Cổ phiếu thị giá nhỏ tắc đường tăng vốn

(ĐTCK-online) Theo thống kê sơ bộ, đến ngày 6/5, trên cả hai sàn niêm yết có khoảng 200 cổ phiếu có thị giá thấp hơn mệnh giá. Điều đáng nói là không ít đơn vị trong số này có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn trong thời gian tới. Khi TTCK được dự báo còn lình xình, "cửa" tăng vốn của các đơn vị này dù theo hướng nào cũng… không dễ mở.
Trên cả hai sàn niêm yết hiện có khoảng 200 cổ phiếu có thị giá thấp hơn mệnh giá - Ảnh: Hoài Nam Trên cả hai sàn niêm yết hiện có khoảng 200 cổ phiếu có thị giá thấp hơn mệnh giá - Ảnh: Hoài Nam

 

Bế tắc

Chỉ nhìn vào con số huy động vốn qua TTCK trong quý I/2011 giảm 50% so với cùng kỳ đã thấy, DN niêm yết nói chung (chứ chưa nói các đơn vị có cổ phiếu giá thấp) muốn tăng vốn trong giai đoạn này không còn dễ. Không chỉ hiện tại, ngay từ những tháng cuối năm 2010, nhiều DN cũng vỡ kế hoạch phát hành thêm do thị giá cổ phiếu xuống quá thấp.

Cuối năm ngoái, CTCK Phố Wall (WSS) có kế hoạch tăng vốn hoành tráng, từ 366 tỷ đồng lên khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhưng theo báo cáo về đợt chào bán 70,2 triệu cổ phiếu của WSS, mặc dù đã xin gia hạn thêm 30 ngày kể từ 27/11/2010 để phân phối, Công ty cũng chỉ bán được 19,5% khối lượng cổ phiếu chào bán (tương đương 13,7 triệu cổ phiếu). 

Cùng cảnh ngộ, kết thúc hạn đăng ký mua (3/11/2010), CTCK An Phát (APG) chỉ bán được 0,43% trong tổng số 6,75 triệu cổ phiếu chào bán. Hay CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) dù 2 lần chỉnh sửa thời gian nộp tiền (lần 1, kéo thêm 1 tuần so với dự kiến ban đầu, từ 30/11 - 30/12/2010; lần 2, từ 30/11/2010 -7/1/2011) vẫn không bán hết.

Các đợt phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược ở một số đơn vị cũng bị thất bại nặng nề. Một số DN như CTCP Xuất khẩu thủy sản Ngô Quyền (NGC) thậm chí đành gác kế hoạch tăng vốn, dù trước đó NGC đã có động thái hạ số lượng phát hành dự kiến từ 1,8 triệu cổ phiếu xuống 0,8 triệu cổ phiếu.

 

Đành lui

Lý do khiến NGC đắn đo còn WSS, APG, PVR, TLC trầy trật với kế hoạch tăng vốn trong năm 2010, chủ yếu vì giá cổ phiếu phát hành không còn hấp dẫn cổ đông. Từ lúc đăng ký đến hạn thanh toán tiền mua (20/10/2010 đến 15/12/2010), giá cổ phiếu WSS chỉ xoay quanh mức 10.000 đồng/CP, thậm chí có lúc xuống dưới mệnh giá. Vì thế, nhà đầu tư không còn động lực để bỏ tiền vào Công ty.

Ông Nguyễn Đình Hiển, Chủ tịch HĐQT CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) cho biết, giá cổ phiếu đang thấp hơn mệnh giá nên phương án tăng vốn qua TTCK không khả thi. Nếu cần vốn đầu tư, sản xuất, SMA phải tính đến việc đi vay ngân hàng.

Tuy nhiên, trong thời điểm lãi vay tăng cao và nguồn vốn ngân hàng cũng khá eo hẹp như hiện nay, nhiều DN niêm yết khẳng định sẽ kiên trì theo đuổi kế hoạch tăng vốn. "Chúng tôi sẽ chờ thời điểm thị trường thuận lợi và ít nhất giá cổ phiếu phải bằng mệnh giá mới tiến hành tăng vốn", ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc APG cho biết.

Còn ông Nguyễn Hữu Hoạt, Phó tổng giám đốc của PNC chia sẻ: "Chúng tôi chỉ tính  đến việc tăng vốn nếu đàm phán với đối tác được mức giá cao".

CTCP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí (PXT) lại có cách xoay xở khác. Ông Mai Đình Bảo, Phó tổng giám PXT nói: "Trường hợp TTCK không thuận lợi, chúng tôi sẽ tìm sự hỗ trợ từ cổ đông lớn". Sở dĩ PXT tự tin tính đến hướng này vì Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam, đơn vị nắm 51% cổ phần ở PXT sẽ mua 190 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu phát hành mới trong tổng vốn 300 tỷ đồng dự kiến tăng thêm. Dù vậy, để  tránh áp lực vốn, PXT tính đến giãn tiến độ đầu tư  Nhà máy Sản xuất bình bồn dầu khí và KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp - Tiền Giang.

Để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, một vài DN như Tribeco, Bông Bạch Tuyết đã tính đến việc phát hành thêm cổ phiếu dưới mệnh giá. Đối với những trường hợp này, ông Phạm Thứ Triệu, Phó giám đốc Khối ngân hàng đầu tư, CTCK Thăng Long (TLS) cho rằng, vạn bất đắc dĩ DN mới phải phát hành kiểu này vì vốn điều lệ tăng nhưng thặng dư cổ phần bị âm.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM: "Vấn đề quan trọng khi đánh giá một đợt phát hành là nhìn vào giá trị tài sản còn lại của DN". Như Bông Bạch Tuyết, trong tình cảnh tài chính kiệt quệ và ngấp nghé bờ vực phá sản, có cổ đông chiến lược chịu bỏ vốn vào, tham gia vực dậy kinh doanh, chịu đứng ra gánh nợ, tạo hy vọng mới cho Công ty thì đó đã là một thành công. Vì thế, nếu Công ty phát hành cổ phiếu dù chỉ với giá 3.520 đồng/CP cũng không phải là tín hiệu xấu".

Hình ảnh DN chỉ xấu đi với những trường hợp giá trị tài sản công ty tốt nhưng lại bán cổ phần với mức rất thấp. Đó có lẽ cũng là một trong những lý do mà nhiều DN có cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá "tạm lùi" kế hoạch tăng vốn và chờ đợi…       

Ngọc Thủy
Ngọc Thủy

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.69 4.72 0.39% 140,265 tỷ
HNX 227.21 -0.36 -0.16% 1,300 tỷ
UPCOM 88.45 0.11 0.13% 371 tỷ