Chứng khoán Trung Quốc giảm nhưng vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giống như sự sụp đổ của Enron và sự sụp đổ của Lehman Brothers, sự sụp đổ của Evergrande là điều không thể tránh khỏi mà chỉ khi hồi tưởng lại mới thực sự nhìn ra vấn đề.
Chứng khoán Trung Quốc giảm nhưng vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại

Ngày 8/6, các nhà phân tích tại JPMorgan đã nâng đánh giá đối với cổ phiếu của Evergrande từ mức trung lập lên mức tăng tỷ trọng. “Doanh thu của Evergrande sẽ được cải thiện, điều này sẽ loại bỏ mối quan tâm của các nhà đầu tư”.

Mặc dù đây có thể là một trong những sai lầm nhất của JPMorgan, nhưng JPMorgan không hề đơn độc trong khuyến nghị này. Các nhà đầu tư trên toàn thế giới vẫn tiếp tục đặt cược vào Trung Quốc ngay cả khi các thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông sụt giảm so với các thị trường phát triển khác.

Khoảng 86% trong số hơn 5.600 khuyến nghị về Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc là khuyến nghị mua vào đầu năm với triển vọng tăng giá nhất trong một thập kỷ, nhưng kết quả là đáng thất vọng. Chứng khoán Trung Quốc vốn đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch trước phần còn lại của thế giới vào năm 2020, tuy nhiên năm nay lại thụt lùi so với các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ.

Diễn biến chỉ số Shanghai Shenzhen CSI 300 Index, Stoxx 600 Index, S&P 500 và Hong Kong Hang Seng Index

Diễn biến chỉ số Shanghai Shenzhen CSI 300 Index, Stoxx 600 Index, S&P 500 và Hong Kong Hang Seng Index

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông là một trong những chỉ số hoạt động kém nhất thế giới trong năm nay do Bloomberg theo dõi, trong đó Alibaba đã giảm 30% vào năm 2021.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn tiếp tục lạc quan vào thị trường chứng khoán Trung Quốc với khoảng 87% các khuyến nghị của nhà phân tích vẫn là khuyến nghị mua và dòng tiền vẫn tiếp tục chảy vào các quỹ ETF của Trung Quốc. Theo dữ liệu của Bloomberg, gần 5 tỷ USD đã được chuyển vào các quỹ ETF trong nửa đầu năm 2021.

Tuy nhiên, giới phân tích và các nhà quản lý quỹ, cả BlackRock và Goldman Sachs đã để mắt đến những thách thức trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường kiểm soát những gã khổng lồ công nghệ và sự phục hồi trì trệ từ Covid-19 trong năm nay.

Bức tranh vĩ mô của Trung Quốc đã nêu bật những thách thức và kỳ vọng khi đổ tiền vào một thị trường khó lường với rủi ro chính sách và gần đây nhất là khủng hoảng năng lượng gia tăng dẫn đến lạm phát giá hàng hoá.

Các chiến lược gia nói gì khi nhìn lại các hành động trước đó

Theo Christophe Barraud, nhà kinh tế trưởng tại Market Securities LLP và là nhà dự báo hàng đầu của Bloomberg về nền kinh tế Trung Quốc cho biết, sự bùng phát của biến thể delta đã làm gia tăng thêm sự sụt giảm về doanh số bán nhà trong bối cảnh kiểm soát về giá nhà tăng cao và chiến dịch kiềm chế các khoản nợ của các nhà phát triển bất động sản.

Chính phủ đã liên tục thắt chặt các hạn chế trên thị trường bất động sản trong vài năm qua để kiềm chế rủi ro tài chính. Chính phủ đã tăng cường giám sát mọi thứ từ việc cấp vốn cho các nhà phát triển bất động sản đến việc phê duyệt các khoản vay thế chấp và khơi dậy lại ý tưởng về thuế tài sản quốc gia, thuế nhắm vào người giàu. Trong năm 2020, Chính phủ Trung Quốc cũng đã soạn thảo quy tắc “ba làn ranh đỏ” - các chỉ số nợ mà các nhà phát triển bất động sản sẽ phải đáp ứng nếu như muốn vay thêm.

Theo Max Kettner, chiến lược gia đa tài sản tại HSBC Holdings Plc ở London cho biết: “Đã từng có sự đồng thuận áp đảo về việc bán đồng USD trong ngắn hạn vào cuối năm ngoái và quý I của năm nay. Đây đáng lẽ phải là một môi trường thuận lợi cho các thị trường mới nổi. Nhưng rõ ràng là với tốc độ tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, đồng bạc xanh hiện đang có xu hướng tăng giá hơn nữa, đây thường không phải là tin tốt đối với các lĩnh vực có tính chu kỳ”.

Không có cảnh báo trước

Dawn Fitzpatrick, Giám đốc đầu tư tại Soros Fund Management cho biết: “Mặc dù việc chính quyền Trung Quốc đang thúc đẩy tái cân bằng nền kinh tế nhưng các nhà đầu tư đã ngạc nhiên về thiệt hại kinh tế mà chính quyền Trung Quốc sẵn sàng chịu đựng để đạt được mục tiêu”.

Tuy nhiên, tránh đầu tư vào thị trường Trung Quốc không phải là một lựa chọn cho hầu hết mọi người. Vì vậy, nhiều người vẫn đang tìm cách để có thể đầu tư vào thị trường Trung Quốc nhưng vẫn có thể tránh được những thiệt hại do một bộ máy hoạch định chính sách gây ra.

Quỹ đầu tư GIC của Singapore đã ủng hộ các ngành được Bắc Kinh hỗ trợ và thừa nhận triển vọng tăng trưởng lợi nhuận đang thấp hơn ở Trung Quốc. Quỹ đầu tư Temasek Holdings Pte cũng cho biết đang ngừng đầu tư thêm vào các nền tảng internet của Trung Quốc khi họ tìm kiếm sự chắc chắn hơn về hậu quả từ việc đưa ra các quy định.

Qu Hongbin, đồng Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế châu Á tại HSBC cũng cho rằng, có thể sẽ có ít bất ngờ hơn trong tương lai.

“Việc thắt chặt quy định đối với bất động sản, internet và các lĩnh vực khác sẽ được tiếp tục, nhưng có thể sẽ được thực hiện một cách dần dần và minh bạch hơn để giảm thiểu tác động không mong muốn đối với tăng trưởng”.

Quỹ đầu tư Fidelity International cho biết, các nhà chức trách của Trung Quốc đã quyết định đưa đất nước đi theo hướng mô hình tăng trưởng ít kịch tính hơn nhưng bền vững hơn, tập trung vào tiếp cận công bằng đối với chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở. Các nhà đầu tư phải xác định danh mục đầu tư phù hợp với chiến lược kinh tế mới của Trung Quốc.

Victoria Mio, Giám đốc Fidelity phụ trách cổ phiếu châu Á cho biết, cổ phiếu Trung Quốc hiện nay rất rẻ và có thể tham gia rất an toàn, nhưng chu kỳ của những thay đổi quy định có khả năng vẫn chưa kết thúc.

Nhưng những dự đoán là rất khó khi xác định về tương lai và thậm chí còn khó hơn nhiều khi dự báo liên quan đến Trung Quốc.

“Ở các nền kinh tế tiên tiến, bạn phải thông qua luật, phải thảo luận và lấy ý kiến trên đa số, do đó, các nhà phân tích có nhiều tầm nhìn và thời gian để chuẩn bị cho những gì sắp tới. Nhưng các quan chức Trung Quốc có nhiều không gian hơn để làm những gì họ muốn và các cú sốc có thể trở nên mạnh mẽ hơn”, nhà kinh tế Christophe Barraud cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục