Kết quả kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp công nghệ mới công bố đã kéo phố Wall quay ngược trở lại với mức giảm khá mạnh. Trong đó, riêng IBM và United Tech đã đóng góp tới 118 điểm trong tổng số 181 điểm bị mất của Dow Jones.
Trong đó, IBM giảm 5,9% sau khi có thông tin doanh thu của tập đoàn này có quý giảm thứ 13 liên tiếp, còn United Tech giảm tới 7% sau khi cắt giảm triển vọng lợi nhuận cả năm lần thứ 3 trong năm nay.
Tương tự, các đại gia công nghệ khác cũng đồng loạt giảm giá như Apple giảm 6,2%, Microsoft giảm 3,5% và Yahoo giảm 2,2%,
Kết thúc phiên 21/7, chỉ số Dow Jones giảm 181,12 điểm (-1,00%), xuống 17.919,29 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,07 điểm (-0,85%), xuống 2.119,21 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 10,74 điểm (-0,21%), xuống 5.208,12 điểm.
Cũng tương tự thị trường chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm khá mạnh trở lại trong phiên thứ Ba sau báo cáo kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp niêm yết được công bố. Ngoài ra, kết quả kinh doanh yếu kém của các đại gia công nghệ Mỹ cũng ảnh hưởng tới chứng khoán châu Âu.
Kết thúc phiên 21/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 19,62 (-0,29%), xuống 6.769,07 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 130,92 điểm (-1,12%), xuống 11.604,80 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 35,92 điểm (-0,70%), xuống 5.106,57 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật tăng khá tốt ngay khi trở lại sau 1 ngày nghỉ lễ. Kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan và sự ổn định trở lại của chứng khoán Trung Quốc giúp chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất gần 4 tuần trong phiên thứ Ba. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng và vượt qua được ngưỡng 4.000 điểm đã đánh mất từ ngày 2/7.
Kết thúc phiên 21/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 191,05 điểm (+0,93%), lên 20.841,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 131,62 điểm (+0,52%), lên 25.536,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 25,56 điểm (+0,64%), lên 4.017,67 điểm.
Trên thị trường, sau khi giảm hơn 3% trong phiên thứ Hai, phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2013, giá vàng đã hồi trở lại khá tốt và đi ngang sát mức 1.110 USD/ounce, nhưng về cuối phiên lại hạ nhiệt trở lại, chỉ còn duy trì mức tăng nhẹ.
Giá vàng hạ nhiệt khi nỗi lo về khả năng Fed tăng lãi suất vẫn ám ảnh nhà đầu tư, cùng với đó là nhu cầu vàng vật chất của Ấn Độ - một trong hai thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới có dấu hiệu giảm.
Kết thúc phiên 21/7, giá vàng giao ngay tăng 3,3 USD (+0,3%), lên 1.101,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 3,3 USD/ounce (-0,3%), xuống 1.103,5 USD/ounce.
Giá dầu thô tăng trở lại trong phiên thứ Ba khi các hợp đồng kỳ hạn giao tháng 8 chuẩn bị hết hạn. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô bị hạn chế khi còn đó nỗi lo về nguồn cung từ Iran, cũng như dự báo kho dự trữ xăng của Mỹ tuần trước tăng 900.000 thùng, kho dự trữ dầu thô giảm 2,3 triệu thùng, theo Reuters. Tuy nhiên, vào cuối ngày, theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp dầu khí Mỹ, lượng dầu thô tại các kho dự trữ tăng 2,3 triệu thùng trong tuần trước.
Kết thúc phiên 21/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,21 USD/thùng (+0,42%), lên 50,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,39 USD (+0,68%), lên 57,04 USD/thùng.