Không thể mãi… ngược dòng

(ĐTCK) Ngành giấy trên toàn thế giới đang tiếp tục gánh chịu hậu quả của suy thoái kinh tế toàn cầu khi giá bột và giá giấy đều giảm. Mức huy động công suất thiết bị của ngành giấy châu Á chỉ đạt khoảng 60 - 80%. Ngành giấy Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này khi công suất chỉ đạt 40 - 60%. Trong khi đó, sự cạnh tranh của giấy ngoại ngày càng gay gắt do có sự vượt trội cả về giá cả và chất lượng.
Ngành sản xuất và lắp ráp ô tô của Việt Nam có vị trí khá thấp trong khu vực ASEAN dù nhận được khá nhiều ưu ái. Ngành sản xuất và lắp ráp ô tô của Việt Nam có vị trí khá thấp trong khu vực ASEAN dù nhận được khá nhiều ưu ái.

Theo Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, giá giấy nội không thể giảm nhiều như giá giấy trong khu vực, vì thế giấy nội địa khó có thể chống lại sự cạnh tranh của giấy nhập khẩu. Những tiếng kêu cứu từ doanh nghiệp ngành này đã được đệ trình lên các cấp có thẩm quyền với mong muốn được nâng ngay thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (CEPT) từ 3% lên 5% đối với giấy in báo và giấy viết. 

Trao đổi với ĐTCK, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, về nguyên tắc Việt Nam có thể dùng các biện pháp để bảo vệ cho hàng hóa trong nước khi chứng minh được hàng hóa trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ hàng nhập khẩu bên ngoài. Chính vì thế, nếu muốn áp dụng biện pháp tự vệ khẩn để bảo vệ sản xuất giấy trong nước, các doanh nghiệp phải chứng minh được với mức thuế như vậy thì hàng bên ngoài vào sẽ gây ảnh hưởng bao nhiêu phần trăm sản lượng của ngành giấy Việt Nam…

Các doanh nghiệp bị thiệt hại cùng nhau kiến nghị với Chính phủ và đề xuất biện pháp tự vệ. Chính phủ có thể xem xét các biện pháp như tăng thuế hoặc hạn chế nhập khẩu từ bên ngoài… Tuy nhiên, theo bà Lan những biện pháp này (nếu có) cũng chỉ được sử dụng có thời hạn, chứ không thể kéo dài. Bà Lan cũng cho rằng, nên cân nhắc kỹ khi áp dụng, vì tất cả các nước đều tránh sử dụng những công cụ này khi không thật cần thiết.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Công Thương thì không nên tăng thuế vì như vậy sẽ đi ngược với "sân chơi" hội nhập. Hơn nữa, gốc rễ yếu kém của ngành giấy là công nghệ lạc hậu nên không thể cạnh tranh với sản phẩm trong khu vực. Trao đổi với đại diện Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam tại một hội nghị kinh tế châu Á mới đây về kiến nghị của doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam xin tăng thuế nhập khẩu ưu đãi các mặt hàng này, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, bà Mari E.Pangestu cũng cho rằng, về nguyên tắc là có thể được, nhưng Việt Nam cần cân nhắc xem có nên áp dụng biện pháp đó hay là dùng những biện pháp khác. Bởi nếu Việt Nam áp dụng rào cản thuế đối với hàng nhập khẩu của các nước khác thì các nước cũng có những rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Việc xin giảm hay tăng thuế để bảo hộ sản xuất trong nước không phải là câu chuyện mới của một số ngành kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề cần phải nhìn nhận là sự bảo hộ (bằng các cách khác nhau trong đó có công cụ thuế) có giúp các ngành này phát triển tốt hơn? Sau hơn 10 năm được "chăm sóc và nuôi dưỡng" trong những điều kiện tốt nhất có thể, nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN thì ngành sản xuất và lắp ráp ô tô của Việt Nam chỉ xếp trên Lào, Campuchia và Myanmar. Sau bao nhiêu năm, ngành công nghiệp này vẫn luẩn quẩn trong vòng lắp rắp với tỷ lệ nội địa hoá thấp.

Người tiêu dùng Việt Nam cũng đã không ít lần bất bình với các doanh nghiệp trong ngành thép. Bởi một câu chuyện đã lặp đi lặp lại nhiều lần là mỗi khi giá thép thế giới nhúc nhích tăng, lập tức giá thép trong nước đã tăng vọt, các nhà thầu xây dựng lao đao. Và khi giá thép thế giới giảm mạnh, các nước giảm thuế xuất khẩu, các doanh nghiệp này lại đòi bảo hộ.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, giống với một số ngành kinh tế khác như xi măng, sắt thép…, ngành giấy là một ngành đã được bảo hộ đã khá lâu, dù hiện tại mức bảo hộ đã giảm nhưng vẫn còn tương đối cao so với một số ngành. Chính vì vậy, Nhà nước cũng cần xem lại có cần thiết phải bảo hộ lâu đến thế không? Lộ trình giảm thuế đã được Nhà nước công bố rõ ràng, nhưng trong thời gian đó các doanh nghiệp đã làm gì để cải thiện năng lực cạnh tranh của mình, hay là vẫn muốn dựa vào Nhà nước. Sự bảo hộ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng và các ngành nghề khác phải sử dụng những vật tư đó.

Theo bà Lan, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên Chính phủ phải cân nhắc để bảo hộ một số ngành có ảnh hưởng tới số đông người tiêu dùng và nền kinh tế, vì trong bối cảnh hiện nay thì xu hướng chung trên thế giới là bảo hộ sản xuất trong nước. "Nhưng đấy chỉ là trong bối cảnh hiện nay, còn về lâu dài thì mọi ngành kinh tế phải đi theo hướng thị trường và ngay từ bây giờ Chính phủ cũng nên xem xét ‘nói không’ bảo hộ với những kinh tế được bao bọc đã lâu mà vẫn trì trệ", bà Lan nhấn mạnh.

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.22 0.25 0.02% 122,406 tỷ
HNX 226.56 -1.01 -0.45% 1,135 tỷ
UPCOM 88.43 0.1 0.12% 359 tỷ