Giá dầu có thể tăng lên ngưỡng 100 USD/thùng vào năm 2020

(ĐTCK) Một chuyên gia trong lĩnh vực dầu mỏ, người từng dự đoán chính xác về sự xuống dốc mạnh của giá dầu hồi năm ngoái, nhận định rằng, “vàng đen” có thể quay trở lại ngưỡng 100 USD/thùng trong vòng 5 năm tới do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu.
Giá dầu có thể tăng lên ngưỡng 100 USD/thùng vào năm 2020

Gary Ross, nhà sáng lập Tập đoàn tư vấn năng lượng PIRA Energy Group, cho rằng, các thị trường dầu mỏ trên thực tế không ở trong tình trạng dư cung quá mức như nhiều người nhận định và sản lượng dư thừa sẽ sớm bị thắt chặt trở lại khi Ả Rập Xê út, dù đang xuất khẩu dầu mỏ ồ ạt, song không tăng công suất từ các giếng dầu mới.

“Giá dầu hiện nay là không bền vững. Nhiều khả năng giá dầu mỏ sẽ chạm ngưỡng 100 USD/thùng tại thời điểm nào đó trong vòng 5 năm tới”, ông Ross nói.

Dự báo mà ông Ross đưa ra có vẻ trái ngược với nhiều nhà phân tích và đầu tư khác, khi họ vẫn đặt cược rằng, giá dầu mỏ sẽ giữ ở mức thấp hơn trong một thời gian dài. Bản thân Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê út Ali Al Naimi hồi tháng 12 năm ngoái cũng từng nhận định, thế giới có thể sẽ không chứng kiến mức giá 100 USD/thùng trở lại, trong khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thì mô tả thị trường “vàng đen” hiện nay đang “dư cung quá mức”.

Theo ông Ross, các quan điểm nói trên đã không tính tới những tác động của mức giá 50 USD/thùng tới sản lượng bên ngoài khu vực Bắc Mỹ, khi các nhà sản xuất giảm đầu tư cho lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhu cầu tiêu thụ tăng cao cũng có thể là nhân tố hỗ trợ giá dầu.

Chuyên gia Ross lưu ý rằng, công suất dầu mỏ dư thừa hiện đang đứng trước những mối đe dọa gia tăng về địa chính trị, trong đó có Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

PIRA dự đoán, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng khoảng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm nay và giữ vững mức tăng tương đương trong năm 2016, trong đó nhu cầu tiêu thụ mạnh tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, nguồn cung dầu mỏ từ các nước bên ngoài OPEC sẽ lần đầu tiên sụt giảm trong năm tới kể từ năm 2008. Trong khi sản lượng tại Bắc Mỹ tăng lên thì sản xuất tại Australia, khu vực Biển Bắc, Colombia và Argentina sẽ sụt giảm.

Ngay cả khi xuất khẩu dầu mỏ của Iran tăng lên nhờ phương Tây nới lỏng lệnh trừng phạt Tehran, sau khi quốc gia Hồi giáo này và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân, dầu mỏ của Iran cũng chưa thể “gây lụt” trên thị trường. Bởi lẽ, mức tăng này có thể bị giới hạn dưới 500.000 thùng/ngày trong vòng sáu tháng tới, đồng thời Iran sẽ nỗ lực bán lượng dầu dự trữ trong các kho chứa trước.

Không đưa ra những dự báo mang tính dài hạn như chuyên gia Gary Ross, song một số ngân hàng đầu tư cũng đặt cược về triển vọng giá dầu mỏ tăng trong giai đoạn cuối năm nay. Ví dụ, Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự báo giá dầu Brent biển Bắc có thể chạm mốc 65 USD/thùng trong quý III và 67 USD/thùng trong quý IV năm nay.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Ngân hàng Barclays cho rằng giá dầu Brent có thể được giao dịch quanh ngưỡng 61 USD/thùng trong quý III và 66 USD/thùng trong quý cuối năm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác không đồng tình về khả năng giá dầu sẽ sớm phục hồi ngay trong năm nay. Nhà phân tích Neil Atkinson tại Lloyd's List Intelligence không cho rằng thị trường dầu mỏ có thể được tiếp động lực đáng kể trước mùa Đông. Tình trạng cung vượt cầu đã xảy ra ngay cả trước thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trên cơ sở đó, giá dầu khó có thể ghi nhận mức tăng mạnh trừ khi xảy ra một sự kiện kinh tế hay chính trị bước ngoặt.

Bất chấp một số quan điểm trái chiều về sự phục hồi của giá dầu trong ngắn hạn, các nhà phân tích cho rằng nguồn cung và nhu cầu dầu mỏ sẽ vận động theo hướng cân bằng hơn trong năm tới. Tuần trước, OPEC đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm nay và năm 2016, trong đó viện dẫn sự cải thiện theo hướng cân bằng hơn của thị trường.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục