Chứng khoán hồi phục sau phiên hoảng loạn đầu tuần

(ĐTCK) Sau phiên giảm mạnh đầu tuần do ảnh hưởng tiêu cực từ phiên lao dốc của chứng khoán Trung Quốc, chứng khoán Âu, Mỹ đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba với kỳ vọng Fed sẽ lùi thời gian tăng lãi suất.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Cuộc họp hàng tháng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang diễn ra để bàn về chính sách tiền tiện. Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc họp này Fed sẽ tính đến khả năng tăng lãi suất, nhưng sẽ không phải trong tháng 9, mà sẽ là tháng 12.

Cơ sở để giới phân tích đưa ra nhận định này là niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2014 do triển vọng kém lạc quan trong thị trường lao động.

Chính nhờ kỳ vọng này nên chứng khoán đã hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh đầu tuần theo đà lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II/2015 không mấy lạc quan. Theo số liệu của Thomson Reuters, lợi nhuận tổng thể của nhóm S&P 500 tăng 0,3%, trong khi doanh thu giảm 0,4%.

Kết thúc phiên 28/7, chỉ số Dow Jones tăng 189,68 điểm (+1,09%), lên 17.630,27 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,61 điểm (+1,24%), lên 2.093,25 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 49,43 điểm (+0,98%), lên 5.089,21 điểm.

Tương tự chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Ba sau phiên giảm trước đó do ảnh hưởng tiêu cực từ chứng khoán Trung Quốc. Chứng khoán châu Âu hồi phục nhờ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố khả quan.

Kết thúc phiên 28/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 50,15 (+0,77%), lên 6.555,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 117,51 điểm (+1,06%), lên 11.173,91 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 49,72 điểm (+1,01%), lên 4.977,32 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm trong phiên thứ Ba, nhưng mức giảm đã được hãm lại rất nhiều về cuối phiên. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông cũng đã hồi phục sau phiên giảm mạnh hơn 3% trong phiên đầu tuần do ảnh hưởng từ chứng khoán đại lục. Còn chứng khoán Trung Quốc dù nỗ lực, nhưng không thể đảo chiều thành công và tiếp tục giảm gần 1,7% sau khi đã giảm 8,5% trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 28/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 21,21 điểm (-0,1%), xuống 20.328,89 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 151,98 điểm (+0,62%), lên 24.503,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 62,56 điểm (-1,68%), xuống 3.663 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này đã hồi nhẹ trở lại sau khi có những kỳ vọng về khả năng Fed sẽ lùi thời gian tăng lãi suất vào tháng 12 thay vì tháng 9. Dù vậy, rất ít người mạo hiểm mua vào, mà chủ yếu nghe ngóng và chờ đợt thông tin cuối cùng từ cuộc họp báo sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc vào thứ Tư của Fed.

Kết thúc phiên 28/7, giá vàng giao ngay tăng 1 USD (+0,09%), lên 1.095,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 0,2 USD/ounce, xuống 1.096,2 USD/ounce.

Sau chuỗi phiên giảm liên tiếp do ảnh hưởng của nỗi lo dư cung và kinh tế Trung Quốc kém khả quan, giá dầu thô đã hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 28/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,59 USD/thùng (+1,23%), lên 47,98 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,17 USD (-0,32%), xuống 53,30 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục