếp của mình khi lực cung không còn nhiều, trong khi lực cầu ngày càng lớn.

KLF và HKB là 2 mã cao nhất trên HNX với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và cùng tăng điểm, trong HBK tăng trần.

Tại thời điểm 10h15, trước áp lực tại nhóm cổ phiếu trụ, VN-Index giảm điểm trở lại, trong khi HNX-Index duy trì sắc xanh trước sự ổn định của nhóm HNX30.

Dần về cuối phiên, thị trường diễn biến tích cực hơn khi độ rộng tăng giá được cải thiện khi số mã tăng chiếm ưu thế, nhóm VN30 diễn biến cân bằng, tuy nhiên VN-Index chưa thể tăng điểm do áp lực từ một vài mã vốn hóa lớn. Trong khi đó, HNX-Index vẫn duy trì được sắc xanh nhạt khi ít chịu tác động từ nhóm cổ phiếu trụ. Điểm tích cực là hoạt động giao dịch khá cởi mở hơn, giúp thanh khoản trên 2 sàn có sự cải thiện nhẹ.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 9/2, với 134 mã tăng và 102 mã giảm, VN-Index giảm 0,82 điểm (-0,12%) về 701,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 77,55 triệu đơn vị, giá trị 1.642,88 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn 2,3 triệu đơn vị, giá trị gần 93 tỷ đồng.

Ngược lại, với 59 mã tăng và 67 mã giảm, HNX-Index tăng 0,19 điểm (+0,22%) lên mức 85,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 21,16 triệu đơn vị, giá trị 171,32 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận cũng khiêm tốn, chỉ gần 9 tỷ đồng.

Đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, GAS và SAB là 2 gánh nặng lớn nhất khiến VN-Index không thể tăng. SAB giảm mạnh 2% xuống 211.100 đồng/CP, còn GAS giảm 1,9% về 58.00 đồng/CP. Trong ngày chính thức giao dịch gần 19 triệu cổ phiếu ESOP, thanh khoản của GAS tăng vọt, đạt 1,84 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra, các mã BID, VCB, VIC, BVH, MSN cũng giảm điểm, góp phần níu chân chỉ số. Trong số 10 mã vốn hóa lớn nhất, chỉ còn VNM, HPG và ROS là tăng điểm.

Về thanh khoản, ngoài GAS, khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị còn có BID (2,46 triệu), HPG (2,1 triệu), ROS (1,7 triệu).

Tại nhóm ngân hàng, cùng được giao dịch mạnh với BID còn có CTG (1,1 triệu) và STB (1,4 triệu). VCB khớp 0,684 triệu đơn vị và giảm nhẹ 0,1% về 39.700 đồng/CP.

 Đối với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là các mã thị trường, giao dịch vẫn diễn ra tích cực. HQC dẫn dầu thanh khoản thị trường với 5,03 triệu đơn vị được khớp. Nhiều mã cũng đạt thanh khoản tốt là FLC, HAG, ITA, KBC, OGC, DLG, KSA… và hầu hết đều tăng điểm.

Trong khi đó, lực cung hạn chế tiếp tục giúp các mã như CDO, ATG, MCG, LHG, SGT, ANV, KAC, UDC... duy trì sắc tím. CDO dư mua trần 1,35 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sắc tím cũng nở rộ ở nhiều mã như HKB, KVC, NHP, KHB, ASA, BII… trong đó, HKB khớp lệnh 1,4 triệu đơn vị, đứng thứ 2 của sàn.

Dẫn đầu là KLF với 1,7 triệu đơn vị được khớp, nhưng lùi về mốc tham chiếu 2.500 đồng/CP khi chốt phiên.

Các mã trụ trên sàn này ACB, DBC, NTP, PVS, VCS… khá yếu nên không hỗ nhiều cho HNX-Index.

Trên sàn UPCoM, chốt phiên, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,05%) lên 54,89 điểm. Thanh khoản trên sàn này dù tăng song vẫn khá thấp, tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 2,5 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 46 tỷ đồng.

Mã TOP được khớp lệnh mạnh nhất sàn với 842.600 đơn vị khớp lệnh, vượt trội so với mã đứng thứ 2 là TIS với 283.000 đơn vị. TOP tăng trần lên 1.800 đồng/CP.

Các mã lớn như ACV, MSR, VIB, SEA, QNS… duy trì mức tăng nhẹ, trong khi HVN đứng giá tham chiếu.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục