Trái ngược với những ồn ào của thị trường chứng khoán Trung Quốc và thị trường kim loại quý, giá dầu “âm thầm” giảm tới gần 20% trong tháng qua, thậm chí xuống dưới 47 USD/ounce trong phiên ngày hôm qua (28/7). Đôi lúc, giá dầu xuống gần chạm đáy kỷ lục 43,46 USD/thùng trong tháng 3/2015, mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Nguyên nhân chính khiến giá dầu luôn trong xu hướng giảm vẫn là do nguồn cung dư thừa trên thị trường, trong khu nhu cầu tiêu thụ ngày càng giảm sút.
Trước đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ buộc phải nhượng bộ trong cuộc chiến dầu mỏ khốc liệt với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khi tạm ngừng khai thác và cắt giảm sản lượng tại một số mỏ dầu. Tuy nhiên, hiện nay, các công ty dầu mỏ của Mỹ đang bơm vào thị trường 9,5 triệu thùng/ngày, tăng 1 triệu thùng/ngày so với năm 2014.
Nguyên nhân là bởi, họ tin rằng giá dầu sẽ quay lại mốc 61 US/thùng khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường tăng trở lại.
Thêm vào đó, việc Iran có thể sớm quay trở lại thị trường sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân đồng nghĩa với việc sẽ có thêm hàng triệu thùng dầu được đưa thêm vào thị trường, vốn đang dư thừa quá mức.
Cũng giống vàng và các loại tiền tệ khác, dầu mỏ đang chịu áp lực trước sức mạnh của đồng USD. Việc đồng bạc xanh mạnh lên khiến các loại hàng hóa, trong đó có dầu, được định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với các đồng tiền khác. Từ đó, sức mua vốn yếu lại càng giảm sút.
Walter Zimmerman, trưởng nhóm chuyên gia phân tích tại United-ICAP cho rằng, giá dầu sẽ sớm chạm tới mức đáy 43,46 USD/thùng. Sau khi phá vỡ mốc này, dầu mỏ sẽ được thử thách ở mức giá 32,40 USD/thùng, tương đương với thời kỳ đại suy thoái năm 2008 – 2009.
“Tuy nhiên, mọi việc có thể còn tệ hơn nữa bởi hiện tại lượng dầu đá phiến trên thị trường nhiều hơn rất nhiều so với năm 2008”, Zimmerman cho biết.