Trung Quốc gieo rắc nỗi sợ hãi cho chứng khoán toàn cầu

(ĐTCK) Phiên bán tháo ồ ạt trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong phiên giao dịch đầu tuần mới đã reo rắc nỗi lo cho chứng khoán toàn cầu, khiến các thị trường từ Á, Âu, sáng Mỹ đồng loạt chìm trong sắc đỏ.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Ngoài chịu các thông tin không khả quan như kết quả kinh doanh của nhóm công nghệ gây thất vọng, cổ phiếu năng lượng giảm mạnh theo giá dầu, nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…, phố Wall còn chịu thông tin tiêu cực khác từ bên kia bờ Thái Bình Dương.

Dữ liệu kinh tế kém khả quan của nền kinh tế Trung Quốc khiến thị trường chứng khoán của nước này có phiên giảm mạnh nhất 8 năm, reo rắc nỗi sợ hãi trở lại với chứng khoán toàn cầu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vốn là thị trường lớn của nhiều công ty Mỹ, vì vậy khi sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có vấn đề, các công ty này sẽ bị ảnh hưởng, nền giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, kéo phố Wall giảm theo trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 27/7, chỉ số Dow Jones giảm 127,94 điểm (-0,73%), xuống 17.440,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,01 điểm (-0,58%), xuống 2.067,64 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 48,85 điểm (-0,96%), xuống 5.039,78 điểm.

Cũng giống chứng khoán Mỹ, thông tin tiêu cực từ Trung Quốc cũng khiến chứng khoán châu Âu giảm mạnh trong phiên đầu tuần, xuống mức thấp nhất 2 tuần. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp châu Âu, vì vậy khi nền kinh tế này suy yếu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp “lục địa già”.

Ngoài ra, phiên bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng tạo ra tâm lý lo sợ với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu.

Bên cạnh đó, việc Vương Quốc Anh tuyên bố về việc sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc ở hay rời Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2016 lại môt lần nữa khiến giới đầu tư châu Âu dậy sóng sau khi vấn đề Hy Lạp được giải quyết.

Kết thúc phiên 27/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 74,68 (-1,13%), xuống 6.505,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 291,05 điểm (-2,56%), xuống 11.056,40 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 129,76 điểm (-2,57%), xuống 4.927,60 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin mới nhất về kinh tế Trung Quốc được công bố gây thất vọng lớn cho nhà đầu tư. Theo đó, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc giảm 0,3% trong tháng 6 so với cùng kỳ. Một dữ liệu được công bố thứ Sáu tuần trước cũng cho thấy, sản xuất trong lĩnh vực tư nhân của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng bất ngờ giảm trong tháng 7, xuống mức thấp nhất 15 tháng.

Những thông tin kinh tế yếu kém khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lo ngại và đồng loạt bán ra trong phiên đầu tuần. Ngoài ra, nhà đầu tư lo ngại Chính phủ sẽ không thể can thiệp mạnh tay để chống bán tháo như vừa qua, bởi dữ liệu kinh tế quá yếu kém, không có động lực để nâng đỡ thị trường chứng khoán, khiến lực bán tháo xảy ra mạnh hơn trong cuối phiên và khiến chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh nhất trong 8 năm.

Sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc đã reo rắc nỗi lo cho chứng khoán khu vực, khiến chứng khoán Hồng Kông cũng lao dốc theo với mức giảm hơn 3% và chứng khoán Nhật Bản cũng chìm trong sắc đỏ, khi đóng cửa ở mức thấp nhất 2 tuần.

Kết thúc phiên 27/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 194,43 điểm (-0,95%), xuống 20.350,10 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 776,55 điểm (-3,09%), xuống 24.351,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 345,35 điểm (-8,48%), xuống 3.725,56 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi tăng khá tốt trong phiên châu Á, châu Âu nhờ hưởng lợi từ sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, giá vàng đã không duy trì được đà tăng của mình khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, bất chấp đồng USD giảm mạnh trở lại.

Như giới phân tích đã nhận định, vàng hiện không còn là một kênh đầu tư trú ẩn an toàn, mà chỉ là một phương tiện đầu tư thuần túy, do đó các thông tin tiêu cực từ Trung Quốc, hay trước đó là Hy Lạp cũng không thể giúp giá vàng bứt phá.

Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của giới đầu tư trên thị trường vàng chính là dữ liệu GDP của Mỹ và đặc biệt là cuộc họp kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ thứ Ba tuần này của Fed để ban về chính sách tiền tệ. Trong đó, nhiều dự đoán cho rằng, khả năng số lượng quan chức Fed ủng hộ kế hoạch tăng lãi suất trong tháng 9 sẽ tăng lên và đó chính là thông tin bất lợi cho giá vàng. Nếu trong cuộc họp báo sau cuộc họp, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed có đề cập đến vấn đề này, chắc chắn vàng sẽ xuống ngưỡng 1.000 USD/ounce.

Kết thúc phiên 27/7, giá vàng giao ngay giảm 5 USD (-0,45%), xuống 1.094,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 1,9 USD/ounce (-0,17%), xuống 1.096,4 USD/ounce.

Ngoài nỗi lo về dư cung, giá dầu còn chịu tác thông tin tiêu cực về lực cầu khi kinh tế Trung Quốc, thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới đang suy yếu. Do đó, không khó hiểu khi giá dầu tiếp tục có phiên giảm giá tiếp theo, xuống mức thấp nhất từ tháng 3 và ngày càng rời xa ngưỡng 50 USD/thùng.

Kết thúc phiên 27/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,75 USD/thùng (-1,58%), xuống 47,39 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,15 USD (-2,15%), xuống 53,47 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục