Dầu, vàng đồng loạt giảm, chứng khoán bắt đầu rung lắc

(ĐTCK) Nhiều thông tin tiêu cực tác động đã khiến giá dầu lao dốc mạnh, vàng cũng tiếp tục chuỗi ngày giảm của mình, xuống mức thấp nhất 4 tháng, trong khi chứng khoán cũng bắt đầu chịu rung lắc do áp lực chốt lời sau 4 phiên tăng liên tiếp.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Jannet Yellen cho biết, bà hy vọng nền kinh tế phát triển bền vững cho phần còn lại của năm, cho phép Fed tăng lãi suất, nhưng không đưa ra gợi ý trực tiếp về thời gian hay tốc độ của 1 lần tăng. Fed được dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tháng 9 hoặc tháng 12.

Đúng như giới phân tích, bài phát biểu này của bà Yellen không có thêm thông tin mới hơn những gì đã được công bố trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách tháng 6, hoặc biên bản cuộc họp này vừa công mới đây.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch thứ Tư, phố Wall đã đảo chiều giảm nhẹ trở lại sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp. Phiên giảm điểm này của chứng khoán Mỹ nguyên nhân chủ yếu do nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh sau khi dầu giảm hơn 3%.

Nhiểu chuyên gia dự báo, khả năng Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran là rất cao và khi đó, Iran sẽ gia nhập thị trường xuất khẩu dầu thô thế giới, làm gia tăng nguồn cùng, đẩy giá dầu bước vào chuỗi ngày giảm như trước và khi đó, thị trường chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực từ nhóm cổ phiếu năng lượng.

Kết thúc phiên 15/7, chỉ số Dow Jones giảm 3,41 điểm (-0,02%), xuống 18.050,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,55 điểm (-0,07%), xuống 2.107,40 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,95 điểm (-0,12%), xuống 5.098,94 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, thông tin được giới đầu tư quan tâm theo dõi là cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Hy Lạp về các biện pháp cải cách mới theo yêu cẩu của các chủ nợ. Theo thông tin mới nhất, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua các điều kiện này, mở đường cho cuộc đàm phán của Chính phủ với các chủ nợ về  gói viện trợ nhiều tỷ USD, nhằm tránh cho đất nước tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Thông tin trên đưa ra sau, nhưng dường như giới đầu tư đã dự đoán trước được kết quả, nên chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên tăng thứ 5 liên tiếp và duy trì ở mức cao nhất 3 tuần trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 15/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh đứng nguyên ở mức 6.753,75 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 22,76 điểm (+0,20%), lên 11.539,66 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 14,77 điểm (+0,29%), lên 5.047,24 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin kinh tế quan trọng của Trung Quốc đã được công bố. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, tăng trưởng GDP quý II của nước này đạt 7%, bằng với quý I và cao hơn mức dự báo 6,8% được giới phân tích đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, bất chấp thông tin tích cực này, chứng khoán Trung Quốc vẫn giảm mạnh trong phiên thứ Tư, có thời điểm đã mất tới hơn 5% trước khi hồi nhẹ và đóng cửa giảm 3,5%. Dù GDP quý II tăng mạnh hơn dự kiến do một loạt biện pháp nới lỏng và kích thích của Chỉnh phủ, nhưng giới đầu tư vẫn lo lắng về tình trạng trì trệ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Số lượng cổ phiếu tạm dừng giao dịch hiện chỉ còn 25%, giảm hơn một nửa so với tuần trước, nhưng niềm tin trên thị trường chứng khoán cũng khó trở lại như trước khi nhiều người đã bị khuynh gia bại sản.

Đà sụt giảm trên thị trường chứng khoán đại lục cũng ảnh hưởng đến chứng khoán Hồng Kông, nhưng mức giảm của thị trường này ít hơn nhiều khi giới đầu tư bớt lo lắng về tình hình Hy Lạp.

Tình hình Hy Lạp có lối ra cũng giúp chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư, dù khiêm tốn hơn phiên trước đó, nhưng cũng đủ giúp chỉ số Nikkei 225 lên mức cao nhất 1 tuần rưỡi.

Kết thúc phiên 15/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 78 điểm (+0,38%), lên 20.463,33 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 65,15 điểm (-0,26%), xuống 25.055,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 118,78 điểm (-3,03%), xuống 3.805,70 điểm.

Trên thị trường vàng, du không đưa thêm thông tin cụ thể mới nào, nhưng phát biểu của Chủ tịch Fed cũng khiến đồng USD tăng vọt trở lại và gây áp lực lên giá vàng. Trong phiên thứ Tư, giá vàng tiếp tục giảm mạnh, trong đó giá vàng kỳ hạn giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng, trong khi giá vàng giao ngay xuống mức thấp nhất 4 tháng.

Kết thúc phiên 15/7, giá vàng giao ngay giảm 5,9 USD (-0,51%), xuống 1.148,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 6,1 USD/ounce (-0,53%), xuống 1.147,4 USD/ounce.

Kỳ vọng cung dầu gia tăng khi Iran được nới lỏng các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi thỏa thuận lịch sự về vấn đề hạt nhân của nước này đạt được đã khiến giá dầu giảm mạnh trở lại sau phiên bất ngờ tăng trước đó.

Giá giảm trở lại bất chấp thông tin kho dự trữ của Mỹ tuần trước giảm 4,3 triệu thùng được đưa ra bởi Cục Quản lý Năng lượng (EIA). Trong khi đó, hàng tồn kho dầu chỉ giảm 1,2 triệu thùng, ít hơn rất nhiều so với mức giảm 7,3 triệu thùng theo báo cáo hôm thứ Ba của Viện Dấu khí Mỹ (API). Kho dự trữ tại Cushing, Oklahoma, trung tâm giao hàng cho các hợp đồng dầu thô Mỹ cũng tăng lên.

Kết thúc phiên 15/7, giá dầu thô Mỹ giảm 1,63 USD/thùng (-3,17%), xuống 51,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,46 USD (-2,56%), xuống 57,05 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục