Trong thông báo phát đi hôm thứ Tư sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed cho biết, nền kinh tế Mỹ đã vượt qua suy thoái của quý I và đã tăng trưởng trở lại, bất chấp giá năng lượng giảm và ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Đây là điều kiện đủ để Fed tăng lãi suất sau gần một thập kỷ giữ ở mức gần như bằng 0.
Tuy nhiên, bản báo cáo của Fed chỉ cập nhật thêm về tình hình kinh tế, mà không đưa ra thời gian và kế hoạch cụ thể về việc tăng lãi suất.
Sau báo cáo của Fed thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm khá tốt trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Dow Jones tăng 121,12 điểm (+0,69%), lên 17.751,39 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,32 điểm (+0,73%), lên 2.108,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22,53 điểm (+0,44%), lên 5.111,73 điểm.
Tương tự chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm khá tốt trong phiên thứ Tư sau thông tin từ Fed. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn nhận được thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh doanh của một số công ty vừa công bố khả quan, hoạt động mua bán sáp nhập.
Kết thúc phiên 29/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 75,72 (+1,16%), lên 6.631,00 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 37,94 điểm (+0,34%), lên 11.211,85 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 40,12 điểm (+0,81%), lên 5.017,44 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc Funuc Corp và Tokyo Electron cắt giảm dự báo lợi nhuận năm, cũng như nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng điểm nhờ sự hồi phục mạnh từ chứng khoán đại lục, lên mức cao nhất 1 tuần rưỡi sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ quyết tâm để ổn định thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 25,98 điểm (-0,13%), xuống 20.302,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 115,51 điểm (+0,47%), lên 24.619,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 126,17 điểm (+3,44%), lên 3.789,17 điểm.
Trên thị trường vàng, giá vàng gần như đi ngang suốt phiên giao dịch thứ Tư, có lúc trên thị trường Mỹ, giá hồi nhẹ sau báo cáo của Fed, nhưng sau đó đã nhanh chóng lùi trở lại và đi ngang ở sát mốc đóng cửa phiên trước cho đến hết phiên do đồng USD tăng mạnh, hãm đà tăng của các loại hàng hóa định giá bằng đồng tiền này, trong đó có vàng, dầu thô.
Kết thúc phiên 29/7, giá vàng giao ngay tăng 1,2 USD (+0,11%), lên 1.096,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 3,6 USD/ounce (-0,33%), xuống 1.092,6 USD/ounce.
Giá dầu hồi phục mạnh trở lại sau khi giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng trong các phiên trước khi Mỹ bất ngờ công bố kho dự trữ giảm 4,2 triệu thùng, gấp hơn 20 lần so với mức dự báo giảm 184.000 thùng của giới phân tích. Điều này cho thấy, nhu cầu năng lượng mạnh hơn nhiều so với một số suy nghĩ của giới phân tích và nhà đầu tư.
Cũng theo cơ quan năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu xăng của Mỹ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trung bình đạt 9,51 triệu thùng/ngày trong 4 tuần qua.
Kết thúc phiên 29/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,81 USD/thùng (+1,66%), lên 48,79 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,08 USD (+0,15%), lên 53,38 USD/thùng.