Theo dữ liệu mới công bố, doanh số bán nhà mới của Mỹ trong tháng 6 giảm 6,8%, xuống mức điều chỉnh theo mùa 482.000 đơn vị, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014, trong khi doanh số bán hàng của tháng 5 được điều chỉnh giảm mạnh từ mức 546.000 đơn vị, xuống 517.000 đơn vị.
Cũng theo số liệu vừa công bố, chỉ số PMI trong tháng 7 của Mỹ tăng nhẹ lên mức 53,8 từ mức thấp nhất 20 tháng 53,6 của tháng 6.
Với các thông tin hỗn hợp trên, cùng kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học kém khả quan, cùng nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh theo giá dầu khiến phố Wall tiếp tục có phiên giảm điểm trong ngày cuối tuần.
Kết thúc phiên 24/7, chỉ số Dow Jones giảm 163,39 điểm (-0,92%), xuống 17.568,53 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 22,5 điểm (-1,07%), xuống 2.079,65 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 57,78 điểm (-1,12%), xuống 5.088,63 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 2,86%, chỉ số S&P 500 giảm 2,21%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3, chỉ số Nasdaq giảm 2,33%.
Tuần tới, thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin tác động quan trọng là cuộc họp chính sách của Fed và thông tin về GDP quý II.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng giảm khá mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, xuống mức thấp nhất tuần khi một số công ty vừa công bố kết quả kinh doanh kém khả quan. Chứng khoán châu Âu trước đó đã có chuỗi tăng điểm ấn tượng nhờ vấn đề Hy Lạp được giải quyết, nhưng sau đó điều chỉnh trở lại với kết quả kinh doanh kém thất vọng của các doanh nghiệp liên tiếp được công bố.
Kết thúc phiên 24/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 75,2 (-1,13%), xuống 6.579,81 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 164,66 điểm (-1,43%), xuống 11.347,45 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 29,38 điểm (-0,58%), xuống 5.057,36 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 2,88%, chỉ số DAX giảm 2,79%, nhẹ hơn, chỉ số CAC 40 giảm 1,31%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng từ chứng khoán Âu, Mỹ và thông tin yếu kém từ kinh tế Trung Quốc, chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần, xuống mức thấp nhất 1 tuần rưỡi.
Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần do ảnh hưởng từ chứng khoán toàn cầu và thông tin từ đại lục. Tương tự, sau chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp, chứng khoán Trung Quốc cũng đã điều chỉnh trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, kết thúc tuần, chứng khoán đại lục vẫn tiếp tục có tuần tăng khá tốt.
Kết thúc phiên 24/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 139,42 điểm (-0,67%), xuống 20.544,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 270,34 điểm (-1,06%), xuống 25.128,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 53,01 điểm (-1,29%), xuống 4.070,91 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,52%, chỉ số Hang Seng giảm 1,13%, trong khi chỉ số Shanghai Composite vẫn tăng 2,87%.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, vàng đang bị quá bán và sẽ phục hồi kỹ thuật trở lại. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, sau khi giảm nhẹ trên thị trường châu Á và châu Âu, giá vàng đã dần hồi trở lại trong phiên giao dịch Mỹ, nhưng không thể chinh phục được ngưỡng 1.100 USD/ounce.
Kết thúc phiên 24/7, giá vàng giao ngay tăng 9,1 USD (+0,84%), lên 1.099,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 4,2 USD/ounce (+0,38%), lên 1.098,3 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,98%, giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 3%.
Theo cuộc khảo sát của Kitco tuần này, trong 555 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến, có tới 416 người, chiếm 75% dự đoán giá vàng sẽ giảm trong tuần tới, chỉ có 99 người, chiếm 18% có quan điểm lạc quan về giá vàng và 40 người, chiếm 7% giữ quan điểm trung tính.
Còn trong số 34 chuyên gia được liên lạc, có 20 người trả lời, trong đó chỉ có 8 người, chiếm 40% giữ quan điểm lạc quan về giá vàng tuần tới, 9 chuyên gia, chiếm 45% cho rằng, vàng sẽ giảm giá và 3 người, chiếm 15% giữ quan điểm trung lập.
Mọi con mắt trên thị trường vàng tuần này sẽ dồn vào cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra trong 2 ngày, kết thúc vào ngày thứ Tư. Bên cạnh đó là sức mạnh của đồng USD và các dữ liệu kinh tế quan trọng khác của Mỹ cũng được công bố.
Trên thị trường dầu mỏ, thông tin về kho dự trữ dầu của Mỹ tăng mạnh trong tuần trước, cũng như triển vọng nguồn cung gia tăng khi Iran gia nhập thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới sau thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của nước này khiến giá dầu giảm mạnh trong tuần qua.
Kết thúc phiên 24/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,31 USD/thùng (-0,64%), xuống 48,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,65 USD (-1,19%), xuống 54,62 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 5,40%, giá dầu thô Brent giảm 5,37%.